"Ðiểm nhấn" trong phát triển nhà ở xã hội

15:26, 24/10/2014

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) qua nhiều lần trình Quốc hội (QH) tại nhiều kỳ họp, sẽ được báo cáo QH thảo luận trước khi biểu quyết thông qua tại kỳ họp lần này. Ðiểm nổi bật của dự thảo Luật quy định Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra các cơ chế, chính sách, điều kiện hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội cho người dân có thu nhập thấp.

Khuyến khích các thành phần kinh tế

 

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã làm rõ hơn, phạm vi điều chỉnh đã phân định cụ thể, thể hiện được nhiều nội dung đặc thù về nhà ở phù hợp thực tiễn.

 

Việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Nhà ở lần này nhằm thể chế hóa các quan điểm của Ðảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân về nhà ở, có chính sách phát triển nhà ở phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để mọi người có nhà ở, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng thu nhập thấp, người có công...

 

Ðề đạt ý kiến tại Hội nghị đại biểu QH chuyên trách gần đây, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH phản ánh thực trạng chính sách nhà ở xã hội hiện nay tại một số địa phương chưa chú trọng đến việc phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê dành cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Do đó, đại biểu đề nghị, "cần chú trọng hơn nữa chính sách phát triển nhà ở cho công nhân".

 

Giới chuyên gia kinh tế phân tích, tinh thần của việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) phải dựa trên nguyên tắc chính sách nhà ở xã hội, tức là để "mọi người dân đều có nhà ở", chứ không phải tất cả "đều được sở hữu nhà ở". Lâu nay chính sách ưu đãi nhà ở xã hội của nước ta đang quá tập trung vào phân khúc làm nhà để bán.

 

Nhiều đại biểu QH đề nghị cần nghiên cứu để có thêm cơ chế "vừa bắt buộc vừa khuyến khích" việc phát triển nhà ở cho thuê. "Nếu chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì ngoài ưu đãi lãi suất thấp hơn, thời gian vay dài hơn, còn được ưu tiên trong thứ tự vay vốn...", đại biểu Lê Như Tiến nêu.

 

Một điểm chưa hợp lý khác là phát triển nhà ở xã hội để cho thuê chưa được quan tâm đúng mức. Ðại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) cho rằng, ngoài quy định ưu đãi cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, cần quan tâm đúng mức hơn đến người dân có nhu cầu nhà ở xã hội. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết sinh viên, người lao động ở khu vực đô thị, khu công nghiệp đều ở trong các nhà trọ của người dân cho thuê. Tiếp cận đối tượng này, Ủy ban Thường vụ QH đã đề xuất, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Cụ thể là được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp hơn, giảm thuế nhiều hơn.

 

Mặt khác, yêu cầu trong dự thảo Luật quy định rõ hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động, trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho sinh viên thuê.

 

Một số đại biểu còn băn khoăn trước những thông tin báo chí gần đây đề cập có tình trạng bán nhà xã hội theo giá thị trường. "Với nhà giá rẻ rộng khoảng 40 - 50 m2, những hộ có thu nhập thấp phải mất mấy chục năm mới trả xong! Các hộ có thu nhập trung bình trả còn khó, chứ đừng nói là hộ nghèo", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước nói.

 

Nhà nước chỉ hỗ trợ ?

 

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ QH, qua thảo luận, ý kiến chung của các đại biểu QH nhất trí việc quy định chính sách về nhà ở xã hội nêu trong dự thảo Luật. Nhưng cách thức thực hiện, chế độ quản lý làm sao cho thực chất, hiệu quả thì ý kiến vẫn còn khác nhau.

 

Có ý kiến cho rằng, Nhà nước cần giữ vai trò chính trong phát triển nhà ở xã hội. Ý kiến khác đề nghị việc xây dựng nhà ở xã hội là trách nhiệm của nhân dân, còn Nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ tạo điều kiện. Loại ý kiến thứ ba lại đề nghị cần có cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

 

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc khi quy định đối tượng hộ nghèo tại khu vực đô thị lại không có chính sách như hộ cận nghèo tại khu vực nông thôn. "Có những nơi hộ cận nghèo tại nông thôn thu nhập còn cao hơn hộ nghèo đô thị", đại biểu này nói.

 

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu, theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH: Ðối với việc phát triển loại hình nhà ở xã hội thì mức giá được xác định chặt chẽ, mức lợi nhuận được khống chế, thu hồi vốn chậm, do đó cần huy động nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế. Vì vậy, dự thảo Luật quy định việc phát triển nhà ở xã hội phải có sự tham gia của toàn xã hội, của cộng đồng, Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra các cơ chế, chính sách, điều kiện hỗ trợ.

 

"Nhằm thực hiện tốt hơn yêu cầu bảo đảm quyền có chỗ ở của người dân đã được Hiến pháp quy định, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi, khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê; quy định rõ hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động thuê, trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho sinh viên thuê...".

Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Xây dựng.

 

 

Về Quỹ phát triển nhà ở xã hội (Ðiều 74 trong dự thảo Luật), qua thảo luận có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất không tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội. Loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định về việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội, nhưng cần quy định rõ hơn về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của tổ chức tài chính nhà nước này.

(Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).