Tái cơ cấu: Mạnh dạn “cắt đuôi” nhóm lợi ích

10:04, 01/11/2014

Hôm nay (1/11), Quốc hội dành trọn thời gian thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Trước khi đi vào thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát công tác này.

 

Báo cáo đánh giá, mô hình tăng trưởng mới chưa thực sự định hình, cơ chế, chính sách về tái cơ cấu chưa đủ mạnh; tiến độ thực hiện tái cơ cấu DN còn chậm; việc phân công, phân cấp quyền quản trị, chủ sở hữu tài sản tại các DN nhà nước còn chồng chéo, chưa phù hợp… 

 

Ngoài ra, Chính phủ cũng chưa có đánh giá toàn diện nền kinh tế để lượng hóa bằng các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể; cách thức triển khai nhiều vấn đề còn lúng túng; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa gắn kết chặt chẽ, chưa chủ động; việc kiểm tra, đánh giá trách nhiệm còn chưa thường xuyên, nghiêm túc....

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, thời gian tới, cần đầu tư mạnh cho nông nghiệp, nông thôn; xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, các giải pháp giảm nợ xấu, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát chặt chẽ về xử lý chéo; dần bỏ trần lãi suất huy động; xác định rõ và xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành nếu không làm đúng nhiệm vụ được giao về công tác tái cơ cấu đã được phê duyệt; cải cách mạnh tài chính và hành chính công theo hướng tự chủ, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, phân cấp mạnh cho địa phương, đảm bảo xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả..

 

Mạnh dạn “cắt đuôi” nhóm lợi ích

 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá - Trà Vinh, 3 năm qua, từ 2011-2013, kết quả bước đầu Việt Nam đạt được trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế là đã phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), góp phần thay đổi, ổn định nền kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên, tiến độ tái cơ cấu DNNN còn chậm, chưa có chuyển biến mang tính đột phá. Mặc dù số DNNN giảm mạnh nhưng với việc hình thành các tập đoàn, công ty con, công ty cháu…, DNNN vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP; cơ cấu các ngành kinh tế bất ổn; khu vực kinh tế tư nhân chưa được phát huy hết thế mạnh; chyển dịch cơ cấu lao động chậm…

 

Đại biểu Khá cho rằng, nguyên nhân chính của những hạn chế trên là khâu chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các đơn vị, DN chưa quyết liệt. Vì vậy, Chính phủ cần phải nhanh chóng xác định danh mục ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, đổi mới quản trị DN; sắp xếp hợp lý cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế của DN; DNNN phải quyết tâm không dựa dẫm bộ chủ quản, đẩy nhanh hơn nữa quá trình cổ phần hóa, mạnh dạn cắt đuôi nhóm lợi ích; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN; DNNN phải là cốt lõi, chỉ huy nắm đầu ra, không nên nắm đầu tư từ đầu đến chân…

 

Đại biểu Thân Đức Nam – Đà Nẵng cũng đánh giá, tiến trình tái cơ cấu còn chậm, đề án tái cơ cấu mới chỉ có mục tiêu, định hướng, chứ chưa có chính sách cụ thể. Như trong lĩnh vực tái cơ cấu ngân hàng thương mại, nhiều ngân hàng thương mại chính là công cụ của các ông chủ bất động sản để huy động vốn, việc sắp xếp các ngân hàng vừa qua chưa giải quyết được thực trạng nên nợ xấu vẫn còn. Trong tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, 2 năm qua, nhiều đơn vị đã áp dụng hình thức thay người đứng đầu nếu không thực hiện cổ phần hóa nhưng tiến độ cổ phần hóa vẫn chậm…

 

Đại biểu Nam đề nghị, cổ phần hóa DNNN nên thực hiện ở tổng công ty, công ty mẹ, không nên bắt đầu ở các công ty thành viên; các bộ, ngành dứt khoát không quản lý trực tiếp DNNN nào nữa mà chỉ thực hiện quản lý theo chức năng; xây dựng kế hoạch sử dụng vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa theo hướng đầu tư vào các mục tiêu phát triển phúc lợi xã hội.

 

“Những gì làm được hôm nay còn rất xa mục tiêu cạnh tranh, phát triển bền vững, chúng ta phải vượt qua được nhóm lợi ích”, đại biểu Nam nói.