Nơi ấy Bác đã dừng chân

08:46, 31/12/2014

Chúng tôi đến đền Mẫu, ở xóm Giếng, xã Hồng Tiến (Phổ Yên ) - nơi lần cuối cùng khi Bác Hồ lên thăm Thái Nguyên, Người đã vào thắp hương, dừng chân nghỉ bên gốc cây thông. Trò chuyện cùng các nhân chứng lịch sử, chúng tôi biết được nhiều thông tin thú vị, nhất là những tình cảm ấm áp mà người dân dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Nắng chiều hắt xuống trước cửa đền Mẫu, chúng tôi bắt gặp một tốp học sinh đeo khăn quàng đỏ đang quét dọn dưới cây đa rợp bóng. Tôi hỏi chuyện em Dương Văn Chế, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Hồng Tiến, được biết: Em Chế đã mấy lần được ra quét dọn vệ sinh đền và bia lưu niệm địa điểm Bác Hồ về thăm, nghỉ chân tại đền Mẫu.

 

Em Ma Kim Nhâm, học sinh lớp 4B nói: Mỗi năm, ngoài dịp 19-5 Ngày sinh của Bác thì vào ngày Bác về thăm đền (1-1), em đều được bố mẹ, ông bà cho đi cùng đến thắp hương tại đền Mẫu và nơi thờ Bác.

 

Thầy Phạm Quang Mười, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Tiến 1 cho biết: Từ năm 2009, thực hiện phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, Trường đã đề nghị với UBND xã để các học sinh nhận nhiệm vụ chăm sóc di tích. Mỗi tháng, 1 nhóm học sinh lớp 4, 5 có thành tích học tập tốt sẽ được lựa chọn đến dâng hương, làm lễ tại Đền và bàn thờ Bác. Đồng thời làm nhiệm vụ dọn vệ sinh tại điểm di tích và bia lưu niệm. Việc làm này vừa nhằm giáo dục truyền thống lịch sử và tạo thói quen yêu lao động cho các em.

 

Trong hồ sơ khoa học về đền Mẫu được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử năm 2010, có ghi rõ: Ngày 1-1-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm khu Gang thép Thái Nguyên, trên đường trở về Hà Nội đã vào thắp hương tại đền Mẫu, sau đó Người nghỉ ăn cơm trưa tại đồi thông Vân Dương trong khu vực Đền. Ngước nhìn lên bàn thờ Bác trước gian thờ tượng phật, tôi thấy bức ảnh Người ngồi nghỉ bên gốc thông (ảnh do phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chụp) được treo trang trọng.

 

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Nhi, sinh năm 1937, trước đây là công nhân Vườn ươm giống cây lâm nghiệp Vân Dương (Lâm trường trồng rừng Nam Thái Nguyên - PV) nằm sát đền Mẫu, thuộc địa phận xóm Giếng, hiện đang sinh sống tại tổ dân phố 2A, phường Phố Cò (T.X Sông Công): Khoảng 10h30' ngày 1-1-1964, chúng tôi được lệnh tập trung để chuẩn bị đón khách. Một lúc sau, có một đoàn xe từ Thái Nguyên đi đường phụ vào đơn vị. Chúng tôi nhận ra Bác Hồ mặc bộ quần áo ka ki màu trắng, đội mũ cát trắng, chân đi đôi dép cao su qua suối Vân Dương, vào thắp hương trong đền Mẫu rồi nghỉ ăn cơm trưa dưới rừng thông. Bác ăn xong, nghỉ ngơi một lát và đi theo đường phi lao, xuống thăm Nhà trẻ Vườn ươm Vân Dương. Tôi nghe rõ ông Hoàng Cầm nói: Báo cáo Bác, cháu ở Sư đoàn 312, được lệnh đón Bác. Rồi Bác hỏi chúng tôi, giọng ấm áp: - Các cô chú có vất vả lắm không?

- Không ạ. - Chúng tôi trả lời.

- Các cháu trồng và chăm sóc cây tốt lắm.

 

Rồi Bác lấy kẹo ở trong mũ ra chia cho các cháu nhỏ đang học ở nhà trẻ. Bác dặn, cháu nào nghỉ, thì phải phần kẹo để chia sau. Bác nói chuyện trong thời gian rất ngắn rồi cùng đoàn trở về Hà Nội. Điều tôi nhớ nhất là sau đó, đơn vị đóng bảng kỷ niệm: Nơi đây Bác Hồ đã đến thăm như một niềm tự hào và lời hứa luôn cố gắng thực hiện tốt lời Bác căn dặn.

 

Ông Trần Văn Phụng, nay đã 80 tuổi, người ở xóm Giếng khi được biết chúng tôi đang tìm hiểu về sự kiện Bác Hồ đến thăm thì bồi hồi kể: Năm 1963 -1964, tôi đang là giáo viên ở Trường cấp 2 Thắng Lợi (T.X Sông Công). Biết tin ngày 1-1-1964 Bác Hồ lên thăm Thái Nguyên ghé đền Mẫu, sau giờ tan học, tôi huy động học sinh ra đồi Bà Nghè đón Bác. Chúng tôi chỉ đứng vòng ngoài nhìn vào trong. Năm 1965, tôi đã có ý kiến với Trường tổ chức cho học sinh trồng vườn cây “Nhớ Bác”.     

 

Cũng theo lời ông Phụng thì từ ngày Bác Hồ về thăm đến nay, tại đền Mẫu, vào dịp 19-5 hằng năm, nhân dân miền Vân Thượng (gồm xóm Giếng, Ngoài và Mãn Chiêm) cũng như bà con trong xã thường tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh nhật Bác để tỏ lòng nhớ ơn Bác. Trong đó đáng nhớ nhất là vào ngày 19-5-1990, ông Phụng khi đó là Bí thư Hợp tác xã Hợp nhất Vân Thượng đã đề nghị với xã, huyện tổ chức Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác tại đền Mẫu. Nhân dịp này, bà con địa phương đã vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thăm và đã trồng cây đa lưu niệm trước đền Mẫu. Nay, cây đa đã vươn cao, tỏa bóng mát.

 

Năm 2010, đền Mẫu được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Cũng trong năm này, đồng chí Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã tặng nhân dân địa phương bức tượng Bác Hồ. Bức tượng đã được đặt trang trọng lên bàn thờ. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng cổng vào khu lưu niệm và bia tưởng niệm nơi Bác dừng nghỉ chân bên gốc thông cạnh đền Mẫu năm xưa.

 

Ông Bùi Văn Thư, Bí thư Chi bộ xóm Giếng cho biết thêm: Từ năm 1990 đến nay, cứ vào ngày 1-1, không ai bảo ai, nhân dân trong vùng đều tổ chức thắp hương, dâng lễ tại đền Mẫu, bàn thờ Bác và địa điểm Bác Hồ đến thăm. Cũng từ năm 2010, vào ngày Tết độc lập (2-9), bà con lại tổ chức từng đoàn dâng lễ ra đền Mẫu và bàn thờ Bác Hồ. Một điều đáng trân trọng là dân làng trong vùng Vân Thượng còn có tục lệ vào ngày cuối cùng trước khi bước sang Tết Nguyên đán, nhà nhà chuẩn bị mâm cơm cúng để mang ra thắp hương, đón Bác về ăn Tết cùng gia đình...