Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Trải qua các giai đoạn lịch sử, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã nhiều lần thay đổi tên và hình thức tổ chức, nhưng vẫn luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Ngày nay, để phù hợp với yêu cầu của thời đại, công tác Mặt trận đã từng bước được đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động. Nhiều hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được đổi mới và nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước… Năm 2014 là năm đầu tiên MTTQ các cấp tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện chương trình hành động do Đại hội MTTQ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2014-2019) đề ra, MTTQ các cấp đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức thành viên, tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, hướng hoạt động về cơ sở, khu dân cư, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, củng cố và tăng cường, khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thời gian qua, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tiếp tục được đổi mới về nội dung, phương thức phù hợp với các loại hình khu dân cư, cụ thể hóa 5 nội dung Cuộc vận động gắn với phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo kết quả thống kê gần đây nhất, toàn tỉnh có trên 246 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá (chiếm 83,61%); gần 1.400 khu dân cư đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa. Vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18-11), Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền, các đoàn thể chỉ đạo 100% khu dân cư, liên khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo.
Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh. Từ năm 2013 đến tháng 11-2014, Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội trên địa bàn đã vận động ủng hộ được trên 100 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ này đã trao tặng hơn 3,4 tỷ đồng cho hộ nghèo xây mới, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ trên 364 triệu đồng về vốn sản xuất cho hộ nghèo; thăm hỏi tặng quà người nghèo với số tiền là hơn 1,6 tỷ đồng...
Trong năm 2014, Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với ngành Lao động Thương binh và Xã hội, các tổ chức thành viên triển khai thực hiện tổng rà soát đối với 29.431 trường hợp người có công. Qua rà soát, có 29.359 trường hợp người công hưởng đúng chế độ, 63 trường hợp người có công đang hưởng chế độ ưu đãi nhưng chưa đầy đủ, 05 trường hợp thân nhân người có công đang hưởng chế độ ưu đãi sai. Qua 5 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong xã hội, nhận thức của nhân dân trong mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt được nâng cao.
Để tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ các cấp cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Tiếp tục quán triệt tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng dân cư, thực hiện đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động Đại hội MTTQ các cấp thông qua. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường tính hiệu quả, thiết thực của Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững; tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, hướng hoạt động về cơ sở, địa bàn khu dân cư; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của MTTQ trong giai đoạn mới...
Phát huy những thành tích vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, truyền thống đoàn kết của thủ đô kháng chiến, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ cùng với các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tiềm năng to lớn trong nhân dân xây dựng quê hương trong giai đoạn mới.