Bỏ HĐND: Tính đại diện của cử tri sẽ được thực hiện như thế nào?

15:43, 24/11/2014

Hôm nay, 24/11, Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Góp ý cho dự thảo luật, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương theo tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013, giải quyết, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân hiện hành.

 

Đáng chú ý, liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương, các đại biểu vẫn phân thành 2 luồng ý kiến, trong đó đa số đại biểu ủng hộ việc giữ lại Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở chính quyền địa phương như luật hiện hành.

 

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng, nếu các vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, dự toán ngân sách của địa phương không do đại biểu Quốc hội, người dân địa phương quyết định mà do đại biểu của cả thành phố quyết định thì sẽ không tránh khỏi thiếu sót, không sâu sát với từng địa phương, thiếu tính khả thi.

 

“Nếu không tổ chức Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính nào đó là bỏ đi một thiết chế dân chủ, gần và gắn bó nhất với người dân trên địa bàn, điều đó đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân. Ở đâu có Ủy ban nhân dân mà không có Hội đồng nhân dân thì ở đó đã mất đi một công cụ pháp lý hữu hiệu”, đại biểu Vinh phân tích.

 

Đại biểu Vinh cũng băn khoăn, liệu việc không tổ chức Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính, là cấp quận, phường thì tính đại diện của cử tri sẽ được thực hiện như thế nào? Việc giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân ở đó sẽ ra sao? Việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương có đảm bảo tính dân chủ không? Có sự khác nhau như thế nào về tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương khi cùng một cấp đơn vị hành chính nơi có Hội đồng nhân dân, nơi lại không có tổ chức Hội đồng nhân dân…

 

Các đại biểu Trần Minh Diệu - Quảng Bình, Triệu Là Pham – Hà Giang, Đặng Đình Luyến - Khánh Hòa, Phương Thị Thanh - Bắc Kạn, Bùi Mạnh Hùng - Bình Phước… đồng tình, việc thiết kế mô hình chính quyền địa phương trong giai đoạn tới vẫn phải theo hướng tổ chức các cấp chính quyền gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ở các đơn vị hành chính. Mô hình này đúng với quy tắc rất quan trọng của một thể chế dân chủ: Ở đâu có quyền lực, ở đó có sự giám sát quyền lực của nhân dân.

 

“Ban soạn thảo đưa ra phương án bỏ Hội đồng nhân dân quận, phường theo tôi là không phù hợp, làm đảo lộn bộ máy hành chính, làm thay đổi các văn bản pháp luật mà không biết hiệu quả của nó như thế nào. Không còn Hội đồng nhân dân cũng đồng nghĩa với việc nhân dân thực hiện quyền lực của nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Hội đồng nhân dân sẽ không được đảm bảo, chưa đúng với tinh thần Hiến pháp”, đại biểu Pham nói.

 

“Việc tổ chức một mô hình chính quyền phù hợp với đặc điểm riêng của khu vực đô thị là một định hướng rất đúng, nhưng mô hình thiết chế bên trong của bộ máy cũng như chức năng, nhiệm vụ của nó như thế nào để vừa phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm tính hợp hiến là vấn đề chưa được làm rõ. Kết quả thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường ở 10 đơn vị địa phương cho thấy còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, chưa rõ về cơ sở lý luận và cũng chưa được thực tiễn thừa nhận”, đại biểu Diệu phân tích thêm.

 

Về phân cấp, phân quyền, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương, theo các đại biểu, vân còn tình trạng cùng một nhiệm vụ cả 3 cấp chính quyền cùng thực hiện mà không rõ mức độ phân quyền cho từng cấp được làm những gì, mức độ như thế nào, giới hạn đến đâu. Các đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn, rõ hơn và làm rõ sự phân cấp giữa trung ương và địa phương, phân cấp giữa từng cấp chính quyền địa phương với nhau, làm rõ được trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể, không xảy ra tình trạng trách nhiệm không rõ ràng.

 

Theo các đại biểu Hồ Thị Thủy - Vĩnh Phúc, Trương Thị Huệ - Thái Nguyên, nhiệm vụ của chính quyền địa phương theo dự thảo luật chỉ mới là phép cộng thuần túy nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, chưa phù hợp với tinh thần đổi mới của Hiến pháp và chưa làm rõ được sự khác nhau về thẩm quyền của mỗi cấp chính quyền, chưa khắc phục được sự trùng lắp, chồng chéo trong việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền địa phương, chưa thể hiện được đâu là việc phân quyền và đâu là việc được phân cấp. Do đó, khó xác định trách nhiệm của chính quyền mỗi cấp, đồng thời khó đảm bảo sự minh bạch trong xác định mối quan hệ giữa trung ương với địa phương, giữa các cấp chính quyền với nhau. Bên cạnh đó, quy định về thực hiện phân cấp giữa chính quyền địa phương các cấp như trong dự thảo luật dễ dẫn tới tình trạng tùy tiện, dồn việc, đùn đẩy trách nhiệm của cấp trên cho cấp dưới.

 

Các đại biểu Trần Tiến Dũng - Hà Tĩnh, Nguyễn Anh Sơn - Nam Định, Nguyễn Thị Quyết Tâm - T.P Hồ Chí Minh, Trần Xuân Hùng - Hà Nam nhận xét, các quy định về phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong dự luật chưa đạt yêu cầu, không rõ ràng, trùng lặp ở các điều mang tính chất nguyên tắc chung chung, không có định lượng cụ thể, cần thiết nên sẽ khó khả thi khi đưa vào áp dụng.

 

“Chính quyền địa phương được phân cấp việc gì, làm gì, quyền tới đâu, trách nhiệm ra sao phải được luật định. Có như vậy chúng ta mới có thể nói đến quyền tự chủ, quyền tự chịu trách nhiệm về hiệu lực, hiệu quả một cách thực chất của chính quyền địa phương, mới phát huy được tính năng động, tính sáng tạo của chính quyền địa phương, tạo động lực cho sự phát triển của địa phương và đất nước”, đại biểu Tâm nói.

 

Cũng trong phiên làm việc hôm nay, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người cũng như việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.