Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Quân đội ta đã nối tiếp nhau xây dựng nên truyền thống vẻ vang “Quân đội Anh hùng của dân tộc Anh hùng”, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Ngược dòng lịch sử. Từ đầu những năm 1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng đánh Pháp, đuổi Nhật của nhân dân ta đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Hàng loạt tổ chức vũ trang được thành lập và phát triển như: Du kích Nam Kỳ (1940), Đội du kích Bắc Sơn (1941), Cứu quốc quân I (tháng 5-1941), Cứu quốc quân II (thành lập ngày 15-9-1941 tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai)… Để có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc, theo Chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 22-12-1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập. Sau đó, ngày 15-5-1945, tại đình Làng Quặng (xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), lực lượng Việt Nam Giải phóng quân được thành lập trên cơ sở hợp nhất Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang khác.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội Quốc gia Việt Nam (1946), đến năm 1950 được đổi tên là Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam. Ngày 22-12-1944 được lấy làm Ngày thành lập QĐND Việt Nam. Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta đã lập nên bao chiến công hiển hách, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nối tiếp nhau xây dựng nên truyền thống vẻ vang “Quân đội Anh hùng của dân tộc Anh hùng”…
Theo nguyện vọng của nhân dân cả nước, ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định lấy Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12) đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân (QPTD). Cùng với Ngày hội QPTD, chúng ta còn có Ngày Biên phòng toàn dân (3-3), Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19-8)… Nhờ đó đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của toàn xã hội; phát triển mạnh mẽ các phong trào toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, củng cố nền quốc phòng, xây dựng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; toàn dân tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Đây là cơ sở quan trọng làm cho nền QPTD và an ninh nhân dân gắn bó chặt chẽ với nhau, được củng cố, tăng cường cả về thế trận và lực lượng, nhất là trên các hướng, các địa bàn chiến lược, trọng yếu, nơi biên giới, biển, đảo, vùng sâu, vùng xa.
Thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong hai năm 2014-2015 và Quyết định số 834/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 25 năm Ngày hội QPTD, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có văn bản chỉ đạo quán triệt, thực hiện. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND về “Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 25 năm Ngày hội QPTD”, chính thức được triển khai trong toàn tỉnh từ cuối tháng 6-2014. Đến nay, nhiều ban, ngành chủ chốt trong tỉnh và các địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.
Trong đó, Bộ CHQS tỉnh phát huy tốt vai trò thường trực chủ trì, chủ động triển khai nhiều công việc quan trọng, như: Quán triệt đến 100% cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT), dân quân, tự vệ, dự bị động viên về mục đích, ý nghĩa của sự kiện; biên soạn và phát hành trong toàn tỉnh Đề cương tuyên truyền kỷ niệm; hoàn thành 70% số lượng băng, cờ, biển bảng, banner tuyên truyền trực quan; hướng dẫn 11/11 Ban CHQS các huyện, thành phố, thị xã và đơn vị, nhà trường trực thuộc cụ thể hóa các văn bản để triển khai thực hiện ở cấp mình… Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với cơ quan Thường trực và các địa phương định hướng tuyên truyền, khảo sát địa bàn, dựng kịch bản truyền thông, văn nghệ. Nhiều nơi đang khẩn trương hoàn thành các công trình chào mừng kỷ niệm (như Cơ quan Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS T.X Sông Công, huyện Phú Bình, T.P Thái Nguyên…). Tuy nhiên đến nay, một số ban, ngành của tỉnh và cấp huyện vẫn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm, còn giao khoán cho cơ quan Quân sự hoặc triển khai kế hoạch chung chung. Cá biệt, có địa bàn chưa quan tâm tổ chức tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử gắn với sự kiện (đã được phân công quản lý), làm hạn chế kết quả chung…
Thời gian từ nay đến tổ chức Lễ kỷ niệm không còn dài. Để tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm đòi hỏi bộ phận Thường trực, giúp việc Ban Tổ chức và các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cần bám sát kế hoạch phân công, phối hợp chặt chẽ, chủ động chỉ đạo, triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng các đầu việc được giao, trong đó đặc biệt quan tâm một số nội dung sau:
Tiếp tục quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu cốt lõi của việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm là nhằm “Củng cố niềm tin, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng bộ, nhân dân và LLVT tỉnh đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, xây dựng LLVT tỉnh cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Từng cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương đánh giá tiến độ, kết quả, bổ sung kế hoạch thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Các địa phương, đơn vị LLVT, trường học tổ chức cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử, kể chuyện chiến đấu, giới thiệu sách, báo cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, học sinh, sinh viên.
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên và các đài truyền thanh huyện, thành, thị tăng cường tuyên truyền trong chuyên mục “Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 25 năm Ngày hội QPTD”, gắn tuyên truyền về truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta, thành tựu 25 năm xây dựng nền QPTD với truyền thống, kết quả công tác quốc phòng - an ninh ở từng địa phương, đơn vị, nhất là những địa phương gắn liền với lịch sử Quân đội.
Tiếp tục triển khai thực hiện đợt thi đua đặc biệt theo Văn bản chỉ đạo số 53/KH-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh; phát động phong trào thi đua cao điểm 70 ngày đêm “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”, gắn với đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, tập trung đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trung tâm và hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của từng địa phương trong năm nay. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức tốt triển lãm về thành tựu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn tỉnh; đồng thời nhanh chóng chỉnh trang, tôn tạo, nâng cấp các điểm du lịch, mở đợt hoạt động về chủ đề 70 năm thành lập QĐND Việt Nam và 25 năm Ngày hội QPTD tại Khu di tích ATK, hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống, địa danh lịch sử… để phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và khách quốc tế tham quan. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan liên quan được phân công tổ chức cầu truyền hình trực tiếp, hoạt động gặp mặt kỷ niệm, Liên hoan “Hát về người chiến sĩ”… cần đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo, tổ chức trang trọng, an toàn tuyệt đối các sự kiện, để lại ấn tượng và ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc.