"Việc không quy định mức không tín nhiệm vô hình chung đã hạn chế quyền của đại biểu khi họ không tín nhiệm một chức danh nào đó"
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc chỉ nên để 2 mức.
Đại biểu Trịnh Thế Khiết - TP Hà Nội cho biết, qua tiếp xúc cử tri, rất nhiều cử tri đề nghị chỉ nên lấy 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm. Bởi nếu giả sử không được tín nhiệm, thì trong thời gian 1 - 2 năm, đại biểu giữ trọng trách đó sẽ phải cố gắng hơn, có trách nhiệm hơn trong công việc của mình. “Tôi nghĩ sẽ tác động mạnh mẽ đối với tất cả các thành viên được lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp, ở Quốc hội, ở Hội đồng Nhân dân các cấp”, đại biểu Trịnh Thế Khiết nói.
Theo đại biểu Lê Thị Nga - Thái Nguyên, việc giữ nguyên 3 mức tín nhiệm là chưa phù hợp. Đại biểu Lê Thị Nga phân tích: “Thứ nhất, bản chất của lấy phiếu là thăm dò mức độ tín nhiệm nên phải nhằm trả lời được câu hỏi là chức danh cụ thể đó có được Quốc hội tín nhiệm không, nếu được tín nhiệm thì ở mức độ nào. Quy định 3 mức như trên, nhưng không có mức không tín nhiệm đã dẫn đến chưa cần tiến hành lấy phiếu thì chúng ta đã mặc định trước kết quả là tất cả các chức danh đều được tín nhiệm, việc lấy phiếu chỉ còn có ý nghĩa xác định là tín nhiệm cao, vừa hay thấp”.
Theo đại biểu Lê Thị Nga, việc quy định 3 mức tín nhiệm sẽ khiến dư luận băn khoăn vậy sau cả năm thực hiện nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyển biến tích cực, có những lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí có một số mặt còn có dấu hiệu đi xuống. Vậy, dựa trên căn cứ thực tiễn nào, căn cứ khoa học và pháp lý nào mà chúng ta lại ấn định là tất cả những người đứng đầu đều mặc nhiên được tín nhiệm trước khi lấy phiếu.
Đại biểu Lê Thị Nga cũng cho rằng, việc không quy định mức không tín nhiệm là vô hình chung chúng ta đã hạn chế quyền của đại biểu trong trường hợp đại biểu không tín nhiệm một chức danh nào đó. Trong trường hợp này, đại biểu không có cách nào để thể hiện chính kiến của mình, nếu ghi thêm là không tín nhiệm thì trở thành phiếu không hợp lệ.
Bên cạnh đó, việc không quy định mức không tín nhiệm là chưa đồng bộ với Điều 29 Luật Cán bộ công chức, đánh giá cán bộ theo 4 mức, trong đó có 1 mức là không hoàn thành nhiệm vụ, các mức còn lại là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ. Sẽ rất mâu thuẫn về mặt lý thuyết nếu một người nào đó đánh giá theo Luật Cán bộ công chức mà có kết quả không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nếu theo Nghị quyết 35 thì Quốc hội vẫn phải đánh giá là có tín nhiệm nhưng thấp, đúng ra tương xứng của nó là không tín nhiệm.
Liên hệ với kết quả của 2 lần lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi, đại biểu Võ Thị Dung - TP Hồ Chí Minh, băn khoăn phải chăng phiếu tín nhiệm thấp là kết quả không tín nhiệm? nếu như vậy, đại biểu Võ Thị Dung cho rằng nên thể hiện bằng 2 mức cho rõ ràng, minh bạch và dễ dàng lượng hóa. Còn nếu được nhiều phiếu tín nhiệm nghĩa là được tín nhiệm cao. “Mặc dù hiện nay phương án này không phải trình ra để bàn nữa nhưng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội nên thể hiện trong phiếu như thế, nó cũng phù hợp với ý nguyện của cử tri”, đại biểu Võ Thị Dung nói.
Cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức sẽ gây khó khăn khi đánh giá chính xác một vị nào đó khi lựa chọn họ vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt, đại biểu Bùi Thị An Hà Nội nêu ví dụ: Giữa một người có 50% phiếu tín nhiệm cao, không có phiếu tín nhiệm và 50% phiếu tín nhiệm thấp và một người có 1/3 phiếu tín nhiệm cao, 1/3 phiếu tín nhiệm thấp và 1/3 phiếu tín nhiệm thì sẽ đánh giá thế nào, hai hơn ai? “Rất nhiều cử tri nhắn gửi đến tôi phát biểu trước Quốc hội rằng chỉ nên để 2 mức kể cả khi lấy phiếu tín nhiệm cũng như bỏ phiếu tín nhiệm”, đại biểu Bùi Thị An nhấn mạnh./.