Bao hồi hộp, háo hức rồi thời khắc mong chờ rồi cũng đến. Đúng 23h ngày 21-1, chiếc tàu HQ 637 nhổ neo, từ từ rời cảng Phú Quốc để đưa đoàn công tác thực hiện cuộc hải trình đến với các đảo trên vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc (thuộc vùng 5 Hải quân).
Sau một đêm dài lênh đênh trên biển, đảo Thổ Chu dần hiện rõ theo ánh sáng ban mai. Mặc dù đến địa điểm rất sớm nhưng phải chờ cho đến lúc trời sáng hẳn, tàu mới cập bến. Từ xa, chúng tôi đã dễ dàng nhận thấy nhịp sống sôi động nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Tàu lớn, bè nhỏ ra vào khá tập nập. Ngay sát cảng biển là khu tập trung mua bán đủ các loại mặt hàng của người dân. Hệ thống các trường, lớp từ bậc mầm non đến THCS được xây dựng khang trang. Tiếng nói, cười đùa của lũ trẻ giờ ra chơi cũng khiến chúng tôi vui lây... Biết có đoàn đến thăm, chúc Tết, thủ trưởng Trung đoàn 152 đã cử các chiến sĩ ra đón chúng tôi.
Trong không khí vui tươi, Thượng tá, Trung đoàn trưởng Dương Đức Mười, xúc động: Năm nào chúng tôi cũng được đón đoàn công tác đến thăm, chúc Tết tặng quà cho đơn vị nhưng mỗi lần đều để lại một cảm xúc và ấn tượng riêng. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn vững vàng một ý chí, quyết tâm vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đảo Thổ Chu cũng là điểm dừng chân đầu tiên của hải trình. Đây là hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, cách Phú Quốc 54 hải lý, cách đất liền 120 lý (200km). Quần đảo Thổ Chu có 8 đảo lớn nhỏ bao gồm: Thổ Chu, hòn Từ, hòn Cao Cát, hòn Nhạn, hòn Khô, hòn Xanh, hòn Cái Bàn và Đá Bạc. Diện tích của Đảo rộng khoảng 16,5km2, riêng đảo Thổ Chu 14km2. Các cơ quan trên đảo gồm có xã đảo Thổ Chu, Trung đoàn 152 (thuộc Quân khu 9), Đồn biên phòng 770, trạm hải đăng và đài khí tượng thủy văn.
Đồng chí Nguyễn Trường Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Thổ Chu phấn khởi: Năm 1975, sau khi quân đội ta đánh đuổi bọn Pôn Pốt, giúp người dân Căm-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng, đảo Thổ Chu được lực lượng vũ trang của ta canh giữ. Đến năm 1993, tỉnh Kiên Giang đưa 17 hộ dân đầu tiên ra đảo sinh sống. Hơn 20 năm trôi qua, Thổ Chu nay đã có sự phát triển nhanh chóng. Hiện, xã đảo có 518 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu sinh sống. Xã có trường Tiểu học và THCS cho hơn 200 học sinh theo học, có trạm y tế, có điểm bưu điện văn hóa xã. Bên cạnh đó, cứ 5 ngày có một chuyến tàu mang hàng hóa từ Phú Quốc ra đảo nên điều kiện sinh hoạt, ăn ở, đi lại của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ cũng vơi bớt khó khăn.
Để hiểu rõ hơn về sự đổi thay, phát triển của xã đảo Thổ Chu, chúng tôi tìm đến nhà ông Huỳnh Bình Khởi một trong những hộ dân đầu tiên ra đảo sinh sống theo chủ trương của tỉnh Kiên Giang năm 1993. Ông nhớ lại: Năm đó, Thổ Chu rất hoang sơ, chỉ có các lực lượng vũ trang đóng quân. Thời gian đầu, cả nhà tôi sống dựa vào bộ đội, vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống. Nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh, gia đình tôi mua tàu và những vật dụng khác để kiếm sống. Mấy năm sau, thấy cuộc sống có chiều hướng khá lên, tôi còn vận động anh em, họ hàng ra đảo an cư, lập nghiệp.
Còn đối với ông Trần Văn Tơ, năm ấy không chỉ là bước ngoặt của gia đình khi chuyển tới vùng đất mới mà còn đón nhận thêm một thành viên mới. Ông đưa cả nhà vào đảo cũng là lúc vợ ông đang mang thai đứa con thứ 4 sắp tới ngày sinh. Bởi vậy, ông đã đặt tên con là Trần Thị Diễm Châu (người Nam gọi Chu là Châu) như để lưu giữ thời điểm đầy ý nghĩa ấy.
Hiện nay, người dân Thổ Chu không chỉ phát triển kinh tế bằng việc đánh bắt cá mà các lĩnh vụ dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi cũng rất phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2014 của đảo đạt gần 23 tỷ đồng (tăng 9,7% so với năm trước, vượt 25% kế hoạch đề ra). Xã đảo có 5 cơ sở chế biến mực xuất khẩu, sấy cá cơm, hàng chục hộ nuôi cá lồng bè, đạt sản lượng trên 21 tấn/năm... Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt trên 12 triệu đồng/người. Trên đảo còn có câu lạc bộ văn nghệ Đờn ca tài tử và ca nhạc làm nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho những người yêu nhạc nơi đây.
Có được những kết quả ấy là nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng sát cánh của cán bộ, chiến sĩ đóng chân trên đảo. Họ đang ngày đêm vững chắc tay súng để gìn giữ sự bình yên cho nhân dân. “Trong dịp Tết Ất Mùi này, ngoài việc phân công trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ, gìn giữ sự bình yên cho nhân dân trên Đảo vui xuân, đơn vị cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, trò chơi cho các chiến sĩ tham gia, vơi bớt nỗi nhớ nhà. Thượng tá Dương Đức Mười chia sẻ.