Kỳ họp thứ 8: Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình biển Đông

15:26, 08/10/2014

Sáng 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe Báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Đưa mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu vào kế hoạch năm

 

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu (BĐKH) ở đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) Phan Xuân Dũng cho biết, BĐKH tác động đến ĐBSCL rất phức tạp, có sự khác nhau giữa các địa phương, ngay trong một tỉnh, thậm chí trên cùng một huyện, xã, một khu vực ven biển. Có nơi mối đe dọa chủ yếu là sạt lở như ở Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau; cũng có nơi chịu ảnh hưởng lớn từ nước biển dâng và triều cường như TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ...

 

Đoàn giám sát đánh giá hầu hết các tỉnh ĐBSCL đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH, nhưng không ít văn bản chưa thực sự dựa trên điều kiện cụ thể, tính đặc thù và mức độ tác động của BĐKH đang diễn ra tại địa phương.

 

Qua giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị UBTVQH xem xét hoặc trình Quốc hội ban hành nghị quyết của UBTVQH về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL. Cân nhắc đề xuất của Chính phủ là ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật ứng phó với BĐKH. Theo đó, nâng nội dung giám sát chuyên đề này thành chương trình giám sát tối cao của Quốc hội.

 

Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu đưa nội dung về ứng phó với BĐKH là một trong các nội dung của Nghị quyết phát triển kinh tế - Xã hội hằng năm và 05 năm; lồng ghép các vấn đề về ứng phó với BĐKH trong quá trình xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh liên quan; hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về BĐKH...

 

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn giám sát kiến nghị trong năm 2015, rà soát và từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH theo hướng đồng bộ với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, tái cấu trúc nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

 

Mặt khác, Đoàn giám sát kiến nghị cần sớm có một giải pháp lâu dài chung cho cả nước về ứng phó với BĐKH và nước biển dâng. Đây phải là giải pháp nhiều năm, hàng chục năm, nhiều thế hệ, phải cùng chung sức xây dựng; phải là giải pháp để từ đó Trung ương, địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó tương ứng trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong năm 2015 - 2016, những dự án cấp thiết, không thể chậm trễ được do sạt lở bờ biển, bờ sông nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến tính mạng và đời sống nhân dân, đến sản xuất và kinh doanh cần bố trí đủ kinh phí để triển khai thực hiện...

 

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ đồng tình có Nghị quyết của UBTVQH về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL, nhưng không đồng tình ban hành Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lí giải, trong chương trình giám sát năm 2014, việc giám sát này là của UBTVQH chứ không phải là của Quốc hội; cùng với đó, ĐBSCL chỉ là một vùng của cả nước nên không cần thiết Quốc hội ra Nghị quyết.

 

Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền nhấn mạnh, nghị quyết của UBTVQH cần bổ sung vai trò của Mặt trận tổ quốc các cấp, các tỉnh ở ĐBSCL trong vận động, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường của người dân.

 

Ngoài vấn đề trên, ông Hiền đề nghị báo cáo giám sát cần đánh giá sâu hơn về tác động của BĐKH, ứng phó với BĐKH không chỉ đối với ĐBSCL mà còn với TP. Hồ Chí Minh vì đây là một vùng liên kết mạnh mẽ. Đồng thời cần đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội liên quan trực tiếp đến BĐKH.

 

Sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông

 

Trong sáng nay, UBTVQH cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

 

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, ngày 19-9-2014, Văn phòng Quốc hội đã gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Đến nay, Văn phòng đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan.

 

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Văn phòng Quốc hội đề nghị UBTVQH xem xét điều chỉnh nội dung kỳ họp. Cụ thể, Văn phòng Quốc hội đề nghị rút nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới.

 

Đồng thời, bổ sung một số nội dung: trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông.

 

Ngoài ra, bổ sung các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu về một số vấn đề: Việc triển khai thực hiện Pháp lệnh người có công và Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tình hình vệ sinh, an toàn thực phẩm; tình hình triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A; tình hình người nghiện ma túy trong phạm vi cả nước; việc thực hiện các biện pháp cai nghiện đối với người nghiện ma túy và công tác quản lý đối với người sau cai nghiện hiện đang sống trong cộng đồng dân cư; tình hình lao động nước ngoài, nhất là lao động Trung Quốc tại Việt Nam.

 

Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nói rõ thêm, căn cứ ý kiến đề xuất bổ sung nội dung của đại biểu Quốc hội và tình hình thực tế, đề nghị bố trí nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông tại hội trường trong thời gian 1 giờ (dự kiến từ 16 giờ 00 ngày 25-10-2014) để Quốc hội nắm được thông tin cụ thể, đầy đủ hơn về vấn đề quan trọng này.

 

Cũng theo Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc, là kỳ họp đầu tiên họp tại Hội trường mới, đề nghị bố trí họp phiên trù bị từ 14 giờ 30 ngày 19-10-2014 để tham quan, tìm hiểu Nhà Quốc hội, tiến hành công tác chuẩn bị, hướng dẫn về chỗ ngồi, phòng họp Tổ, họp Đoàn, ấn nút biểu quyết,… Theo thông lệ, Văn phòng đề nghị bổ sung việc bố trí Quốc hội mặc niệm ông Nguyễn Minh Hồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An vào đầu phiên họp trù bị.

 

“Như vậy, dự kiến thời gian tiến hành kỳ họp không thay đổi, với 33 ngày làm việc chính thức, trong đó Quốc hội làm việc 3/5 ngày thứ bảy” – Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.

 

Các ý kiến thảo luận tại phiên họp đều bày tỏ đồng tình với dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII do Văn phòng Quốc hội đề xuất. Đồng thời, đề nghị bố trí sắp xếp thảo luận một số nội dung theo nhóm chức năng, lĩnh vực; bố trí thảo luận gần nhau đối với các dự án luật có nội dung liên quan; ghép nội dung mới bổ sung với các nội dung liên quan./.