Ngày 27/12, tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khu vực đồng bằng sông Hồng với chủ đề “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị”. Dự hội thảo có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và đại biểu các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Hồng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định, bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ không còn là vấn đề riêng của nữ giới, của một quốc gia, mà là mục tiêu phấn đấu thúc đẩy thực hiện của nhiều quốc gia, nhiều dân tộc trên thế giới. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được nói tiếng nói đại diện cho giới mình, được phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau của quốc gia. Thông qua đó, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ở Việt Nam, vấn đề giải phóng phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới luôn gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng và cũng luôn được xác định là công việc của toàn xã hội. Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để thực hiện mục tiêu tiến bộ xã hội; trong đó, có việc thực hiện bình đẳng giới và phát triển con người.
Đặc biệt trong gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam là quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh chóng về xóa bỏ khoảng cách giới ở khu vực Đông Á. Vai trò, vị thế của người phụ nữ Việt Nam ngày càng được nâng cao, số lượng phụ nữ tham gia các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng tăng. Các tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện các chỉ số phát triển con người và công bằng giới. Lần đầu tiên, Việt Nam có tên trong danh sách các nước có số đo về sự trao quyền cho giới (GEM).
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các hoạt động của đời sống xã hội và nhất là trong lĩnh vực chính trị vẫn chưa tương xứng. Quá trình phấn đấu đạt được mục tiêu bình đẳng giới là một quá trình lâu dài và đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực cả trong việc ban hành chính sách lẫn tổ chức thực hiện chính sách, cũng như tìm ra các cơ chế thích hợp để phụ nữ được tham gia, thụ hưởng một cách công bằng các thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội mang lại; trong đó, có việc tham gia ở các vị trí quyết định để phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội. Điều này là không dễ dàng do nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới vẫn còn khoảng cách khá lớn so với yêu cầu phát triển đặt ra.
Phó Chủ tịch nước đề nghị, tại hội thảo này, các đại biểu sẽ đánh giá một cách đúng đắn, khách quan về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, những khó khăn thách thức, hạn chế, nguyên nhân và kinh nghiệm, từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp mang tính đột phá nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong đời sống chính trị của đất nước trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích tình hình đại biểu nữ tham gia các cơ quan dân cử, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng, lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ trong thời gian qua. Theo đó, ở khu vực đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là 27,73%, cán bộ nữ tham gia ban chấp hành, ban thường vụ, giữ các chức danh chủ chốt các cấp tương đương với bình quân chung toàn quốc; trong đó, nữ tham gia ban chấp hành cấp tỉnh là 11,3%, tham gia ban thường vụ cấp tỉnh là 7,8%. Về trình độ, 100% nữ ủy viên ban chấp hành cấp tỉnh có trình độ đại học chuyên môn trở lên và trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và sự đóng góp của phụ nữ, chưa đạt mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ thực tế trên, các đại biểu đã thảo luận một số vấn đề về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị như: vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc bảo đảm bình đẳng giới trong quy trình bầu cử; triển khai chủ trương, chính sách pháp luật nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ nữ.