Tư tưởng đoàn kết trong Di chúc của Bác

16:17, 03/11/2014

Được hình thành từ truyền thống dân tộc, kết hợp với lý luận khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, cùng với sự trải nghiệm trong hoạt động thực tiễn phong phú của mình, tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đúc kết cô đọng trong câu nói bất hủ của Người: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công", (trong một bài nói chuyện tại Trường Nguyễn Ái Quốc năm 1980, đồng chí Hoàng Tùng - khi đó làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã giải thích việc Hồ Chủ tịch ba lần nhấn mạnh hai từ "Đoàn kết" và "Thành công" trong câu nói trên, là ý Bác muốn nói tới đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế). Câu nói nổi tiếng này, đã trở thành một trong những câu Danh ngôn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh góp vào kho tàng văn hóa của Dân tộc và nhân loại.

Sinh thời, hình thức giáo dục tinh thần đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất linh hoạt, mềm mại. Người ít khi diễn thuyết mà thường lấy kết quả thực tiễn, để nói về tầm quan trọng của đoàn kết, vận dụng các câu ca dao, thành ngữ của cha ông hoặc trích dẫn những lời hay ý đẹp của chính quần chúng để giáo dục, cổ động cho tinh thần đoàn kết. Và trong nhiều trường hợp chỉ là động tác, Bác bắt nhịp cho bài ca "kết đoàn", khiến cho việc giáo dục trở nên nhẹ nhàng, cởi mở dễ đi sâu vào lòng người...

 

Riêng trong bản Di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn Dân trước lúc đi xa, tư tưởng đại đoàn kết của Người, chẳng những đã nhất quán nội dung trong câu nói bất hủ nêu trên, mà còn được thể hiện một cách khác biệt. Trước hết, cần hiểu rằng, suy cho cùng thì bản chất của đoàn kết là sự thân thiện giữa con người với nhau, là lòng yêu thương con người, không phân biệt màu da và tiếng nói. Theo đó, hãy suy ngẫm, thấu đáo từng ý, từng lời trong Di chúc, sẽ thấy tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện một cách xuyên suốt, thấm đẫm tính nhân văn cao cả, cũng là những điều kiện cần và đủ cho sự nghiệp đại đoàn kết.

 

Trong Di chúc của Bác, sau khi khẳng định "Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn... ". Người viết "Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão... Kế theo đó tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em..." Đó là ý định của một lòng son sắt, thủy chung, của một người suốt đời "Nâng niu tất cả chỉ quên mình" (thơ Tố Hữu). Bác đi thăm là để thắt chặt hơn mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, thắt chặt hơn mối quan hệ với anh em bạn bè quốc tế, cũng là sự thể hiện tư tưởng đại đoàn kết của Người.

 

Riêng phần nói về Đảng, trước hết Người khẳng định hiệu quả của tinh thần đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng của Đảng: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh dạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác". Logic vấn đề là ở chỗ, trước hết phải đoàn kết trong Đảng, cơ sở của sự đoàn kết ấy là "một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc". (Có thể hiểu đó là mục tiêu cách mạng, mục tiêu giải phóng tổ quốc, giải phóng nhân dân). Có đoàn kết trong Đảng, mới có sức mạnh để đoàn kết nhân dân, làm cho cách mạng có thể "tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác". Để có được sự đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu việc "phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hành tự phê và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng". Đoàn kết phải với tinh thần thương yêu, khoan dung, độ lượng, cho nên về phương châm tự phê bình và phê bình, Bác nhắc nhở "phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Sau hết, Bác khẳng định "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân ta" vì vậy Bác yêu cầu "các đồng chí từ Trung ương đến các Chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Trong bối cảnh phong trào Cộng sản quốc tế đang có những bất đồng giữa các Đảng anh em, khiến Bác đau lòng và căn dặn "Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các Đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và Chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình".

 

Muốn có đại đoàn kết toàn dân, trước hết Đảng phải trọng dân, dân phải tin Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, để có được niềm tin của dân thì "Mỗi đảng viên, cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng… xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Mặt khác, cách mạng là sự nghiệp lâu dài nên phải coi việc "bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết" phải "có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".

 

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay cả 79 chữ dành nói về việc riêng của mình, cũng  bao hàm lời nhắc nhở tới phẩm hạnh của người cán bộ, có sức quy tụ lòng người, gây xúc động tới triệu triệu con tim... Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc của Người vẫn còn nguyên giá trị thời sự, soi sáng cho toàn Đảng, toàn dân phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng trong tình hình mới.

 

Thấm thoắt mới đó, 45 năm qua đi. Soi lại những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn về đoàn kết trong Di chúc của Người, chúng ta càng thêm kính trọng, tự hào và thương nhớ Bác. Rất tự hào về những gì mà toàn Đảng, toàn dân đã làm được theo lời Người dặn, song cũng tự nhủ lòng, so với những điều Bác mong muốn, mỗi người chúng ta vẫn thấy mình còn nhiều thiếu sót...