Vinh danh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở T.P Thái Nguyên

07:26, 28/10/2014

Theo Quyết định của Chủ tịch nước, dịp này, T.P Thái Nguyên có 28 Mẹ được truy tặng và 10 Mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH). Đây là sự ghi nhận, tôn vinh thiết thực đối với những người có công lao đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định số Số: 56/2013/NĐ-CP, những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”:

a) Có 2 con trở lên là liệt sĩ;
b) Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ;
d) Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ;
đ) Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

81 tuổi, Mẹ VNAH Phạm Thị Viết ở phường Phan Đình Phùng không còn khỏe nhưng vẫn còn minh mẫn. Hằng ngày, Mẹ vẫn làm được một số việc nhà giúp con, cháu. Mẹ bảo: Ngồi không chỉ sinh thêm bệnh tật, vả lại cả đời mẹ vất vả lao động nuôi các con trưởng thành giờ không làm việc, mẹ cảm thấy mình như người thừa thãi.

 

Mẹ Viết có 7 người con, 4 con trai, 3 con gái. 4 người con của mẹ theo tiếng gọi của Đảng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chỉ có 2 người trở về bên Mẹ. 2 người con trai của Mẹ: Liệt sĩ Nguyễn Minh Đức và Liệt sĩ Nguyễn Văn Diện mãi mãi không về, các anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh và nằm lại chiến trường. Mẹ kể: Năm 1968, nghe tin con trai thứ ba Nguyễn Minh Đức hy sinh ở chiến trường miền Nam, mẹ đã phải nén nỗi đau để động viên những người con khác lên đường bảo vệ Tổ quốc, bởi lúc bấy giờ, có nhiều người mẹ phải gánh nỗi đau như mẹ. Thêm 3 người con của mẹ lên đường nhưng cũng chỉ có 2 người trở về. Năm 1979, người con trai thứ năm Nguyễn Văn Diện hy sinh tại Cao Bằng trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Câu chuyện về hai người con liệt sĩ cũng là bài học để mẹ dạy cho con, người cháu của mình về tình yêu Tổ quốc, yêu dân tộc.

 

Cũng như mẹ Phạm Thị Viết, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lợi, 92 tuổi ở phường Đồng Quang, có hai người con đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Tháng 12-1972, người con thứ tư của mẹ, anh Nguyễn Thọ Chính, hy sinh tại chiến trường miền Nam. Chưa đầy 1 tháng sau, tháng 1-1975, người con thứ hai của Mẹ, anh Nguyễn Thọ Công cũng hy sinh khi đang chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Mẹ bảo: Ngày nhận tin các con hy sinh, mẹ như gục ngã nhưng mẹ gượng dậy lao động, sản xuất nuôi các con trưởng thành và để đóng góp thành quả lao động của người hậu phương cho tiền tuyến. Mẹ bảo: Được công nhận là Mẹ VNAH tôi cảm động lắm bởi Nhà nước không chỉ ghi nhận sự hy sinh của các con tôi mà còn ghi nhận sự đóng góp của người mẹ như tôi với đất nước.

 

Cùng được Chủ tịch nước công nhận danh hiệu Mẹ VNAH dịp này nhưng Mẹ VNANH Đàm Thị Hạnh ở phường Gia Sàng không còn nữa. Mẹ mắc bệnh và đã qua đời năm 1993. Mẹ Hạnh được truy tặng danh hiệu Mẹ VNAH vì đã hy sinh hai người con cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Hai con trai của mẹ: liệt sĩ Chu Phương Hà và liệt sĩ Chu Viết Hải đều hy sinh tại chiến trường miền Nam trong những năm chiến đấu khốc liệt giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người con cả của mẹ, ông Chu Phương Sơn năm nay đã ngoài 70 tuổi cho biết: Từ khi nghe tin các con hy sinh tới ngày mất, mẹ Hạnh thường xuyên nhắc nhớ chúng tôi về hai người con liệt sĩ. Mẹ bảo chúng tôi không được quên ơn các anh đã hy sinh để gia đình mình, tổ quốc mình được độc lập, tự do. Giờ mẹ chúng tôi được Nhà nước vinh danh Mẹ VNAH, chúng tôi tự hào lắm.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng T.P Thái Nguyên cho biết: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 56/NĐ-CP ngày 22-5-2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ VNAH, T.P Thái Nguyên là đơn vị triển khai sớm nhất Nghị định này. Xác định đây là một phần việc quan trọng cần làm ngay để ghi nhận, tôn vinh các Bà mẹ VNAH đã có công lao đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đồng thời góp phần giáo dục, động viên nhân dân giữ gìn, phát huy truyền thống yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc. Từ quý 4-2013, chúng tôi đã tổ chức triển khai và rà soát tại tất cả 28 xã, phường trên cả địa bàn thành phố với mục tiêu không để sót những người đủ điều kiện, đủ hồ sơ công nhận.

 

Qua đó, thành phố đã có 80 trường hợp bà mẹ đủ điều kiện xét công nhận danh hiệu Mẹ VNAH. Chúng tôi đã yêu cầu Hội đồng Thi đua khen thưởng các xã, phường hướng dẫn, trợ giúp các gia đình xây dựng đủ 80 hồ sơ xét duyệt công nhận Mẹ VNAH để thẩm tra, trình lên Hội đồng cấp trên phê duyệt. Qua đó, đã có 38 hồ sơ bảo đảm yêu cầu và được xét duyệt, đề nghị Chủ tịch nước công nhận danh hiệu Mẹ VNAH đợt này, trong đó có 10 Mẹ còn sống được phong tặng danh hiệu và 28 Mẹ đã mất được truy tặng danh hiệu. 42 hồ sơ còn lại chúng tôi sẽ tiếp tục trợ giúp các gia đình bổ sung, hoàn thiện để đề nghị xét duyệt, công nhận trong thời gian tới.

 

Hôm nay, Mẹ VNAH Phạm Thị Viết sẽ cùng với 38 bà mẹ khác được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH và đại diện gia đình của 243 Mẹ VNAH được truy tặng danh hiệu dịp này trên cả tỉnh dự buổi Lễ vinh danh do UBND tỉnh tổ chức. Mẹ thấy vui và tự hào lắm. Mẹ bảo: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã vinh danh những người mẹ như tôi, cảm ơn các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình cho những người thân và toàn dân tộc được hưởng cuộc sống tự do, độc lập”.
 



cup pha lê hà nội chất lượng