Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện cao Võ Nhai ngày càng khởi sắc. Nhân Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ II năm 2014, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nông Xuân Bắc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.
PV: Xin đồng chí đánh giá khái quát những kết quả nổi bật về KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện trong 5 năm trở lại đây?
Đồng chí Nông Xuân Bắc: Võ Nhai là huyện vùng cao, là quê hương cách mạng trong những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược. Tại nơi đây, ngày 15/9/1941, Trung đội Cứu quốc quân II được ra đời (một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam). Những năm tháng gian khó ấy, nhân dân các dân tộc trong huyện vẫn đoàn kết một lòng bảo vệ Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước của nhân dân ngày một vững mạnh. Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong toàn huyện đã ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Toàn huyện hiện có hơn 16.700 hộ, trên 68.500 nhân khẩu với 8 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó: dân tộc Kinh chiếm 32,1%; Tày: 22,7%; Nùng: 20,2%; Dao: 14,1%; Mông: 6,2%; Sán Chay: 4,3%; Sán Dìu: 0,3%; Mường: 0,1%.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt là các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi như Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, chính sách hỗ trợ vùng ATK, chính sách hỗ trợ huyện nghèo…, đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, năm sau cao hơn năm trước, bình quân hằng năm đạt 12,5%. GDP bình quân đầu người năm 2009 là 8,425 triệu đồng/năm, đến năm 2014 ước đạt 14,25 triệu đồng/năm. Tổng giá trị sản xuất năm 2010 là 953,545 tỷ đồng; đến năm 2013 đạt 1.488,4 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2009 là 70,8%, đến nay tăng lên gần 74%; tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia là 89%, tăng 7%. Thu ngân sách trên địa bàn hằng năm đều tăng từ 15% trở lên. Năm 2009 mới đạt 10,694 tỷ đồng, đến năm nay, ước đạt 20 tỷ đồng. Sản lượng lương thực tăng từ 43.612 tấn, lên gần 54.500 tấn (tăng gần 25%), nâng mức bình quân lương thực đầu người từ 682 kg/năm, lên gần 780kg/năm. Tích cực chỉ đạo triển khai trồng rừng theo các dự án, bình quân mỗi năm trồng được 948,12ha rừng. Cơ sở hạ tầng của huyện luôn được quan tâm củng cố. Toàn huyện đã có 14/15 xã, thị trấn có đường nhựa đến trung tâm xã, riêng xã Liên Minh sẽ hoàn thành thi công đường nhựa đến trung tâm xã trong năm 2014; từ năm 2009 đến nay có trên 50 km đường giao thông thôn xóm được cứng hóa theo Chương trình nông thôn mới.
Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo đối với vùng dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện như: Tỷ lệ phòng học được kiên cố hoá đạt gần 80%, tạo điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc đến lớp. Toàn huyện có số trường đạt chuẩn quốc gia từ bậc mầm non đến THCS là 28 trường, đạt 43,8%. Huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đạt phổ cập THCS và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến mạnh mẽ, cơ sở vật chất và trang thiết bị từ huyện đến xã được quan tâm đầu tư; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 4 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020.
Công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc được chú trọng, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng làng bản văn hóa, cơ quan văn hóa được đẩy mạnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì thường xuyên, điển hình như: Tổ chức tốt Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc; Liên hoan văn nghệ các dân tộc thiểu số và Lễ hội Võ Nhai nơi cội nguồn; tái hiện phiên chợ tình của người Mông vào ngày 26 tháng 3 âm lịch; tổ chức thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ hát Then tại xã Thần Sa, xã Phú Thượng.
Công tác quốc phòng, quân sự địa phương thường xuyên được củng cố vững mạnh; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, công tác tuyển quân luôn đạt 100% chỉ tiêu giao; thực hiện hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng, diễn tập phòng thủ khu vực. Công tác anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tích cực phòng chống, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo vệ an toàn tuyệt đối các ngày lễ lớn; sắp xếp tinh gọn lực lượng công an từ huyện đến cơ sở, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Công tác tôn giáo luôn đồng hành thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, bảo đảm hoạt động đúng pháp luật.
PV: Đồng chí có thể chia sẻ những kinh nghiệm chính trong lãnh đạo, thực hiện phát triển KT-XH và các chương trình, chính sách dân tộc, miền núi 5 năm qua?
Đồng chí Nông Xuân Bắc: Thứ nhất, phải nắm vững đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện phát triển KT-XH và các chương trình, chính sách đối với vùng dân tộc, miền núi để vận dụng sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế địa phương. Biết khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng để chỉ đạo phát triển KT-XH chung cho cả huyện.
Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, gắn liền với kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thật sự vững mạnh.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển KT-XH. Qua đó phát hiện những nhân tố mới, những sáng kiến, cách làm hay để khen thưởng động viên, nhân rộng; đồng thời chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời những hạn chế, thiếu sót, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho những năm tiếp theo.
PV: Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ chủ yếu công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn 2014-2019 là gì?
Đồng chí Nông Xuân Bắc: Trước hết là tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất và các chính sách thông tin báo chí tuyên truyền vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2015-2020; Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế, ổn định đời sống các xóm bản có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống theo Nghị quyết 12/2012/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên; chương trình cho vay vốn tín dụng phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn...
Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất hàng hóa ở những nơi có tiềm năng, thế mạnh như chăn nuôi trâu, bò, dê, ong mật…Khoanh nuôi bảo vệ rừng; đẩy mạnh quy hoạch đất lam nghiệp để trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Ưu tiên nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh con em đồng bào DTTS; từng bước nâng dần số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên là người DTTS. Xây dựng thiết chế văn hóa gắn với việc bảo quản, gìn giữ, bảo tồn các di tích lịch sử trên địa bàn huyện; khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu.
Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các "điểm nóng". Sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, chủ động ngăn chặn các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua "diễn biến hòa bình", lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số.
Để thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ trên, huyện đã xác định, cần tranh thủ sự hỗ trợ, quan tâm đầu tư của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh và tiềm lực của huyện; đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp đối với việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Đặc biệt, quan tâm đầu tư từ ngân sách địa phương và huy động vốn xã hội hoá từ các thành phần kinh tế. Cùng với đó là làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ là người DTTS; tăng cường và bố trí cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng vào các chức danh chủ chốt cấp xã nơi có đông đồng bào DTTS. Kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường đội ngũ làm công tác dân tộc, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!