Bị quân dân ta đánh một đòn đau ở Chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950, tiếp đó lại bị du kích ta đánh mạnh ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đã khiến quân Pháp lâm vào thế phòng ngự bị động. Trước tình hình đó, cuối tháng 10-1951, thực dân Pháp đưa tướng De Lattre trở lại Hà Nội nắm quyền. De Lattre tuyên bố: “Đã tới lúc giành lại chủ động trên chiến trường, buộc Việt Minh phải tiếp nhận chiến đấu trên một địa điểm do Pháp lựa chọn”.
De Lattre đã chọn phương án đánh chiếm Hòa Bình, địa bàn chỉ cách Hà Nội 76km, nằm trong tầm hoạt động của máy bay ném bom Pháp, là nút giao thông thủy - bộ nối liền Việt Bắc với đồng bằng và miền Trung.
Quân Pháp đã thực hiện cuộc hành binh bất ngờ đánh chiếm chợ Bến ngày 10-11-1951, nhằm cắt đường di chuyển chủ lực của ta từ Việt Bắc xuống đồng bằng. Ngày 14-11-1951, Pháp đã sử dụng ba tiểu đoàn nhảy dù xuống thị xã Hòa Bình. Chiều ngày 15-11-1951, De Lattre chủ trì họp báo ở Hà Nội, thông báo “chiến thắng Hòa Bình” và cho rằng: “Tiến công Hòa Bình có nghĩa là chúng ta đã bắt buộc đối phương phải xuất trận. Trận Hòa Bình sẽ có ảnh hưởng quốc tế lớn”. Sau khi chiếm đóng Hòa Bình, quân Pháp đã xây dựng hệ thống cứ điểm mạnh, hình thành hai tuyến phòng ngự dọc đường 6 và dọc sông Đà.
Ngày 15-11-1951, Đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập Hội nghị Quân ủy Trung ương. Hội nghị nhận định việc Pháp chiếm thị xã Hòa Bình là một cơ hội hiếm có cho ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đánh ra Hoà Bình, địch phải phân tán lực lượng cơ động, lực lượng tinh nhuệ trên một mặt trận rộng lớn, núi rừng hiểm trở, địa hình đột xuất, công sự chưa vững chắc. Mặt khác vì phải tập trung phần lớn quân cơ động ra Hoà Bình nên lực lượng địch ở đồng bằng bị dàn mỏng, các vùng từ hữu ngạn, tả ngạn Liên khu 3 đến Trung Du đều tương đối sơ hở hơn trước. Quân ủy Trung ương đề nghị Trung ương cho “mở chiến dịch Hòa Bình, chuyển hướng hoạt động thụ động sang tiến công địch ở nơi chúng mới chiếm đóng. Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích. Ngày 23-11-1951, Hội nghị Bộ Chính trị đồng ý với đề xuất của Tổng Quân ủy mở chiến dịch Hòa Bình, nhấn mạnh: Cần hết sức tranh thủ thời gian, góp phần đưa thắng lợi nhỏ thành thắng lợi lớn.
Kế hoạch tác chiến do Tổng Quân ủy phê chuẩn xác định tập trung lực lượng tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ - Núi Chẹ, đồng thời đánh địch trên phòng tuyến sông Đà, vừa triệt đường tiếp tế chủ yếu của địch, vừa mở rộng hành lang tiếp tế của ta từ hậu phương ra mặt trận.
Chiến dịch diễn ra thành ba đợt. Đợt 1 (từ ngày 10 đến 26-12-1951), ta cắt đứt tuyến sông Đà, tiến công tiêu diệt các cứ điểm Tu Vũ, Núi Chẹ. Trung đoàn 88 tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Tu Vũ – một cứ điểm lớn được bảo vệ nghiêm ngặt. Địch chi viện 5.000 trái pháo yểm trợ nhưng không ngăn nổi ý chí quyết đánh của bộ đội ta. Trung đoàn 88 về sau được gọi tên truyền thống là Trung đoàn Tu Vũ.
Đợt 2 (từ 27 đến 31-12-1951), ta tiếp tục đập vỡ phòng tuyến sông Đà, tiêu diệt các điểm cao 400, 600, Đá Chông, Chẹ, chặn đánh các cánh quân viện trên các trục đường 87, Ba Vì, Mỹ Khê. Quân Pháp nhận thấy không đủ lực lượng bảo vệ phòng tuyến sông Đà nên rút lui toàn bộ, chỉ để lại cụm cứ điểm Đan Thê-La Phù gần Trung Hà (Sơn Tây). Địch dự định sẽ tăng cường phòng ngự tuyến đường số 6 và thị xã Hòa Bình. Tuy nhiên, ý định đó chưa thành thì quân ta đã nổ súng tiến công thị xã Hòa Bình.
Đợt 3 (từ 7-1 đến 25-2-1952): Ta tiếp tục sử dụng chiến thuật "công đồn đả viện" và thường xuyên uy hiếp các đường tiếp tế thuỷ, bộ để cầm chân số lớn lính Pháp (riêng tại đường số 6, Pháp phải dùng tới 16 tiểu đoàn để bảo vệ). Trên hướng phối hợp, ta tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, liên tục tiến công địch, góp phần vào thắng lợi của mặt trận chính. Quân Pháp phải rải quân ra nhiều nơi, cạn hết quân dự trữ. Bộ chỉ huy Pháp lúng túng đối phó trong khi chiến phí ngày càng quá sức chịu đựng khiến nội tình nước Pháp ngày càng rối bời. Tổng Quân uỷ nhận định: "Theo thế chung thì muốn hay không muốn, địch cũng phải rút khỏi Hoà Bình". Đúng như vậy, chiều 22-12-1952, 5 tiểu đoàn địch lặng lẽ rút chạy khỏi thị xã Hòa Bình. Pháp dùng ba vạn viên đạn pháo để yểm trợ cho cuộc rút lui với hy vọng giảm thiểu thiệt hại. Trên đường rút chạy, địch bị chủ lực ta đón đánh gây thiệt hại một phần; bộ đội địa phương, du kích tiếp tục truy kích, chặn đánh gây cho chúng những tổn thật nặng nề. Tổng kết chiến dịch Hòa Bình, ta đã tiêu diệt hơn 6.000 quân địch, phá hủy hàng trăm xe cơ giới các loại, bắn chìm hàng chục tàu chiến, ca nô, phá hủy nhiều đại bác... giải phóng vùng đất rộng trên 1.000km2 với hơn 20.000 dân. Tính cả hai mặt trận, quân dân ta đã tiêu diệt khoảng 22.000 quân địch, bức hàng, bức rút hơn 1.000 đồn bốt. Các căn cứ du kích của ta được mở rộng.
Thắng lợi của chiến dịch Hòa Bình là thành công của Đảng ta trong việc chỉ đạo tiến công chiến dịch và đưa quân đội ta có bước tiến mới về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày trên hai mặt trận rộng lớn và phức tạp.
Khi nghiên cứu về chiến tranh của quân Pháp ở Đông Dương, nhà báo-nhà sử học Bernard Fall đã cho rằng: “chiến dịch Hòa Bình đối với quân Pháp cũng tổn thất về sinh mạng và trang bị nhiều không kém gì Chiến dịch Biên Giới và chiến dịch Điện Biên Phủ sau này”.
Trong thư khen ngợi Ban chỉ huy Mặt trận, toàn thể cán bộ quân, dân, chính hoạt động ở Mặt trận Hoà Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “So với những thắng lợi trước, thắng lợi lần này là khá to. Thắng lợi lần này đã đánh dấu một bước tiến bộ mới của bộ đội ta và đã làm cho địch phải thất bại nhục nhã trong âm mưu củng cố phòng ngự chuyển lên tiến công... Phát huy thắng lợi của chiến dịch Hoà Bình, quân và dân ta trong vùng du kích và vùng tạm chiếm cần tích cực củng cố căn cứ du kích, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu diệt sinh lực địch, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu mới của địch, làm phá sản chính sách bình định "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" của chúng. Đồng thời, nhân dân ta trong các vùng tự do, vùng du kích tích cực thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm của Chính phủ, bồi dưỡng lực lượng kháng chiến ngày càng vững mạnh để tiến lên giành thắng lợi mới”.