Đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển của đất nước

14:10, 12/11/2014

Ngày 12-11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin - Truyền thông đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo. Lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tư pháp, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì và điều hành Hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trong cả nước.

Tính đến hết năm 2013, cả nước có 838 cơ quan báo in với 1.111 ấn phẩm (trong đó có 199 cơ quan báo in, 639 tạp chí, phát hành khoảng 650 triệu bản một năm); 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 67 đài phát thanh - truyền hình. Có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo.

Theo đánh giá, sau 15 năm thi hành Luật Báo chí, các cơ báo chí nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng ấn phẩm, số kênh phát thanh - truyền hình, loại hình và chất lượng thông tin, nguồn nhân lực và kinh tế báo chí. Đại đa số các cơ quan báo chí đã thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, đúng nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong Luật Báo chí. Thông qua các loại hình báo chí, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thông tin đầy đủ, kịp thời, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin của nhân dân. Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu những nhân tố mới, gương người tốt - việc tốt; đấu tranh phê phán các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng; phê phán các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ Đảng, Nhà nước.

 

Việc đổi mới công nghệ thông tin trong lĩnh vực báo chí đã được các cơ quan báo chí quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục, tăng cường trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí. Các cơ quan quản lý báo chí quan tâm cử người trực tiếp phụ trách công tác báo chí, thường xuyên chỉ đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động và thông tin trên báo chí. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhiều cơ quan chủ quản đã chủ động tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, biên chế, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giúp cơ quan báo chí hoạt động ổn định, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước…

 

Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí và nhà báo còn có biểu hiện chưa nghiêm túc trong thực hiện Luật Báo chí, làm hạn chế tính hiệu quả của báo chí. Cá biệt, có cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích, thông tin giật gân, câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng; thông tin thiếu nhạy cảm chính trị, chưa chính xác, sai sự thật, làm tổn hại đến lợi ích của các tổ chức và cá nhân, lợi ích của đất nước. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí ngày càng gia tăng, chủ yếu là báo điện tử, báo hình. Không ít đài phát thanh - truyền hình địa phương do năng lực sản xuất còn hạn chế dẫn đến khai thác nhiều chương trình, phim, văn nghệ, thể thao của nước ngoài; có chương trình không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc ta. Một số cơ quan quản lý báo chí chưa quan tâm đúng mức tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí thuộc thẩm quyền...

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã phát biểu nhiều ý kiến tham luận xoay quanh một số vấn đề như: Tình hình thi hành Luật Báo chí hiện nay, những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, không còn phù hợp; phân tích nguyên nhân, đề xuất những nội dung và giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của sự nghiệp phát triển báo chí trong giai đoạn hiện nay.

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các cơ quan báo chí và quản lý báo chí cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường quản lý báo chí; quy hoạch, sắp xếp hệ thống báo chí hợp lý, tránh trùng lặp, lãng phí và phù hợp với thực tế phát triển của đất nước hiện nay. Cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí, đặc biệt là ban hành Luật Báo chí mới và các văn bản hướng dẫn thi hành để có hành lang pháp lý sát thực tế, tạo điều kiện cho báo chí phát triển và tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về báo chí. Các cơ quan chủ quản thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí thuộc thẩm quyền theo quy định; quan tâm xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí và đội ngũ cán bộ, phóng viên bảo đảm tiêu chuẩn về trình độ chính trị và nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới...

 

Đại diện các đơn vị chủ trì và điều hành Hội nghị, đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc trong thời gian tới, bảo đảm công tác quản lý báo chí và hoạt động của các cơ quan báo chí tiếp tục phát triển, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp phát triển của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.