Tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết

15:54, 09/12/2014

Ngày 9-12, kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XII bước sang ngày làm việc thứ hai, các đại biểu tập trung thảo luận tại tổ về các nội dung tại kỳ họp.

Nhìn chung, các đại biểu đều nhất trí cao với nội dung các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp. Ở 4 tổ thảo luận có hơn 50 ý kiến tập trung đóng góp đã đề cập đến nhiều vấn đề và đề nghị UBND tỉnh, các ngành liên quan giải trình những nội dung chưa rõ và bổ sung vào các báo những nội dung còn thiếu. Đóng góp vào báo cáo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2015, các đại biểu đều có chung nhận định: Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Đây là cơ sở để tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của cả giai đoạn 2010-2015. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về phần dự toán phân bổ ngân sách chi cho tổ chức Liên hoan Trà lần thứ 3 vào năm 2015 là 25 tỷ đồng là quá lớn. Cần đánh giá lại hiệu quả tổ chức Liên hoan Trà lần thứ 2, cũng như thời gian tổ chức như hiện nay 2 năm một lần là chưa hợp lý, nên để từ 3-5 năm tổ chức 1 lần.

 

Đối với Tờ trình về cơ chế ưu đãi đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên giai đoạn 2 (Dự án SEVT2), có ý kiến cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng đến những tác động của Dự án đến vấn đề môi trường và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Về Tờ trình Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, các đại biểu cũng đề nghị cần xem xét quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp, bên cạnh nguồn vốn ngân sách, tỉnh cần có cơ chế đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp xây dựng hệ thống nhà trọ, cũng như có phương án quản lý về giá. Đối với dự thảo Nghị quyết về chế độ thù lao hằng tháng đối với các thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, có ý kiến không nhất trí với việc chi ngân sách cho đối tượng này vì cho rằng đã là tình nguyện thì không tính toán đến thù lao…

 

Vấn đề giao thông cũng thu hút nhiều ý kiến đóng góp, một số đại biểu đề nghị ngoài các tuyến đường do Trung ương đầu tư, tỉnh cần tiếp tục cân đối ngân sách đầu tư cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường tỉnh lộ, cũng như kiên quyết xử lý các trường hợp xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường. Ngoài ra, các đại biểu còn đề nghị các ngành, cấp liên quan cần có biện pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp và các trang trại chăn nuôi. Phân tích làm rõ hơn công tác đảm bảo an ninh trật tự, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ trọng án tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất trật tự trị an trên địa bàn. Tỉnh cần quan tâm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp địa phương…

 

Ngày mai 10-12, các đại biểu tiếp tục thảo luận về nội dung của kỳ họp và thực hiện phiên chất vấn, trả lời chất vấn; thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.

 

Ý kiến lãnh đạo ngành, địa phương

 

Ông Lê Thanh Tuyết, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên: "Vấn đề đáp ứng nhà ở cho công nhân đang rất bức thiết hiện nay. Có hai phương án giải quyết: Một là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư để đảm bảo lâu dài, hai là người dân xây dựng để giải quyết tức thời. Dùng cơ chế, chính sách để quản lý chất lượng và giá cả nhà ở công nhân. Ban hành mẫu nhà ở chung và áp giá trần khi cho thuê. Nếu đơn vị, cá nhân nào vi phạm sẽ không cho kinh doanh hoặc áp dụng quy định nộp thuế bắt buộc...".

 

 

Ông Vũ Mạnh Phú, Giám đốc Sở Tài chính: "Hiện nay, số nợ thuế của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh lên tới gần 300 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 7% trên tổng thu ngân sách (quy định của nhà nước là không quá 5%). Trong đó có những DN có số nợ thuế lên tới vài chục tỷ đồng. Nếu giải quyết tốt tình trạng nợ thuế hiện nay sẽ giúp đáng kể trong việc tăng thu ngân sách cho địa phương".

 

 

Thảo luận tổ: Thẳng thắn đề nghị làm rõ những vấn đề còn vướng mắc

 

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những nội dung được đưa ra xem xét trong kỳ họp. Một số vấn đề được cử tri quan tâm như: nhà ở công nhân, xử lý rác thải nguy hại, thu, chi ngân sách, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, ưu đãi đầu tư đối với Samsung... đã được mổ xẻ, phân tích và đề nghị bổ sung, làm rõ.

 

Nhiều chỉ tiêu đạt cao nhưng chưa hết khó khăn

 

Đại biểu Triệu Minh Thái (Đoàn Đại Từ) cho biết: Năm 2014, tỉnh ta tiếp tục đạt được kết quả cao trên các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch, đã thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong công tác điều hành… Tuy nhiên, về lĩnh vực lâm nghiệp đang có một thực tế là người dân đang khai thác rừng sớm để làm nguyên liệu cho sản phẩm gỗ bóc, ván băm. Vậy nên mặc dù diện tích rừng trồng mới hằng năm đều đạt và vượt mức kế hoạch, nhưng độ che phủ rừng chưa cao.

 

Một số đại biểu ở tổ thảo luận số 2 và số 3 cho rằng, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 đạt 160.000 tỷ đồng, gấp 3,34 lần so với kế hoạch, trong đó tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tập trung ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là chính (đạt 134.222 tỷ đồng, vượt 7,45 lần so với kế hoạch). Nhưng thực tế khu vực công nghiệp địa phương đạt rất thấp, 12.940,5 tỷ đồng, bằng 80,8% kế hoạch.

 

Đại biểu Dương Xuân Hùng và đại biểu Hoàng Văn Quý (Đoàn T.P Thái Nguyên) băn khoăn: Trong khi kế hoạch thu ngân sách của tỉnh cả năm theo dự ước vượt 5,6% kế hoạch, nhưng nguồn thu từ khối doanh nghiệp nhà nước và khu vực dịch vụ ngoài quốc doanh lại chỉ đạt trên 80%, trong khi đó, 2 khối này đang giải quyết việc làm cho tới hơn 60 nghìn lao động. Do đó, tỉnh cần phải có cơ chế, chính sách và dành nhiều hơn nữa sự quan tâm đến các doanh nghiệp.

 

Đại biểu Dương Văn Lành (Đoàn Đồng Hỷ) cho rằng, cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến các doanh nghiệp địa phương. Hiện trên 4.200 doanh nghiệp của tỉnh đều gặp những khó khăn nhất định. Ngoài có chính sách ưu đãi, cũng cần có những giải pháp tháo gỡ cụ thể.

 

Ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề đáng quan ngại

 

Đại biểu Nguyễn Như Tuấn (Đoàn Phổ Yên) trăn trở: Ô nhiễm môi trường công nghiệp đang là vấn đề đáng lo ngại. Gần đây, việc HTX Phúc Lợi vận chuyển rác thải nguy hại từ Nhà máy điện tử Samsung về xử lý, tái chế tại khu Đá Mài, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) gây ô nhiễm khiến dư luận quần chúng bức xúc. Người dân đã tìm cách ngăn cản bằng cách giữ 4 xe ô tô chở rác của HTX này và cho đổ một phần vào sân UBND xã Tân Cương...

 

Đại biểu Hoàng Văn Quý (Đoàn T.P Thái Nguyên) cho rằng: Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở T.P Thái Nguyên thời gian qua không những không giảm, mà còn có xu hướng tăng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Đề nghị ngành chức năng quan tâm, làm rõ. Đại biểu Hoàng Văn Quý cũng đưa ra thực trạng, năm 2011, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án xử lý ô nhiễm môi trường dòng suối Cốc, do ảnh hưởng của Nhà máy Cốc Hóa, vậy tại sao cho đến nay Đề án này vẫn chưa được triển khai. Liệu năm 2015 có được thực hiện?

 

Nêu quan điểm về tình trạng ô nhiễm môi trường, đại biểu Đặng Viết Thuần (Đoàn Đại Từ) nói: Đây là vấn đề bức xúc của toàn xã hội và được cử tri tập trung ý kiến nhiều nhất. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vốn Nhà nước có hạn chưa có phương án đầu tư xử lý triệt để. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước nên thêm các cơ chế như cho vay vốn ưu đãi, chuyển giao khoa học kỹ thuật… để xử lý môi trường. Ngoài ra, các ngành chức năng đều phải có trách nhiệm cùng vào cuộc hỗ trợ các tập thể, cá nhân ngoài Nhà nước tham gia tích cực vào lĩnh vực này.

 

Cần xem xét lại một số nội dung đệ trình

 

Về Đề án duy trì và mở rộng chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, đại biểu Trương Thị Huệ, Vi Thị Chung (Đoàn Đại Từ) và một số đại biểu băn khoăn: Chỉ tiêu Chính phủ giao tỉnh ta năm 2014 cần điều trị cho 2.250 người nghiện ma tuý bằng Methadone nhưng thực tế đến nay tỉnh ta mới điều trị cho 1.522 người. Vì sao tỉnh ta chưa thực hiện đạt chỉ tiêu Chính phủ giao? Trong khi đó, chỉ tiêu năm 2015, tỉnh đặt ra điều trị 3.300 người nghiện ma tuý, liệu đặt ra chỉ tiêu cao như vậy có thực hiện được không? Năm 2015, số cơ sở điều trị tăng thêm 2 lên 8 cơ sở, số cơ sở cấp phát thuốc tăng 8 lên 10 cơ sở, trong khi mỗi cơ sở điều trị có ít nhất 14 người, mỗi cơ sở cấp phát thuốc có 4 người, vậy tổng nhân lực tăng lên là 60 người. Ngành Y tế bố trí kinh phí nguồn nào để trả lương cho 60 cán bộ, nhân viên này? Hiện nay tỉnh chưa có cơ sở điều trị Methadone nào đạt tiêu chuẩn, việc nâng cấp các cơ sở liệu có đủ kinh phí hay không?

 

Các đại biểu Triệu Minh Thái, Lưu Văn Toán  (Đoàn Đại Từ) thì cho rằng: Hiện nay, công tác quản lý người nghiện lỏng lẻo nên nảy sinh nhiều vấn đề mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đối với phương pháp điều trị nghiện bằng thuốc Methadone, nhiều người nghiện vẫn lén lút dùng thêm ma tuý. Cần tăng nguồn vốn xã hội hoá để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Trong đó, nên ban hành thêm quy định ràng buộc đối với người nghiện ma tuý.

 

Đại biểu Dương Xuân Hùng (Đoàn T.P Thái Nguyên) cho rằngviệc thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện tại cấp xã trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa cần thiết, có chăng chỉ nên thành lập thí điểm tại những xã trọng điểm, có đông người nghiện ma túy, nhiễm HIV và mại dâm để xem xét đến tính hiệu quả rồi mới tính đến việc nhân rộng. Hiện nay, theo tính toán từ Sở Nội vụ, trung bình mỗi xã, phường đang có trên 400 người được hưởng các mức hỗ trợ cao thấp khác nhau từ ngân sách nhà nước. Từ xã đến xóm đều có sự tham gia hoạt động của 6 hội, đoàn thể. Bởi thế, thay vì việc thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện, chúng ta nên tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của 6 tổ chức này để huy động sự vào cuộc của họ. Đại biểu Nguyễn Đức Minh (Đoàn Phổ Yên) cho rằng: Đã là Đội tình nguyện thì sao còn phải tính đến phương án trả thù lao? Xem ra hai vấn đề không ăn khớp với nhau vì tình nguyện là không tính toán đến công sức bỏ ra.

 

Một số nội dung khác

 

* Về chủ trương ban hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2015 để huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, đại biểu Lưu Văn Toán (Đoàn Đại Từ) cho rằng, chủ trương là rất hợp lý, nhưng trong kế hoạch chi cần cụ thể hơn để phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Tôi đề nghị cần ghi rõ bao nhiêu % nguồn vốn để trả các khoản nợ đã quyết toán hoàn công; bao nhiêu % bố trí vốn cho các công trình khởi công mới, các công trình cấp bách, quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

 

* Về vấn đề đào tạo nghề, đại biểu Vi Thị Chung (Đoàn Đại Từ), đại biểu Nguyễn Thị Nga (Đoàn T.P Thái Nguyên) và nhiều đại biểu khác cùng chung quan điểm, đào tạo hiện nay chưa gắn với thực tiễn nhu cầu xã hội. Mặc dù tỉnh ta có nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trong đó có nhiều trường đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng người được đào tạo xong vẫn thất nghiệp, không phù hợp với tiêu chuẩn tuyển dụng của các công ty. Nhiều công ty phải đào tạo lại lao động trước khi tuyển dụng. Ngoài ra, thực trạng không có học sinh theo học cũng xảy ra tại các trường dạy nghề, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

 

* Về giá các loại đất, đại biểu Dương Văn Hào (Đoàn Võ Nhai) ý kiến: Theo quy định giá đất được sử dụng ổn định trong 5 năm. Nếu trong kỳ sử dụng có biến động tăng trên 20% thì xem xét điều chỉnh. Theo báo cáo, qua khảo sát tôi thấy về cơ bản giá các loại đất năm 2014 là ổn định, riêng giá đất nông nghiệp có sự biến động về giá từ 20-30%. Tuy nhiên, trong Tờ trình của UBND tỉnh đề nghị thông qua Bảng giá đất giai đoạn 2015-2019 trên địa bàn tỉnh cho thấy giá đất nông nghiệp năm 2015 tăng so với năm 2014 từ 35-50%, một số phường thuộc T.P Thái Nguyên tăng tới 66,6%, như vậy là tăng quá cao. So sánh giữa các huyện cho thấy chênh lệch về giá đất nông nghiệp giữa T.P Thái Nguyên và các huyện, thị là rất lớn, sự chênh lệch trên là không có cơ sở, bởi giá trị đất nông nghiệp được xác định trên độ phì nhiêu của đất, hạng đất. Bên cạnh đó, sự chênh lệch này sẽ ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, bởi có sự so sánh về giá bồi thường giữa các vùng miền, nhất là các khu vực liền kề giữa các phường, xã, huyện, thị. Tôi đề nghị có sự điều chỉnh lại cho hợp lý.

 

* Về hiệu quả tổ chức Liên hoan Trà, theo đại biểu Nguyễn Thế Đề (Đoàn Phú Lương) và đại biểu Nguyễn Văn Tiệu (Đoàn Võ Nhai)  thì dự kiến chi ngân sách năm 2015 cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trong đó có 25 tỷ đồng chi cho Liên hoan Trà lần thứ 3 là chưa hợp lý. Chúng ta cần đánh giá lại hiệu quả tổ chức Liên hoan Trà lần thứ 2 năm 2013, tính toán lại quy mô tổ chức như thế nào cho hợp lý. Theo tôi nếu chi riêng cho Liên hoan Trà 25 tỷ đồng là quá lớn, nhiều nhất cũng chỉ nên chi 10 tỷ đồng, 15 tỷ đồng còn lại đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng những vùng khó khăn. Tôi được biết, một số công trình đầu tư cho Fetival Trà lần thứ nhất hiện nay vẫn chưa quyết toán xong. Tỉnh cần đánh giá lại hiệu quả tổ chức Liên hoan nhất là vấn đề quảng bá thế nào, người dân được gì từ Liên hoan Trà. Theo ý kiến của tôi thời gian tổ chức nên giãn ra 3 đến 5 năm tổ chức một lần và quy mô cũng nên thu gọn hơn.