Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị, Đội xây dựng kế hoạch tổ chức một trận đánh để “cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của cả một dân tộc đang bị nô lệ, đang sục sôi ý chí vùng lên”, đồng thời “khắc phục tình hình thiếu vũ khí trang bị”[1].
Dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội thảo luận kỹ lưỡng để làm rõ vấn đề: Đánh vào đâu và đánh như thế nào, để chỉ với một lực lượng nhỏ nhưng có thể giành được thắng lợi to lớn về chính trị và quân sự, đồng thời hạn chế tổn thất về người và vũ khí của ta. Sau khi bàn bạc các phương án, Ban chỉ huy Đội quyết định “phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược”[2], mục tiêu là đồn Phai Khắt và Nà Ngần.
Lực lượng đánh đồn gồm hai tiểu đội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp). Ngoài ra, còn có sự tham gia của du kích và cán bộ Việt Minh địa phương làm nhiệm vụ canh gác các ngả đường vào bản. Để đột nhập thuận lợi, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho chuẩn bị sẵn Giấy đi tuần giả, có đóng dấu đỏ để phục vụ trận đánh.
Chiều ngày 24-12, lực lượng tham gia trận đánh cải trang thành lính dõng, hành quân về Phai Khắt[3]. Sau khi nhận được tin Đồn trưởng Simônô lên châu lỵ Nguyên Bình, 17 giờ ngày 25-12, “Đội xếp” Thu Sơn dẫn quân tiến vào đồn một cách dễ dàng. Đội nhanh chóng chia làm hai mũi: Tiểu đội 1 đánh chiếm nơi để súng, Tiểu đội 2 bao vây đồn. Trong khi bọn địch chưa kịp phản ứng, đồng chí Thu Sơn hô lớn: “Rát-săm-măng” (tập hợp), 17 tên lính và tên cai ra tập hợp giữa sân[4]. Địch bị bất ngờ, không kịp trở tay, nhanh chóng đầu hàng.
Trận đánh diễn ra nhanh chóng, tên Simônô từ Nguyên Bình trở về cũng bị tiêu diệt. Kết quả, ta tiêu diệt 1 tên và bắt sống 17 tên địch, thu được 17 khẩu súng, một ít đạn và quân trang.
Sau khi hạ được đồn Phai Khắt, ngay trong đêm 25-12, Đội khẩn trương hành quân tới xã Cẩm Lý[5] (cách Phai Khắt 15km), nơi có đồn Nà Ngần. Đội tiến hành rút kinh nghiệm và biểu dương các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời phổ biến lại kế hoạch tiến công vào ngày hôm sau.
Do địa thế đồn Nà Ngần hiểm trở, nên Đội quyết định cải trang làm một toán lính dõng, lính khố đỏ áp giải ba Cộng sản Mán đến giao nộp cho quan đồn. Lực lượng đánh đồn Nà Ngần là toàn bộ đội viên đã tham gia đánh đồn Phai Khắt. Khoảng 7 giờ sáng ngày 26-12, đồng chí Thu Sơn cùng tổ xung phong dẫn ba cộng sản bị trói vào đồn cùng với lá cờ tam tài (Đội lấy được ở đồn Phai Khắt). Bọn lính tưởng thật vội bố trí 6 lính và tên cai ra xếp hàng đón theo nghi thức nhà binh. Sau khi cả Đội tiến vào đồn, theo kế hoạch đã phân công, bốn chiến sĩ tiến tới gian giữa án ngữ giá để súng. Đồng chí Thu Sơn và Bế Văn Sắt nói chuyện với tên Đường để đánh lạc hướng. Tiểu đội 2 chặn các cửa đồn, sau đó chia thành từng tổ vây bắt tù binh. Tiểu đội 3 vừa bắn chỉ thiên vừa gọi địch đầu hàng.
Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt 5 tên, bắt 17 tên, thu 27 súng và nhiều đạn. Trong trận này, đồng chí Nông Văn Bê bị thương nhẹ. Sau khi hạ đồn xong, Đội nhanh chóng thu gom súng đạn, tài liệu và phát truyền đơn biểu ngữ cho nhân dân. Tốp tù binh được tập hợp ở giữa sân, hai nữ đồng chí Cầm và Thanh giải thích bằng tiếng Tày cho họ hiểu chủ trương chính sách đánh Pháp, Nhật, cứu nước của Việt Minh, kêu gọi họ quay súng vào Pháp-Nhật để giành độc lập cho dân tộc. Sau khi được nghe chính sách của Việt Minh, một số tù binh xin đi theo cách mạng còn đa phần xin được trở về quê.
Trong hai trận đánh đầu tiên, Đội sử dụng chiến thuật “tiến công bằng lối hoá trang kỳ tập (tập kích) đã mở đầu một cách xuất sắc trang sử chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam”[6]. Hoá trang kỳ tập là lối đánh tốn ít súng đạn, thương vong thấp song hiệu quả chiến đấu cao. Hai trận đánh đầu tiên, ngoài việc tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trong đồn, Đội còn thu được nhiều vũ khí, quân trang. Quan trọng nhất là Đội giành thắng lợi theo đúng Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “Trận đầu nhất định phải thắng lợi”[7].
Ngoài việc vận dụng chiến thuật phù hợp, thắng lợi của hai trận đầu ra quân thể hiện một số nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là chọn mục tiêu và thời điểm tiến công phù hợp. Lực lượng ta tham gia trực tiếp đánh đồn chỉ có hơn 20 người, vũ khí thô sơ, cán bộ chưa được thử thách qua chiến đấu. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy Đội đã chọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần là phù hợp. Ngoài ra, hai đồn nằm cách xa nhau và xa trung tâm chỉ huy của địch (châu lỵ Nguyên Bình), nên không thể chi viện kịp thời cho nhau. Trong khi đó, ta có điều kiện cả về thời gian và không gian giải quyết trọn vẹn trận đánh. Về thời cơ tiến công, ta chọn vào những lúc bất ngờ nhất đối với địch: Đánh đồn Phai Khắt chọn lúc chiều muộn (17 giờ) địch đang hoặc vừa ăn cơm chiều xong; đánh đồn Nà Ngần ta chọn lúc sáng sớm (7 giờ sáng) khi địch vừa ngủ dậy - đây là hai thời điểm quân địch sơ hở, mất cảnh giác nhất. Cả hai đồn, ta đánh đúng lúc tên chỉ huy đi vắng nên đã triệt tiêu được yếu tố sắc sảo và tinh nhanh của địch.
Ta đã giữ được yếu tố bí mật từ đầu đến cuối, từ lên kế hoạch tác chiến, tổ chức hành quân, triển khai lực lượng đến thực hành tiêu diệt mục tiêu, làm cho địch không kịp phản ứng. Ngoài ra, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân còn có sự chuẩn bị chu đáo cho trận đánh về huấn luyện và hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng tự vệ địa phương. Để nắm địch, Đội đã biết tận dụng tai mắt quần chúng cung cấp đầy đủ những thông tin mới nhất về địch. Bởi vậy, khi thực hành tiến công đồn, ta diễn làm cho quân địch không một chút nghi ngờ.
Hai trận Phai Khắt và Nà Ngần “chính là hai ngôi sao sáng soi tỏ lối đi cho đội quân du kích trên con đường chiến đấu đầy gian lao, nguy hiểm”.
---------------------------------------------------------------------------------
[1] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử chiến thuật Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), tập I, Nxb QĐND, H. 2003, tr. 43, 44.
[2] Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb CTQG, H.1994, tr.129.
[3]Đồn Phai Khắt thuộc địa bàn xã Tam Lọng (nay là xã Tam Kim - Nguyên Bình - Cao Bằng), quân số của đồn có 21 tên lính dõng chủ yếu là người Nùng và Mán, do tên cai người Pháp - Simônô chỉ huy.
[4]Nhân lúc tên đồn trưởng đi vắng, 4 tên lính đã trốn về thăm nhà.
[5]Nay là xã Hoa Thám (Nguyên Bình). Đồn Nà Ngần có 22 lính khổ đỏ, do 2 sĩ quan Pháp chỉ huy.
[6]Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử chiến thuật quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), tập I, Sđd, tr.52.
[7]Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb QĐND, H. 1994, tr.125.