Khai mạc Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2014

10:40, 05/12/2014

Sáng nay (5/12), khai mạc Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2014, với chủ đề “Cải cách thể chế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”. Với chủ đề này, Diễn đàn tập trung vào hai vấn đề chính: Cải cách thể chế và phát triển khu vực tư nhân trong nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ  Nguyễn Tấn Dũng đánh giá chủ đề của Diễn đàn phù hợp với trọng tâm mục tiêu Việt Nam đặt ra cho phát triển.

 

Thông báo với các đối tác về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2014 và mục tiêu đặt ra cho năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Năm 2014, Việt Nam phải đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức, nhất là tình hình phức tạp tại Biển Đông đe dọa ổn định và phát triển mọi mặt của Việt Nam.

 

Thủ tướng khẳng định: Với nỗ lực của mình và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tuy còn không ít hạn chế, yếu kém mà Việt Nam còn phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa. Nhưng đến hôm nay, chỉ còn hơn 20 ngày nữa là kết thúc năm 2014, nhìn lại cả năm thì thấy Việt Nam đạt được những thành quả khá toàn diện trên mọi lĩnh vực cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh…

 

Việt Nam quyết liệt thực hiện hiệu quả 6 mục tiêu, nhiệm vụ năm 2015:

 

Về mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ, mục tiêu cơ bản: Một là, Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân theo Hiến pháp quy định; Huy động và sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực; Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo Hiến pháp năm 2013 mới ban hành là động lực, giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam.

 

Hai là, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2014, Việt Nam kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 3%; năm 2015, sẽ khoảng 5% để thúc đẩy phát triển kinh tế; giảm bội chi 5,3% năm 2014 xuống 5% năm 2015. Toàn bộ bội chi dành cho đầu tư phát triển. Việt Nam đảm bảo nợ công trong giới hạn an toàn. Xuất khẩu năm 2014 tăng trưởng 13%, tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 150 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với khi Việt Nam mới gia nhập WTO; 3 năm liền Việt Nam xuất siêu, riêng năm 2014 xuất siêu 1,5 tỷ USD.

 

Năm 2014, Việt Nam có dự trữ ngoại hối tăng đáng kể, năm sau sẽ tiếp tục tăng và luôn đảm bảo tương đương 12 tuần nhập khẩu trở lên. Năm 2014, tăng GDP của Việt Nam là khoảng 5,9%; 2015, dự kiến GDP sẽ tăng khoảng 6,2%, và dự kiến kế hoạch giai đoạn 2016-2020, GDP sẽ tăng khoảng 6,5-7%/năm. Việt Nam tiếp tục kiểm soát để bảo đảm đồng tiền Việt Nam, giữ ổn định tỷ giá hối đoái.

 

Ba là, Việt Nam chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thực hiện đầy đủ các hiệp định thương mại, kinh tế mà Việt Nam ký kết. Đồng thời, tích cực đàm phán để kết thúc đàm phán 6 Hiệp định Thương mại mới, trong đó sẽ kết thúc hiệp định thương mại tự do với EU vào đầu năm 2015; Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan; kết thúc đàm phán FTA với Hàn Quốc ngay đầu năm 2015.

 

Việt Nam sẽ cùng các đối tác tích cực đàm phán để sớm kết thúc đàm phán Hiệp định TPP. Trên cơ sở đó, Việt Nam cam kết tạo mọi thuận lợi để khuyến khích thúc đẩy thương mại, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động thương mại và đầu tư thành công ở Việt Nam. Việt Nam sẽ tích cực tham gia để hình thành cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015.

 

Bốn là, Việt Nam sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, tập trung tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu DNNN đạt chỉ tiêu đặt ra giai đoạn 2014-2015 cổ phần hóa 432 DNNN. Không chỉ về số lượng, Việt Nam giảm mạnh tỷ trọng vốn nhà nước trong DN cổ phần hóa. Và nâng cao năng lực, hiệu quả kinh doanh của DNNN, bình đẳng, minh bạch trong kinh tế thị trường.

 

Tập trung tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, giảm mạnh nợ xấu xuống 3% vào cuối năm 2015, đây là tỷ lệ nợ xấu thông thường của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế thị trường; đảm bảo an toàn, hiệu quả hệ thống ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất – nhập khẩu hàng hóa, không phụ thuộc lớn vào một thị trường nào. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

 

Năm là, cùng với tiến bộ kinh tế, Việt Nam sẽ thực hiện tốt hơn tiến bộ xã hội, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi; tiếp tục giảm 2% số hộ nghèo năm 2015, riêng 63 huyện nghèo sẽ giảm 4% số hộ nghèo vào năm 2015. Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ đề ra. Việt Nam cũng sẵn sàng tham gia các mục tiêu mà LHQ đề ra sau năm 2015.

 

Sáu là, Việt Nam cùng với cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, sẽ tập trung các giải pháp đồng bộ để phòng chống tham nhũng có  hiệu quả hơn theo hướng hoàn thiện nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân theo Hiến pháp, thực hiện công khai, minh bạch quản lý tài chính công, tài sản công, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.

 

Với các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu Việt Nam đề ra cho năm 2015 như trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mong các bạn đối tác quốc tế ủng hộ để Việt Nam thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra năm 2015 và các năm tiếp theo. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đánh giá Diễn đàn đối tác phát triển tổ chức ở Việt Nam đã rất thiết thực, hiệu quả. Thủ tưởng cảm ơn các nhà tài trợ quốc tế đã là người bạn đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc phát triển, cả về tư vấn chính sách và tài trợ nguồn lực.

 

Các đối tác sẵn sàng đồng hành thúc đẩy Việt Nam phát triển

 

Tại Diễn đàn này, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá: Đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy Việt Nam đạt được tăng trưởng trong nhiều ngành kinh tế. Chúc mừng Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam về các thành tựu đạt được năm 2014, bà Kwakwa nhấn mạnh: Việt Nam cần tập trung vào cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cũng cần ổn định an sinh cho người dân. Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải có những mục tiêu và hành động nghiêm túc, thiết thực mới đạt kết quả.

 

Bà Kwakwa cho biết, bài học từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và nhiều nước khác cho thấy, cần phải tăng cường đẩy mạnh cải cách thể chế để cải thiện điều kiện phát triển và nâng thu nhập cho người dân. Bản thân cải cách thể chế không phải là vấn đề mới ở Việt Nam, vì để gia nhập WTO, Việt Nam cũng đã có những nỗ lực cải cách.

 

Dựa trên những thành tựu đã có, bà Kwakwa đề nghị Việt Nam thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế để đạt mức tăng trưởng hơn nữa. “Các nhà hoạch định chính sách cần tận dụng cơ hội để thực hiện được hoài bão trở thành nền kinh tế có thu nhập cao”- bà Kwakwa nhấn mạnh. Trong đó, theo Giám đốc WB tại Việt Nam, Việt Nam cần có sự tập trung phối hợp mạnh mẽ hơn nữa giữa Chính phủ và các cơ quan liên quan để cải thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô để đạt sự phát triển ổn định hơn nữa…. Các chính sách tiền tệ, tỷ giá cần minh bạch hơn, đảm bảo tính độc lập của ngân hàng Nhà nước.

 

Đặc biệt, bà Kwakwa lưu ý “không có quốc gia nào phát triển bền vững được nếu cứ dựa hoàn toàn hoặc ỷ lại kinh tế của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI)”. Cho nên, Việt Nam cần tăng cường hiệu quả hơn nữa của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là cần khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa. Cùng với đó, phải tiếp tục cải cách DNNN vì đây tiếp tục là vấn đề quan trọng ở Việt Nam.

 

Đối với vấn đề cải cách DNNN, bà Kwakwa khuyến nghị Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào chất lượng cổ phần hóa thay vì tập trung vào con số. Và, phải nâng cao tính minh bạch thông qua công bố thông tin thường kỳ với độ minh bạch cao.

 

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần nâng cao tính mở rộng, hội nhập của các thể chế kinh tế. Cần giảm bớt những khả năng để có thể xảy ra tham nhũng.

 

Bà Kwakwa khẳng định: “Các đối tác phát triển sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thông qua việc tư vấn chính sách, hỗ trợ vốn… cho phát triển”.

 

Với tinh thần đó, bà Kwakwa đề nghị Diễn đàn khuyến khích các bên tham gia đối thoại thẳng thắn, thực chất, thay vì nói suông./.