Đại biểu kiến nghị Quốc hội cần giám sát ODA

14:17, 30/10/2014

Sáng 30/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015...  

Theo đánh giá chung của các đại biểu Quốc hội, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 của Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực. Các đại biểu cho rằng, mặc dù trong điều kiện kinh tế thế giới khó khăn nhưng chúng ta đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương.

 

Cần có hỗ trợ lãi suất về trung và dài hạn để doanh nghiệp đầu tư sản xuất

 

Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), nhìn chung kinh tế chưa vững chắc, môi trường đầu tư cải thiện chậm, thủ tục còn vướng mắc, tỷ trọng các ngành sản xuất còn thấp và có nguy cơ tụt hậu. Đại biểu cũng chia sẻ về sự yếu kém trong chuyển biến về thủ tục hành chính cũng như tái cơ cấu quá chậm…Đồng tình với giải pháp Chính phủ đưa ra, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp tăng mạnh hơn nữa tổng vốn xã hội, nghiên cứu kỹ phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2015, dồn sức cho công trình lớn còn dở dang mà nếu hoàn thành có tác động tích cực đến sự phát triển…

 

Nhấn mạnh cán bộ là cái gốc của công việc, đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị cần mạnh dạn thu hút nguồn nhân lực đủ chất, đủ chuẩn, đặc biệt là người đứng đầu phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích của dân, của nước. Song song với đó, cần điều chuyển những cán bộ thấy sai không dám nói, thấy việc không dám làm, loại bỏ các công chức không đạt được các tiêu chí.

 

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) kiến nghị Chính phủ kiểm soát tốt nợ công, nợ nước ngoài, kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng; điều hành linh hoạt, thận trọng giá các mặt hàng thiết yếu. Đại biểu Sơn cho rằng, để thực hiện tốt chỉ tiêu cuối năm, Chính phủ cần kiểm soát tốt nợ công và nợ nước ngoài. Các bộ, ngành tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong giải quyết nợ xấu, đồng thời Chính phủ cần tính toán để trình Quốc hội tiếp tục phát hành trái phiếu đầu tư cho phát triển.

 

Về chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, đại biểu Nguyễn Cao Sơn cho rằng, việc đầu tư là  phù hợp để tăng sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu thực tế trong tương lai; đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự án để Chính phủ có kế hoạch, triển khai các bước tiếp theo.

 

Băn khoăn về việc quản lý ODA, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, đây là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, đến nay ngoại trừ một tỷ lệ nhỏ không hoàn lại thì phần nhiều là vay ưu đãi có điều kiện. Qua 20 năm, Việt Nam đã thu hút bình quân 3 tỷ đô la một năm và nguồn vốn này đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên thời gian qua, những vụ việc tiêu cực từ việc sử dụng nguồn vốn này đã ảnh hưởng không nhỏ trong chất lượng công trình, mất uy tín của Việt Nam trong mắt nhà tài trợ quốc tế…

 

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng, về mặt pháp lý chúng ta chưa có nguyên tắc cụ thể trong quy trình sử dụng ODA dẫn đến tình trạng "xin cho", "cò" dự án. Đáng lưu ý, hiện nay sử dụng ODA đang bộc lộ điểm yếu cơ bản nhất là Quốc hội – cơ quan có trách nhiệm cao nhất về nợ công và người dân là chủ thể đóng thuế thì gần như đứng ngoài quy trình về ODA. Đại biểu Nga đề nghị Quốc hội ban hành quy trình sử dụng ODA, theo đó chú trọng tiêu chí công khai toàn bộ số vốn cũng như các dự án, quy định về quyền của người dân, báo chí… Đại biểu Lê Thị Nga kiến nghị trong thời gian tới, Quốc hội cần tiến hành giám sát ODA, phân tích mặt lợi, bất lợi của việc sử dụng nguồn vốn, tiến tới giảm dần và ngừng sử dụng ODA. “Bất cứ quốc gia nào nếu phụ thuộc lâu dài nguồn vốn ODA đều là bất lợi”, bà Nga nhấn mạnh.

 

Theo phân tích của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), Việt Nam đang là một trong những nước có độ mở lớn nhất thế giới với tài nguyên thiên nhiên đa dạng, 90 triệu dân, chính trị ổn định, nhưng tăng trưởng trong 4 năm qua chỉ khoảng 5,7% là dưới tiềm năng. Theo đại biểu Ngân, trước mắt, Chính phủ cần có hỗ trợ lãi suất về trung và dài hạn để doanh nghiệp đầu tư sản xuất, góp phần giảm độ mở về kinh tế; chú ý an toàn trong giao thông, vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự; tiếp tục hoàn thiện thể chế, thủ tục hành chính, con người hành chính; đầu tư cho công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cao. Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt vực dậy sản xuất trong nước. Chính phủ cần có báo cáo chi tiết vì sao số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể nhiều; tập trung đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh...

 

Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp ảnh hưởng đến năng suất lao động

 

Đánh giá về tỷ lệ lao động, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, với tỷ lệ lao động qua đào tạo trong 9 tháng ước đạt 47,8%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ khoảng 18%, đây là chỉ tiêu duy nhất có khả năng sẽ không đạt trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2014. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp không chỉ ảnh hưởng đến năng suất lao động, làm chậm quá trình tái cơ cấu mà còn cảnh báo khó đạt chỉ tiêu trong năm 2015 và những năm sau. Điều lo ngại ở đây là thị trường lao động Việt Nam dù đang phát triển cả về lượng và chất song vẫn còn nghịch lý đó là tình trạng thiếu hụt lao động chuyên nghiệp có trình độ cao, nhất là các chuyên gia và nhà quản lý. Tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, thậm chí nhiều doanh nghiệp FDI không nhận sinh viên, xu hướng đầu vào các trường đại học thay đổi đầy cảm tính gây hụt hẫng, lãng phí trong đào tạo.

 

Đại biểu Hồng Hà đề nghị, trước mắt  cần tập trung giải pháp cho đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ, đánh giá và tinh giảm biên chế trong các khu vực trên cả nước. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương hỗ trợ quyền lợi của người lao động trong những doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn… Đặc biệt, về lâu dài cần tập trung hoàn thiện thể chế chính sách phát triển thị trường lao động chuyên nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao.

 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) phản ánh, chỉ tiêu giường bệnh chưa phản ánh đúng thực tế công tác y tế của chúng ta hiện nay. Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã đầu tư khá nhiều xây dựng bệnh viện, tuy nhiên hiện nay chúng ta vẫn đang quá tải. Tỷ lệ giường bệnh của chúng ta vẫn thấp so với thế giới, trong đó tuyến Trung ương và tỉnh vẫn quá tải. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do thời gian qua tập trung quá nhiều vào bệnh viện tuyến trên, từ việc cấp, phát thuốc. “Tôi đề nghị nên thay chỉ tiêu giường bệnh bằng chỉ tiêu bảo hiểm y tế, vì đây mới thể hiện sự cố gắng của Nhà nước trong việc dành tiền mua bảo hiểm y tế cho dân. Ngoài ra, chúng ta phải cải tiến ngay công tác khám chữa bệnh cho nhân dân cùng với việc tăng cường năng lực cơ sở y tế tuyến dưới. Nếu chúng ta chỉ "hô" giảm quá tải mà không có cơ chế chính sách thì theo tôi không biết bao giờ mới giảm được", đại biểu Tiên khẳng định./.