Khắc phục tình trạng đùn đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

09:07, 04/11/2014

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, chiều 3/11, mở đầu phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Theo Tờ trình, Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định vị trí, chức năng của Chính phủ theo đúng quy định tại Điều 94 Hiến pháp. Cụ thể: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

 

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”.

 

Dự thảo Luật cũng quy định thành viên Chính phủ, gồm: Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

Dự thảo Luật quy định chi tiết và đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa một số nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ nhằm xác định rõ vai trò của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ và là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất; chủ động lãnh đạo Chính phủ khởi xướng, hoạch định kịp thời cơ chế, chính sách; đề xuất xây dựng thể chế pháp luật; quyết định và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước theo thẩm quyền, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính.

 

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa quy định và tinh thần của Hiến pháp mới, bảo đảm tính đồng bộ của việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế trong bộ máy nhà nước nói chung và Chính phủ nói riêng; đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ hiện nay.

 

Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát nội dung dự thảo Luật bám sát với các mục tiêu, quan điểm nêu trên để thể chế hóa đầy đủ và chính xác quy định và tinh thần của Hiến pháp về phân công, phối hợp trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ. Dự thảo Luật cần tập trung: Cụ thể hóa mối quan hệ giữa Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; phân định thẩm quyền của Bộ trưởng với tư cách là thành viên của Chính phủ và Bộ trưởng với tư cách là người đứng đầu ngành, lĩnh vực được phân công quản lý; xác định, phân định rõ lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót lĩnh vực không có cơ quan quản lý; khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, lên Thủ tướng Chính phủ; xây dựng cơ chế khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định của Hiến pháp về việc người đứng đầu Chính phủ có nghĩa vụ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết.

 

Cũng tại phiên làm việc chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

 

Theo Tờ trình, Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương điều chỉnh các vấn đề: Về tổ chức đơn vị hành chính; mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương; tổ chức, hoạt động của HĐND, UBND và mối quan hệ giữa HĐND, UBND với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.

 

Về quy định những nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của chính quyền địa phương (HĐND và UBND) các cấp, có 2 nội dung mới:

 

Thứ nhất: Căn cứ Điều 112 Hiến pháp năm 2013, để bảo đảm gắn kết thống nhất giữa HĐND và UBND cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương, làm rõ chức năng của UBND ‘‘là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp’’ và ‘‘là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương’’. Dự án Luật đã kết cấu theo hướng quy định rõ những nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp đều phải thực hiện theo quy định của Hiến pháp năm 2013; những nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và những nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền (trong những trường hợp cần thiết); đồng thời quy định các nhiệm vụ, quyền hạn riêng có của HĐND và UBND ở từng loại hình đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo (trong đó quy định những việc UBND là cơ quan chấp hành phải trình HĐND cùng cấp quyết định; những việc UBND là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương quyết định theo thẩm quyền). Mặt khác, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương còn thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều luật chuyên ngành nên các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND trong Dự án Luật chỉ quy định khái quát (các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể theo từng lĩnh vực do các luật chuyên ngành điều chỉnh);

 

Thứ hai: Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính quận, phường, có 2 phương án: Phương án 1: Quận, phường không tổ chức HĐND; Phương án 2: Quận, phường vẫn tổ chức HĐND.

 

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ủy ban Pháp luật thấy rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề hệ trọng của quốc gia, nên phải được Quốc hội thảo luận, cân nhắc thận trọng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng thí điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương. Do vậy, Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Quốc hội 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương như trong Tờ trình của Chính phủ, nhưng đề nghị cần nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án.

 

Cũng trong chiều 3-11, Quốc hội đã nghe:

 

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

 

Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thú y.

 

Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thú y./.