Chiều 20/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và thảo luận về Dự thảo Nghị quyết này.
Theo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35: qua thảo luận tại Tổ, Hội trường và tổng hợp Phiếu thăm dò ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết cho thấy, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với chủ trương tiếp tục thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng cũng nổi lên một số nội dung mà ý kiến của đại biểu còn rất khác nhau.
Theo dự thảo, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân, các Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân. Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao về hiệu quả 2 lần lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 35 của Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ chủ chốt phát huy những ưu điểm, xem xét, điều chỉnh lại những nhược điểm trong quản lý… Đồng thời nhất trí với chủ trương tiếp tục thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng cũng còn nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau về thời gian, thời hạn lấy phiếu tín nhiệm; về mức độ lấy phiếu tín nhiệm, về hệ quả đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.
Về thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến không đồng tình với dự thảo Nghị quyết, cho rằng, nếu Quốc hội, Hội đồng nhân dân chỉ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ thì việc phát huy hiệu quả lấy phiếu tín nhiệm chưa cao. Các đại biểu cho rằng nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ. Nhiều ý kiến phân tích nên để thời điểm lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4. Khoảng cách giữa 2 lần lấy phiếu là 2 năm, đủ thời gian để người trong diện lấy phiếu tín nhiệm nắm bắt tình hình và thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân giao, đồng thời cũng đủ thời gian để đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân đánh giá căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó để người được lấy phiếu tín nhiệm có thời gian để có phương hướng khắc phục và đề ra phương hướng thực hiện. Lần lấy phiếu tín nhiệm thứ 2 vào năm thứ 4 của nhiệm kỳ nhằm giám sát lại kết quả lần lấy phiếu tín nhiệm trước, và đây cũng là giai đoạn chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm thời gian này là kênh quan trọng để cấp ủy căn cứ đánh giá năng lực, phẩm chất của cán bộ để kiện toàn cấp ủy và hệ thống chính trị trong thời gian tiếp theo.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) nói: “Rất đông cử tri đề nghị, trong mỗi nhiệm kỳ nên 2 lần lấy phiếu tín nhiệm, lần thứ nhất vào cuối năm thứ 2 và lần thứ 2 vào cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ. Quá trình giãn về thời gian đã đủ cho các vị là đối tượng lấy phiếu tín nhiệm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn và rèn luyện nâng cao hiệu quả công tác của mình. Lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 tương tự như việc tái giám sát. Lần thứ nhất lấy phiếu tín nhiệm là lần giám sát, lần thứ 2 là lần tái giám sát để xem các vị nằm trong đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đã chuyển biến và đã tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội đến đâu”.
Góp ý về quy định mức đánh giá tín nhiệm, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Dự thảo Nghị quyết nên để 2 mức đánh giá trong lấy phiếu tín nhiệm là tín nhiệm và không tín nhiệm, thay vì 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp như hiện nay.
Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: “Không có nghĩa là 2 mức thì không phân biệt được giữa việc bỏ phiếu và lấy phiếu mà việc thể hiện 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm để cho kết quả rõ ràng hơn. Tôi cũng liên hệ với kết quả 2 lần lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi có phải chăng là kết quả phiếu tín nhiệm thấp là không tín nhiệm hay không. Cho nên tôi thấy rằng, thể hiện qua 2 mức độ là rõ ràng, minh bạch nhất và cũng dễ dàng cho việc lượng hóa”.
Nhiều đại biểu cho rằng, Dự thảo Nghị quyết 35 sửa đổi cần quy định rõ ràng hơn về hệ quả đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm, vừa để thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội vừa được thông qua và cũng để phát huy hiệu quả sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Đại biểu Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) đề nghị: “Cần quy định theo hướng người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. Trong dự thảo Nghị quyết không nêu vấn đề từ chức, tôi đề nghị bổ sung. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm cách chức đối với người đó”.
Trước đó, cũng trong chiều 20/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Căn cước Công dân và Dự thảo Luật Hộ tịch.
Theo đó, Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Luật Căn cước công dân vừa được Quốc hội thông qua, quy định độ tuổi cấp thẻ căn cước công dân là từ 14 tuổi trở lên. Thẻ căn cước công dân gồm các thông tin: họ và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ. Về ngôn ngữ trên thẻ sẽ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Luật cũng quy định rõ: Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực (1/1/2016) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân; Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật...
Với luật Hộ tịch quy định tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về hình thức của loại giấy này.
Việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài được giao cho UBND cấp huyện thực hiện. Về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được lập để lưu giữ, cập nhật, quản lý, tra cứu thông tin hộ tịch, phục vụ yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến; được kết nối để cung cấp, trao đổi thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chính phủ quy định sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; thủ tục, trình tự đăng ký hộ tịch trực tuyến; việc kết nối, cung cấp, trao đổi thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…./.