Phát huy truyền thống của cha ông

15:01, 22/12/2014

Trong số 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) năm xưa, mảnh đất Thái Nguyên có 2 người con ưu tú đó là ông Hoàng Văn Củn (bí danh Quyền, Thịnh) và ông Mông Văn Vẩy (tức Mông Phúc Thơ), cùng quê ở xã Tràng Xá (Võ Nhai). Giờ đây, cả 2 cụ đều đã mất, nhưng con, cháu của các cụ vẫn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, góp sức xây dựng quê hương...

Lật lại lịch sử, đầu những năm 1940, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trong cả nước. Cùng với đó là sự trưởng thành nhanh chóng của các tổ chức vũ trang quần chúng đòi hỏi cách mạng Việt Nam phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc. Đứng trước những yêu cầu thực tiễn của cách mạng, tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp phụ trách.

 

Lúc này, ở Thái Nguyên Trung đội Cứu Quốc quân II (thành lập 15-9-1941 tại xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai) đang hoạt động mạnh và gây được tiếng vang lớn. Sau khi nhận được Chỉ thị của Bác Hồ và Trung ương Đảng về việc thành lập lực lượng vũ trang tập trung, Ban cán sự của Trung đội Cứu Quốc quân II đã lựa chọn và cử 2 chiến sĩ ưu tú nhất của Trung đội là  các đồng chí Hoàng Văn Củn và Mông Văn Vẩy lập tức lên Cao Bằng để nhận nhiệm vụ.

 

Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội, với 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy, đây là lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.   

 

Chúng tôi tìm về xã Tràng Xá (Võ Nhai), quê hương của 2 vị lão thành cách mạng đã từng tham gia vào Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa: Hoàng Văn Củn và Mông Văn Vẩy, gặp người thân trong gia đình để nghe kể về các cụ. Bà Hoàng Thị Loan, con gái cả của cụ Hoàng Văn Củn xúc động kể lại: Sau khi miền Bắc được giải phóng, bố tôi về công tác tại Ty Công an tỉnh Bắc Kạn. Đến năm 1962, ông chuyển sang làm Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Khu tự trị Việt Bắc, rồi làm Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai. Năm 1973, cụ nghỉ hưu về sinh sống với con cháu tại quê nhà ở xóm Đồng Danh, xã Tràng Xá (Võ Nhai), đến năm 1986 thì cụ mất. Lúc còn sống, bố tôi thường căn dặn: Các con phải luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phải cố gắng cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển quê hương; dù trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn trung với nước, hiếu với dân. Đồng thời, chăm lo, nuôi dạy các con, cháu nên người, xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình…  

 

Thực hiện lời dạy đó, 4 chị em tôi đều cố gắng phấn đấu, rèn luyện để trở thành người đảng viên gương mẫu, người cán bộ hết lòng vì công việc. Trong số 4 chị em thì 3 người là đảng viên, 1 là doanh nhân đang kinh doanh khá thành đạt ở Hà Nội. 12 người cháu nội, ngoại của ông đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng và hiện cũng đang làm việc ở các cơ quan Nhà nước hoặc các công ty, nhà máy, xí nghiệp…

 

Anh Phạm Xuân Thái, cháu ngoại cụ Hoàng Văn Củn, hiện đang là Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện Võ Nhai cho biết: Ý thức được truyền thống cách mạng của gia đình, tôi luôn cố gắng học tập, tu dưỡng để làm rạng danh dòng họ. Với cương vị công tác hiện nay, tôi thường xuyên gần gũi với bà con nhân dân, bám sát cơ sở để giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

 

Rời mảnh đất Tràng Xá (Võ Nhai) chúng tôi đến tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên để tìm gặp gia đình ông Mông Quốc Trung, cháu gọi cụ Mông Văn Vẩy bằng chú ruột. Trong ngôi nhà nhỏ, ông Trung đang chuẩn bị hoa quả, đồ lễ để đặt lên bàn thờ các cụ nhân Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông kể: Bố tôi là Mông Phúc Quyền và chú Mông Văn Vẩy là 2 anh em ruột, cả 2 người đều tham gia vào Đội Cứu Quốc quân II. Nhưng sau đó, chú Vẩy được tổ chức chọn lên Cao Bằng tham gia vào Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân còn bố tôi ở lại tham gia chiến đấu ở Thái Nguyên. Năm 1947, chú Vẩy hy sinh tại Phan Thiết. Còn bố tôi, sau ngày giải phóng, cụ giải ngũ rồi công tác tại Bảo tàng Khu tự trị Việt Bắc (nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam). Năm 1994, bố tôi mất. Lúc sinh thời, bố tôi thường rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái, chính sự nghiêm khắc đó đã giúp các anh chị em chúng tôi đều trưởng thành. Hiện nay, trong số 10 anh chị em thì có 1 bác sĩ, 2 giảng viên, 1 trung tá công an, 2 cán bộ huyện, 2 doanh nhân. Hơn 30 cháu nội, ngoại trong gia đình đều ngoan ngoãn, học hành thành đạt. Trong đó, có 18 người đã tốt nghiệp đại học, 4 người là thạc sĩ đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh.

 

 

Anh Hoàng Tiến Diện, xóm Đồng Mỏ, Xã Tràng Xá (Võ Nhai) là cháu ngoại cụ Mông Văn Vẩy đang sản xuất mì gạo phục vụ bà con địa phương. Mỗi tháng, xưởng sản xuất mỳ gạo của gia đình anh cho thu lãi khoảng 10 triệu đồng.

 

Không có điều kiện học hành ra ngoài và công tác tại cơ quan Nhà nước như các anh, chị, em khác trong gia đình, anh Hoàng Tiến Diện, xóm Đồng Mỏ, Xã Tràng Xá (Võ Nhai) là cháu ngoại cụ Mông Văn Vẩy lại chọn hướng phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Hòa đang là giáo viên của Trường Mầm non xã Tràng Xá. Còn anh ở nhà mở xưởng sản xuất mì gạo phục vụ người dân địa phương và các địa bàn lân cận. Trung bình, mỗi ngày, gia đình anh sản xuất khoảng 7-8 tạ mỳ. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Diện còn là một người dân rất tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và các quy định của địa phương. Anh tâm sự: Dù không công tác ở các cơ quan Nhà nước nhưng tôi luôn cố gắng làm kinh tế thật tốt để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình mình.