Quốc hội phê chuẩn hai công ước của Liên hợp quốc

14:26, 28/11/2014

Sáng ngày 28-11, Quốc hội biểu quyết thông qua hai nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người cùng Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền của người khuyết tật.

Không áp dụng trực tiếp Công ước chống tra tấn

 

Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự thảo Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (dưới đây gọi tắt là Công ước chống tra tấn) cho biết, về quy định không áp dụng trực tiếp Công ước chống tra tấn (Điều 3 dự thảo Nghị quyết), có ý kiến đề nghị không quy định vấn đề không áp dụng trực tiếp Công ước như trong dự thảo Nghị quyết; có ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ để áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Công ước.

 

Theo UBTVQH, Hiến pháp năm 2013 khẳng định Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên. Công ước chống tra tấn là điều ước quốc tế liên quan đến quyền con người. Do đó, để thực hiện Công ước, Việt Nam cần nội luật hóa quy định của Công ước vào hệ thống pháp luật, nhất là đối với các quy định của Công ước mà pháp luật Việt Nam chưa quy định. UBTVQH xin tiếp thu và thể hiện nội dung này như Điều 3 của dự thảo Nghị quyết.

 

Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người mà Cộng hòa XHCN Việt Nam ký ngày 7-11- 2013 tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York.

 

Theo Điều 2 của Nghị quyết, bảo lưu quy định tại Điều 20 và khoản 1 Điều 30 của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Không coi quy định tại khoản 2 Điều 8 Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ. Việc dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc nguyên tắc có đi có lại.

 

Điều 3 của Nghị quyết nêu rõ, Việt Nam xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

 

Cam kết thực hiện Công ước về Quyền của người khuyết tật trên tất cả các lĩnh vực

 

Cũng trong sáng 28-11, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền của người khuyết tật.

 

Báo cáo giải trình của UBTVQH cho biết, về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với việc phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền của người khuyết tật vì cho rằng, việc phê chuẩn Công ước là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, thể hiện tư tưởng về tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật đã được quy định trong Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành như Luật Người khuyết tật, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giáo dục... Đồng thời là cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật và đảm bảo thực hiện chính sách đối với người khuyết tật tại Việt Nam, tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên Công ước trong lĩnh vực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

 

Báo cáo nêu rõ, với việc trở thành thành viên chính thức của Công ước, Việt Nam một lần nữa đã khẳng định sự tuân thủ và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của mình về thực thi quyền của người khuyết tật, góp phần nâng cao vị thế và vai trò thành viên có trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, vai trò là thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 cũng như khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta đối với người khuyết tật.

 

Tuy nhiên, có một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến đóng góp vào việc phê chuẩn Công ước.

 

Có đại biểu Quốc hội nêu ý kiến, cần rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để bảo đảm sự tương thích của Công ước với hệ thống phát luật Việt Nam.

 

Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Đối ngoại cùng các cơ quan hữu quan của Quốc hội, Chính phủ trao đổi thống nhất về các vấn đề cụ thể theo quy định của Công ước cần được lồng ghép, chỉnh lý vào các dự án Luật được Quốc hội khóa XIII xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và các kỳ họp tiếp theo để nội luật hóa các quy định của Công ước, đồng thời cần thống nhất sử dụng thuật ngữ “khuyết tật” trong các văn bản pháp luật để phù hợp với khái niệm người khuyết tật quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Công ước

 

Có đại biểu Quốc hội đề nghị, sau khi Công ước được phê chuẩn cần có kế hoạch triển khai thực hiện Công ước cụ thể hơn. Tiếp thu ý kiến này, UBTVQH sẽ phối hợp cùng với Chính phủ xây dựng và đẩy nhanh lộ trình thực hiện Công ước với các yêu cầu, mục tiêu, chính sách cụ thể cho từng giai đoạn phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

 

Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký ngày 22-10- 2007 tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York.

 

Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cam kết thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật trên tất cả các lĩnh vực.

 

Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện hai Công ước trên của Liên hợp quốc.

 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện hai nghị quyết này.