Đó là điều ông Ma Văn Long, Bí thư chi bộ xóm Làng Mố, xã Trung Hội (Định Hóa) nhắc đi nhắc lại với chúng tôi trong cuộc trò chuyện về bí quyết thành công khi vận động người dân tham gia vào các công việc chung.
Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, những năm qua, các hoạt động của xóm Làng Mố đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Chúng tôi tìm đến nhà của Bí thư thư chi bộ xóm Làng Mố đúng lúc ông đang chuẩn bị thủ tục, giấy tờ xin xây dựng nhà văn hóa xóm. Ông Long cho biết: Chúng tôi đang hoàn thiện các hồ sơ gửi cấp có thẩm quyền xin xây dựng nhà văn hóa xóm trong năm 2015. Trước đó, trong các cuộc họp, 100% bà con đã đồng ý với kế hoạch xây dựng nhà văn hóa mới làm nơi sinh hoạt chung và nhiều hộ đã sẵn sàng hiến đất, đóng góp tiền của, công sức của mình.
Có được sự đồng thuận đó là nhờ xóm Làng Mố đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân, gia đình mình. Từ sự thay đổi nhận thức đó, nhân dân địa phương đã tích cực ủng hộ, đóng góp vào các hoạt động của tập thể. Làng Mố có 48 hộ với 190 nhân khẩu, trong đó hơn 95% là người dân tộc Tày. Tuy đời sống còn chưa thực sự khấm khá nhưng người dân trong xóm đã chung sức, chung lòng đóng góp xây dựng các công trình công cộng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hiện cả xóm đã có 100% đường trục chính và đường nội đồng đã được bê tông hóa.
Nhớ về thời gian đầu vận động nhân dân tham gia đóng góp làm đường bê tông, ông Long kể: Cuối năm 2011, khi xã triển khai làm 1km đường bê tông phương châm chế Nhà nước và Nhân dân cùng làm, chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức họp Chi bộ để bàn kế hoạch vận động người dân ủng hộ chủ trương này. Sau khi đạt được sự thống nhất trong Chi bộ, chúng tôi đã tổ chức họp xóm để thông báo về chủ trương làm đường bê tông và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Ban đầu, các hộ đều ủng hộ việc làm đường bê tông nhưng khi nghe lãnh đạo xóm thông báo phải hiến đất, phá bỏ hàng rào, chặt bỏ một số cây cối trên đất và đóng góp 600 nghìn đồng/nhân khẩu thì nhiều người đã lưỡng lự. Vì vậy, Chi bộ đã phối hợp với chính quyền, Ban công tác mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xóm thành lập Ban vận động làm đường bê tông. Ban vận động đã đến từng hộ trong xóm để phân tích lợi ích khi làm đường bê tông, làm rõ vai trò của người dân khi tham gia hiến đất, tài sản trên đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để hoàn thành con đường. Cũng với cách làm đó, năm 2012, năm 2013 xóm đã tiến hành xây dựng gần 1km đường trục chính còn lại. Được biết, từ năm 2011 đến nay, các hộ dân trong xóm Làng Mố đã hiến gần 4.000m2 đất, đóng góp hơn 1.500 ngày công lao động và hàng trăm triệu đồng xây dựng gần 2km đường bê tông nông thôn.
Khi huy động làm đường bê tông hay trong bất cứ công việc chung nào của xóm, 12 đảng viên trong Chi bộ Làng Mố đều gương mẫu đi đầu. Đây là những người đã tiên phong hiến đất, tháo dỡ hàng rào, chặt bỏ cây cối và nộp tiền làm đường bê tông. Đặc biệt mỗi đảng viên nhận nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, thuyết phục từ 3 hộ tới 5 hộ dân. Ông Ma Văn Thịnh, đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ Làng Mố chia sẻ: Là một đảng viên, tôi xác định bản thân có trách nhiệm phải tiên phong trong các phong trào của địa phương để người dân thực hiện theo. Cùng với đó, tôi luôn xác định phải nói rõ cho người dân hiểu về vai trò, trách nhiệm của họ trong đóng góp vào các hoạt động chung của địa phương. Khi xóm có chủ trương làm đường bê tông, tôi đã tiên phong hiến trên 100m2 đất vườn và đất thổ cư, dỡ bỏ hàng rào, chặt bỏ cây cối để tạo mặt bằng mở rộng đường.
Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, những cuộc vận động, phong trào thi đua ở xóm Làng Mố đều đạt được những kết quả tích cực. Những năm gần đây, bà con đã tích cực đưa các giống lúa lai, chè cành năng suất cao vào sản xuất thay thế các giống cũ kém chất lượng. Nghề chăn nuôi dê hiện đang tạo nguồn thu ổn định cho trên 10 hộ gia đình trong xóm. Năm 2014, xóm Làng Mố chỉ còn 4 hộ nghèo. Năm 2010, xóm đã xây dựng quy ước chung về quy định tổ chức đám hiếu, hỷ đơn giản, tiết kiệm, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, ở Làng Mố không có người sinh con thứ 3. Cả xóm có 44/48 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (năm 2014). Năm 2013, xóm được công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh…