Quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh; tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi; đảm bảo an sinh xã hội... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại
Để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2014, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi...
Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tích cực khai thác tiềm lực của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn, xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển sản xuất, kinh doanh trên cả ba khu vực kinh tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư phát triển các công trình, dự án; tiếp tục triển khai đồng bộ Đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, nhất là sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chủ trì tăng cường kiểm soát để hạn chế tối đa việc điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, tránh gây lãng phí và kéo dài thời gian thực hiện dự án; đẩy mạnh xúc tiến thu hút vốn FDI, nhất là các dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Bộ Công Thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác; thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với các đối tác khác để mở thêm thị trường xuất khẩu cho những sản phẩm ta có lợi thế cạnh tranh như: Dệt may, da giầy, thủy sản, nông sản, góp phần hỗ trợ sản xuất trong nước và tạo thêm việc làm; phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận động các nước mở cửa thị trường trái cây; thúc đẩy, khai thác thị trường trong nước.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên gắn với phát triển khoa học và công nghệ; thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào khu vực nông thôn; xây dựng chính sách nghiên cứu giống phù hợp điều kiện vùng, miền, thổ nhưỡng để ứng dụng hiệu quả; phối hợp Bộ Tài chính xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất giống lúa chất lượng cao.
Xử lý nghiêm hành vi gian lận, trốn thuế
Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, bảo đảm tăng trưởng tín dụng đi đôi với bảo đảm chất lượng tín dụng theo kế hoạch đã đề ra, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng tổng cầu; đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng; xử lý hiệu quả nợ xấu; xem xét, nghiên cứu cơ cấu lại thời hạn cho vay vốn tín dụng xuất khẩu đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra bị thua lỗ trong năm 2014.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phải phối hợp với các cấp, các ngành tập trung kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, tăng cường công tác thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi gian lận, trốn thuế, chuyển giá, gây thất thu thuế; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước năm 2014 cao hơn dự toán, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm và hiệu quả.
Thúc đẩy phát triển du lịch
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đẩy mạnh lộ trình mở cửa bầu trời trong hợp tác quốc tế song phương, đa phương về hàng không dân dụng, mở rộng trao đổi thương quyền 5 trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại và kinh tế-xã hội.
Ban Chỉ đạo nhà nước về Du lịch chỉ đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các cơ quan liên quan rà roát, nghiên cứu, đề xuất mở rộng diện các quốc gia được miễn thị thực gắn với bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đồng thời, cải tiến việc cấp thị thực theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tích cực nghiên cứu các giải pháp tổng thể thúc đẩy phát triển du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đồng thời có chính sách phù hợp khuyến khích thị trường du lịch nội địa phát triển.
Đảm bảo an sinh xã hội
Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Bộ Y tế tập trung đẩy nhanh thực hiện đề án giảm quá tải bệnh viện; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng công tác y tế dự phòng trong phòng, chống dịch bệnh ở người; khẩn trương xây dựng đề án sản xuất vắc-xin, Trung tâm kỹ thuật cao bệnh phổi.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, chống phá; bảo vệ vững chắc chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các khu vực trọng điểm, biên giới, vùng biển; thực hiện quyết liệt đấu tranh, trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy; tăng cường công tác tuần tra, bảo đảm trật tự an toàn giao thông...