Hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương cần phù hợp Hiến pháp

08:44, 08/11/2014

Hôm qua, ngày 7-11, các đại biểu Quốc hội (QH) dành cả ngày để thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chưa rõ cơ chế phối hợp của Chính phủ với các cơ quan

 

 

Thảo luận về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), nhiều đại biểu QH quan tâm các quy định về mối quan hệ công tác của Chính phủ với các cơ quan, bộ, ngành. Theo đó, đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) và một số đại biểu khác cho rằng, dự thảo Luật quy dịnh: Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án, quyết định của tòa án, nếu thấy bản án, quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật và Chính phủ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao xem xét lại kết luận điều tra, cáo trạng liên quan đến các cơ quan hành chính nhà nước, việc thực hiện kết luận điều tra, cáo trạng của Viện KSND, nếu thấy vi phạm pháp luật... là chưa hợp lý bởi đây là những cơ quan tư pháp hoạt động độc lập theo pháp luật, Chính phủ không nên có sự chỉ đạo hay can thiệp sâu vào chuyên môn. Vì vậy, đề nghị không nên quy định như vậy trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, có đại biểu lại cho rằng, việc quy định Chính phủ có ý kiến đề nghị Tòa án, Viện kiểm sát xem lại các quyết định của mình là hợp lý bởi trường hợp này chỉ xảy ra khi các sự việc, các quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc không hợp lý. Nhiều ý kiến cho rằng, một số hoạt động của Chính phủ với cơ quan tư pháp không cần thiết quy định trong luật, thí dụ như việc Thủ tướng Chính phủ mời lãnh đạo các cơ quan này tham dự các cuộc họp về những công việc liên quan là chuyện bình thường, đương nhiên, về mối quan hệ giữa Chính phủ với QH, dự thảo Luật quy định: Chính phủ đề nghị QH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thông qua hoặc xin rút lại các dự án luật, pháp lệnh, nếu thấy không đủ điều kiện thực hiện hoặc chưa đủ điều kiện thực hiện hoặc không bảo đảm tính khả thi. Ðề cập nội dung này, có đại biểu băn khoăn vì thực tế thời gian qua đã có tình trạng nhiều dự án luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng lại bị "rút lại". Ðây là vấn đề cần quan tâm, cần có quy định điều kiện xin rút lại các dự án luật, đồng thời nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan trình dự án luật.

 

Ðại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và một số đại biểu khác nêu rõ, ba chức năng của Chính phủ là: cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất; cơ quan thực hiện quyền hành pháp; cơ quan chấp hành của QH. Các chức năng đã được quy định trong dự thảo luật nhưng mới chỉ là chép lại Hiến pháp, vì vậy chưa thể hiện rõ ràng, cụ thể. Ðề nghị dự thảo Luật cần cụ thể hóa ba chức năng của Chính phủ để từ đó có những quy định hợp lý, rõ ràng các hoạt động của Chính phủ trong thực tế. Việc phân công, phân cấp nhiệm vụ và trách nhiệm giữa Chính phủ và các địa phương cũng chưa được dự thảo luật đề cập rõ ràng. Ðiều này sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cho các địa phương khi triển khai nhiệm vụ, thậm chí có những địa phương sẽ thụ động, đùn đẩy trách nhiệm cho Trung ương giải quyết trước những vấn đề phức tạp, khó khăn.

 

Tổ chức chính quyền địa phương cần phù hợp đặc điểm địa bàn

 

Thảo luận dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiều đại biểu cho răng, cần cân nhắc thận trọng về mô hình tổ chức để phù hợp đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trong đó, làm rõ các khái niệm "chính quyền địa phương" và "cấp chính quyền địa phương" để xác định được ở những loại đơn vị hành chính nào thì tổ chức "cấp chính quyền địa phương" (gồm HÐND và UBND) và ở dơn vị hành chính nào không tổ chức cấp chính quyền địa phương. Ðại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu cho rằng, trường hợp tổ chức "cấp chính quyền địa phương" tại đơn vị hành chính thì dự thảo Luật phải làm rõ mối quan hệ giữa HÐND và UBND cùng cấp để thể hiện sự gắn kết, thống nhất giữa các cơ quan này dưới một hình thức mới là cấp chính quyền địa phương. Ðồng thời, phải làm rõ sự khác biệt về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở mỗi địa bàn khác nhau để chính quyền địa phương ở mỗi nơi đều có thể đáp ứng được yêu cầu, đặc điểm của địa phương mình. Trường hợp không tổ chức cấp chính quyền ở đơn vị hành chính thì cần làm rõ tính chất, tên gọi của cơ quan hành chính ở các đơn vị hành chính này và mối quan hệ của cơ quan này với chính quyền địa phương cấp trên. Một số ý kiến còn đề nghị cân nhắc tên gọi của cơ quan hành chính trong trường hợp không tổ chức HÐND, cũng như mô hình tổ chức, cách thức thành lập, cơ chế hoạt động của cơ quan này để làm rõ sự cần thiết của việc không tổ chức cấp chính quyền ở các đơn vị hành chính này.

 

Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền ở đô thị và chính quyền ở nông thôn, hải đảo, nhiều đại biểu phân tích, với cách quy định lấy thẩm quyền của chính quyền ở xã, huyện, tỉnh làm căn cứ, rồi bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền ở các đơn vị hành chính có tính chất đô thị như trong dự thảo Luật chưa làm rõ sự khác biệt về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền ở đô thị và nông thôn. Bởi vì, điều quan trọng và có tính quyết định đến mô hình tổ chức chính quyền ở những khu vực nêu trên là phải xác định nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, tính chất dân cư của từng địa bàn. Ðại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) và một số đại biểu băn khoăn bởi cách quy định nhiệm vụ, quyền hạn chung của UBND và Chủ tịch UBND các cấp trong dự thảo Luật chưa xuất phát từ mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Theo các đại biểu, ở những nơi không tổ chức HÐND thì nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phải có sự khác biệt nhất định với UBND nơi có tổ chức HÐND và cách thức thể hiện như trong dự thảo Luật đã không làm rõ được sự khác biệt này.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất tăng lương của Chính phủ

 

Chiều 7-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề xuất tăng lương năm 2015 của Chính phủ. Quyết định này dựa trên cơ sở Tờ trình của Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH, sau kết quả cuộc họp mở rộng ngày 5-11 bàn về phương án, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu QH vào Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

 

Như vậy, đề xuất điều chỉnh lương sẽ trình QH tại kỳ họp này xem xét thông qua trong kế hoạch bố trí ngân sách nhà nước năm 2015. Nếu được thông qua, từ ngày 1-1-2015, Chính phủ sẽ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi cho người có công và tiền lương đối với bộ phận công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống), mức tăng là 8%.

 

Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cần có quy định việc Thủ tướng Chính phủ định kỳ ba tháng một lần báo cáo với nhân dân cả nước những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Không nên đợi đến hai kỳ họp của QH thì Chính phủ mới tổ chức báo cáo. Ðây là hoạt động quan trọng của Chính phủ tạo nên sự minh bạch về thông tin, sự gắn kết giữa Thủ tướng, Chính phủ với nhân dân. Qua đó, các tầng lớp nhân dân được cập nhật, tiếp cận những thông tin chính thức, nắm và hiểu những khó khăn, thách thức của đất nước.

Ðại biểu PHÙNG VĂN HÙNG (Cao Bằng).

Luật Tổ chức Chính phủ cần làm rõ chế độ trách nhiệm. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa nêu bật được vấn đề này; nhiệm vụ, trách nhiệm của thành viên trong Chính phủ còn chung chung. Ở nước ta, khi có việc gì xảy ra, không biết ai là người chịu trách nhiệm, ai liên đới.Theo tôi, cần xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ và các bộ trưởng.

Ðại biểu NGUYỄN ÐÌNH QUYỀN (Hà Nội).

Cần bố cục lại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng tách riêng các quy định về HÐND và UBND thành hai phần riêng biệt để tránh sự trùng lặp, không rõ ràng. Trong mỗi phần sẽ quy định cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm, tổ chức, hoạt động.... của HÐND và UBND.

Ðại biểu NGUYỄN ANH SƠN (Nam Ðịnh).