Ngày 3-12, Tổ chức hướng tới minh bạch (TT) tại Hà Nội - Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) ra thông báo cho biết, TI vừa công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2014 (CPI 2014), xếp hạng 175 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và các chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công ở mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ.
Năm nay, Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119/175 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Một điều đáng chú ý là điểm số CPI của Việt Nam không thay đổi trong ba năm liên tiếp (2012-2014) và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia. Một điểm đáng quan tâm khác là, trong khi Việt Nam không có thay đổi về điểm số, các quốc gia láng giềng lại đang cải thiện kết quả CPI của họ. Trong số 9 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá năm nay, Việt Nam đứng thứ 6, chỉ xếp hạng trên Lào, Campuchia và Myanmar. Đa số các quốc gia trong khu vực đều có cải thiện về mặt điểm số (tăng từ 1 đến 3 điểm), ngoại trừ Myanmar là nước cũng không có thay đổi nào về điểm số, Lào (giảm 1 điểm) và Singapore (giảm 2 điểm).
TT ghi nhận các quyết tâm và nỗ lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, trước thực tế cảm nhận về tham nhũng không thay đổi - cũng được phản ánh qua thực trạng người dân Việt Nam thiếu tin tưởng vào hiệu quả của các nỗ lực phòng chống, tham nhũng quốc gia - TT quan ngại rằng điều này thể hiện công cuộc đấu tranh và đẩy lùi tham nhũng ở Việt Nam chưa đạt được những bước tiến cần thiết.
Để có được niềm tin và sự ủng hộ của người dân, cũng như để xây dựng uy tín cho Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn, Việt Nam cần cho thấy những kết quả cụ thể trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Điều này đòi hỏi một phương pháp đấu tranh tập trung và hướng tới các kết quả cụ thể hơn.
TT khuyến nghị Chính phủ tập trung xây dựng và củng cố các chính sách nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền, đồng thời giảm tham nhũng trong các lĩnh vực công được coi là thường xảy ra tham nhũng nhất. Cần có sự điều phối tốt hơn cũng như phân định rõ ràng hơn về chức năng và quyền hạn của các cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nhằm đảm bảo các cơ quan này hoạt động hiệu quả, đồng thời cần tăng cường sự tham gia của người dân trong các hoạt động đấu tranh chống tham nhũng.
Để tăng cường tính minh bạch, Việt Nam cần sớm ban hành và đảm bảo thực thi hiệu quả Luật tiếp cận thông tin. Bộ luật này cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế, đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin của người dân đối với hoạt động của các cơ quan công quyền.
Trong bối cảnh Việt Nam đang sửa đổi Bộ luật Hình sự và có kế hoạch đánh giá 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, TT khuyến nghị mọi thay đổi đối với hai văn bản luật này cần đảm bảo tính nhất quán và phù hợp với các yêu cầu trong Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là một thành viên.
Để tăng cường hiệu quả của việc thực thi pháp luật, không những sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan cần được cải thiện, mà các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng cũng cần được gia tăng quyền hạn, đồng thời phải đảm bảo trách nhiệm giải trình. TT khuyến nghị Chính phủ cân nhắc việc chỉ định một cơ quan với đầy đủ chức năng, thẩm quyền, sự độc lập và năng lực để điều hành, điều phối và chịu trách nhiệm giải trình về công tác thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng.
Bất kỳ một văn bản luật hay nỗ lực phòng, chống tham nhũng nào cũng sẽ không thể thành công nếu không có sự tham gia và ủng hộ của người dân. Mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp khuyến khích sự tham gia của người dân, đặc biệt trong việc tố cáo tham nhũng, nhưng vẫn cần có những cơ chế thiết thực và hiệu quả hơn để khích lệ người dân sẵn sàng tố cáo. Những công dân dũng cảm từ chối và tố cáo tham nhũng cần nhận được sự khen thưởng và bảo vệ xứng đáng.