Mặc dù vẫn còn những câu hỏi chung chung, dài dòng, khó hiểu và một số phần trả lời thiếu trọng tâm hoặc chưa làm thỏa mãn người được hỏi, nhưng nhìn chung phiên chất vấn và trả chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh lần này diễn ra khá sôi nổi, thu hút sự chú ý, theo dõi của đông đảo cử tri (thông qua truyền thanh, truyền hình trực tiếp). Phóng viên Báo Thái Nguyên đã lược ghi những ý kiến chất vấn, trả lời chất vấn.
Đại biểu Trần Thị Bích (Đoàn Định Hóa) chất vấn: Các đối tượng được nhận Bằng khen của UBND tỉnh năm 2007 vì có thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có được thưởng tiền kèm theo không?
Ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Đây là vấn đề đã được Sở Nội vụ giải trình tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh. Căn cứ theo các quy định có liên quan, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã có văn bản trả lời về vấn đề này từ nhiều năm trước, trong đó nêu rõ: Các cá nhân có thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp và Mỹ được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có chế độ tiền thưởng kèm theo Bằng khen, phải chờ quyết định của Trung ương. Đến thời điểm hiện nay, Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn gì thêm. Do đó, UBND tỉnh chưa có cơ sở để thực hiện việc khen thưởng cho các đối tượng này.
Đại biểu Lương Trung Hà (Đoàn Phú Lương) hỏi: Qua giám sát việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý của Thanh tra từ năm 2010 đến tháng 6-2013 trên địa bàn tỉnh cho thấy, kết quả nhìn chung còn thấp. Nguyên nhân tại sao và hướng khắc phục trong thời gian tới như thế nào?
Ông Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Đúng là việc thực hiện kết luận sau thanh tra của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian qua chưa nghiêm túc, nhất là trong việc xử lý cán bộ và lĩnh vực kinh tế. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh cũng đã ra nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu đơn vị được thanh tra phải nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra và cũng đã có những chuyển biến, song chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực này chưa cụ thể, khiến việc xử lý gặp khó khăn. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ đề nghị cơ quan chức năng Trung ương ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể, đồng thời tăng cường hơn nữa việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận sau thanh tra của các cơ quan, đơn vị, địa phương; yêu cầu thủ trưởng các đơn vị được thanh tra phải nghiêm túc chấp hành kết luận của thanh tra; cơ quan thanh tra cũng cần trách nhiệm hơn trong việc đôn đốc các đơn vị thực hiện kết luận của ngành.
Đại biểu Nông Thanh Thủy (Đoàn Đồng Hỷ) chất vấn: Số người nghiện ma túy, trong đó có ma túy đá cũng như tình trạng tái nghiện sau cai trên địa bàn tỉnh đang là mối quan tâm, lo lắng của cử tri. Đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp quản lý, xử lý vấn đề này?
Bà Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Đối với người nghiện ma túy thông thường thì đã có phác đồ điều trị. Nhiều người đã được cai nghiện bằng thuốc Cedemex và sử dụng chất thay thế Methadone. Năm 2014, toàn tỉnh tổ chức cai cho 1.092 người, bằng 109% kế hoạch, tuy nhiên, tình trạng tái nghiện hiện vẫn ở mức cao. Riêng với ma túy đá thì hiện thế giới cũng chưa sáng chế được loại thuốc cai nghiện đặc trị cho các đối tượng nghiện. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, đẩy mạnh đấu tranh với các đối tượng có liên quan đến ma túy, đồng thời tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án Hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex…
Đại biểu Phạm Thị Thu Hằng (Đoàn T.P Thái Nguyên) chất vấn: Nguyên nhân khiến Dự án Trường Đại học Việt Bắc triển khai chậm tiến độ là gì? Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ việc làm sau khi thu hồi đất cho nhân dân như thế nào?
Đại biểu Cù Xuân Thu (Đoàn Phổ Yên) đặt câu hỏi: Dự án đầu tư của Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki thực hiện trong thời điểm giao thời giữa Nghị định số 84 và Nghị định số 69 về quy định giá đất. Chính quyền địa phương vận động người dân nhận tiền theo Nghị định số 84 và 1 tháng sau khi Nghị định số 69 có hiệu lực sẽ chi trả tiếp. Vậy, khi nào người dân được nhận tiếp số tiền chênh lệch giữa hai nghị định.
Ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Đối với Dự án Trường Đại học Việt Bắc, nguyên nhân triển khai chậm là do các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Các hộ dân đề nghị được thỏa thuận, bồi thường, hỗ trợ như các dự án khác trên địa bàn. Theo cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ hiện hành, Dự án Trường Đại học Việt Bắc đã áp dụng việc hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm theo hình thức trả bằng tiền. Ngoài ra, tại Dự án cũng đã quy hoạch khu kinh doanh dịch vụ, khu nông nghiệp công nghệ cao để giải quyết lao động cho các hộ bị ảnh hưởng, nhưng đến nay, những khu vực này vẫn chưa được giải phóng mặt bằng.
Đối với Dự án đầu tư của Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các sở, ngành liên quan đã làm việc với chủ đầu tư và đi đến thống nhất, Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ cho các hộ dân để thực hiện đền bù khoản chênh lệch. Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế khó khăn, nên Công ty cũng hạn chế về tài chính và hiện chưa thể tiếp tục thực hiện Dự án. UBND tỉnh đang giao cho Ban Quản lý các khu công nghiệp làm việc với chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục triển khai Dự án theo cam kết. Trường hợp nếu chủ đầu tư không thực hiện, tỉnh sẽ xem xét, thu hồi diện tích đất Dự án để bàn giao cho nhà đầu tư khác hiệu quả hơn.
Đại biểu Lê Văn Tâm (Đoàn T.P Thái Nguyên) chất vấn: Thực hiện Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, các đơn vị thi công đã vận chuyển đất đắp nền đi qua tuyến đường ĐT 261 gây xuống cấp trầm trọng, làm cho nhân dân đi lại rất khó khăn. Giải pháp của Sở Giao thông Vận tải như thế nào để khắc phục tình trạng trên?
Đại biểu Dương Văn Hào (Đoàn Võ Nhai) chất vấn: Theo quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì nhà ở dọc các trục Quốc lộ phải đấu nối với đường nhánh. UBND tỉnh có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống đường gom. Trong trường hợp không giải quyết được vấn đề đường gom thì giải quyết vấn đề xây mới và cải tạo nhà ở tại các khu dân cư nông thôn có sẵn như thế nào?
Ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải trả lời: Sau khi tuyến đường cao tốc hoàn thành, Sở đã cùng UBND huyện Phổ Yên và Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông - Vận tải) xác định tình trạng hư hỏng và đề xuất phương án thiết kế sửa chữa hoàn trả, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt thiết kế và sớm chỉ đạo thi công xây dựng. Đến nay, Ban Quản lý Dự án 2 đã bắt đầu cho nhà thầu triển khai xây dựng tuyến đường này, đoạn từ xã Hồng Tiến ra ngã tư Ba Hàng, đoạn từ ngã tư Ba Hàng đến xã Minh Đức. Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải để đoạn đường trên sớm được xây dựng và hoàn thành.
Hiện nay Sở Giao thông - Vận tải đang tham mưu trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt kế hoạch thực hiện “Lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh” để từng bước thu hồi, bồi thường đất hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, xây dựng hệ thống đường gom dọc tuyến, đấu nối vào các tuyến theo quy hoạch để đảm bảo an toàn giao thông. Đối với các trường hợp cần xây dựng nhà ở mới ngoài hành lang Quốc lộ, những vị trí do không đủ quỹ đất và kinh phí để làm đường gom các địa phương phối hợp với ngành liên quan sớm quy hoạch theo đường đô thị và xin ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông - Vận tải. Đối với các khu dân cư mới khi quy hoạch bắt buộc phải làm đường gom và điểm đấu nối ra Quốc lộ.
Đại biểu Nguyễn Vũ Thanh Thanh (Đoàn T.P Thái Nguyên) chất vấn: Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết hiệu quả, ứng dụng và sự ảnh hưởng của những đề tài KH&CN đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?
Ông Bùi Văn Hoan, Giám đốc Sở KH&CN, trả lời: Tổng kinh phí sự nghiệp khoa học được giao hằng năm khoảng 20 tỷ đồng, trong đó khoảng 40% chi cho các hoạt động quản lý Nhà nước mà Ngành được giao thì còn khoảng 11 đến 12 tỷ đồng dành cho các hoạt động nghiên cứu triển khai các đề tài, dự án ứng dụng. Các đề tài khoa học, dự án ứng dụng đều xuất phát từ yêu cầu giải quyết những vấn đề thiết thực của tỉnh. Ở lĩnh vực nông nghiệp tiêu biểu là mô hình sản xuất một số giống lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao, như: SH4, HT6, HT9, HT1, SH8. Mô hình ứng dụng giống cà chua chịu nhiệt mới vào sản xuất trái vụ. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có Đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp trong quản lý, giám sát chất lượng chè mang chỉ dẫn địa lý Tân Cương”… Các đề tài, dự án KH&CN đã được triển khai cụ thể và có giá trị thiết thực, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuý Nga (Đoàn T.P Thái Nguyên) chất vấn: Nhiều cử tri kiến nghị khu đất Kho lương thực Quang Trung, thuộc địa bàn phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) do Công ty CP Lương thực Thái Nguyên quản lý, sử dụng không hiệu quả? Đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường trả lời rõ về vấn đề này?
Ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường trả lời: Việc khu đất Kho lương thực Quang Trung do Công ty CP Lương thực Thái Nguyên quản lý tại phường Trưng Vương có diện tích 1.565m2 cho các hộ dân thuê bán hàng là không đúng mục đích sử dụng đất và Thanh tra tỉnh đã có kết luận về vấn đề này. Năm 2012, Công ty cổ phần Lương thực Thái Nguyên đã đề nghị tỉnh cho phép bàn giao diện tích trên cho Công ty CP Phân phối bán lẻ thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc để xây dựng siêu thị và văn phòng cho thuê, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của Công ty cổ phần Lương thực Thái Nguyên về kế hoạch, tiến độ thực hiện dự án đã nêu, trường hợp Công ty không xây dựng sẽ báo cáo UBND tỉnh thu hồi theo quy định.
Đại biểu Lê Văn Tâm (Đoàn T.P Thái Nguyên): Hiện nay, tình trạng chất lượng điện của nhiều xóm ở xã Phúc Trìu, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) rất yếu, gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân? Đề nghị lãnh đạo Công ty Điện lực Thái Nguyên cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục?
Ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên trả lời: Hiện nay vẫn còn một số hộ nằm rải rác, cách xa Trạm biến áp xã Phúc Trìu, do đó đường dây sau công tơ kéo dài, không đảm bảo tiêu chuẩn, dẫn đến điện áp thấp. Khu vực xóm Tân Thái, xã Tân Cương hiện có một tổ với 63 hộ được cấp điện từ Trạm biến áp Tân Cương 1. Vị trí treo lắp công tơ cách trung tâm xóm 2km, đường dây qua nhiều khe núi, rừng cây, dây dẫn phi tiêu chuẩn nên điện áp thấp. Khu vực xóm Khuôn Năm, xã Phúc Xuân hiện được cấp điện từ Trạm biến áp Rộc Lầy, sau khi tiếp nhận khu vực này đưa vào Dự án RE2.5 nhưng do thiếu vốn nên chưa thực hiện. Thời gian qua, Điện lực Thái Nguyên đã kiểm tra, khảo sát địa hình thực tế và lập kế hoạch để từng bước sửa chữa, nâng cấp trong thời gian tới.