Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp với sự ủng hộ cử tri và đồng bào cả nước. Kỳ họp này cũng được cử tri, đồng bào đánh giá là có nhiều nét đổi mới. Trong đó, nổi bật là đổi mới trong công tác chất vấn, trả lời chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm.
Chất vấn về “lời hứa” từ kỳ họp trước
Trước đây, Quốc hội chỉ thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn trong hai ngày rưỡi. Cử tri cho rằng, việc Quốc hội chỉ nghe các thành viên Chính phủ báo cáo lại những nội dung đã được chất vấn từ kỳ họp trước mà không có sự góp ý thì chẳng khác nào chỉ biết “ngồi gật”. Nhưng tại kỳ thứ 8, các vị đại biểu Quốc hội có cơ hội đánh giá lại, trao đổi trực tiếp với các thành viên Chính phủ về những lời hứa của các vị trưởng ngành trước Quốc hội, cử tri cả nước từ kỳ họp trước.
Kể từ khi Quốc hội Việt Nam tiến hành họp phiên đầu tiên ở Hà Nội năm 1946, sau 68 năm, Quốc hội đã có “ngôi nhà mới” tọa lạc trên nền thành Thăng Long xưa và Hội trường Ba Đình cũ, với biểu tượng “trời tròn đất vuông”. Cùng với tinh thần làm việc trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, “Ngôi nhà mới” cũng đã tăng thêm “sức sống” cho các chương trình nghị sự của Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc các đại biểu trực tiếp có ý kiến, trao đổi lại với các thành viên Chính phủ và các trưởng ngành về những việc đã làm được sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành; đồng thời để cử tri, đồng bào cũng thấy rõ phương thức làm việc ngày càng đổi mới của Quốc hội.
Theo ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội: “Khoảng thời gian nửa ngày trước khi bước vào chất vấn có tác dụng rất tốt, để người dân theo dõi, đánh giá lại những việc mà các vị trưởng ngành đã thực hiện, thể hiện Chính phủ có trách nhiệm, tôn trọng Quốc hội, cử tri, nhân dân về việc thực hiện lời hứa trước đây”.
“Hiệu quả của công việc này thể hiện ở kết quả đánh giá trong việc lấy phiếu tín nhiệm. Một số Bộ trưởng có phiếu tín nhiệm thấp ở lần lấy phiếu tín nhiệm trước, thì lần này đã có cố gắng và vượt lên. Ví dụ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước... Điều đó cho thấy, thông qua giám sát của Quốc hội, cử tri, bằng việc chất vấn, đối thoại, việc giải trình trước Quốc hội của các vị Bộ trưởng đã có sự chuyển biến tích cực, có trách nhiệm và cụ thể hơn. Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội được theo đuổi tới cùng những nội dung đã chất vấn từ kỳ họp trước”, ông Đinh Xuân Thảo nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Phiên chất vấn tại kỳ họp này đã thu được kết quả rất tốt, được đồng bào, cử tri cả nước đồng tình hưởng ứng và phản hồi tích cực. Năm 2015, sẽ tiếp tục thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại hai kỳ họp thứ 9 và thứ 10. Có thể dành một kỳ họp để chất vấn lại tất cả các chất vấn từ đầu kỳ họp thứ 2 tới nay”.
Đổi mới trong việc lấy phiếu tín nhiệm
Nét đổi mới thứ hai trong phiên họp thứ 8 là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Đây là lần thứ hai Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, kể từ lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Điểm nhấn của Quốc hội trong năm 2014
Theo ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội, năm 2014 là năm trọng tâm đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống, trước hết là đổi mới nhận thức, tư duy của từng đại biểu QH, các cơ quan của QH làm việc theo tinh thần Hiến pháp mới. Theo đó, đề cao chủ quyền nhân dân, vai trò làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền của mình thông qua hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Dân chủ đại diện chính là các đại biểu Quốc hội. Do vậy, Quốc hội làm việc thì phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh nguyện vọng của dân. Thể hiện trước hết là tuyên truyền, phổ biến tinh thần hiến pháp mới tới toàn dân. Thứ hai là cụ thể hóa Hiến pháp trong các đạo luật cụ thể như: Luật Doanh nghiệp, Đầu tư... sửa đổi các luật cũ, xây dựng các luật mới theo tiêu chí Hiến pháp mới.Ngoài ra, QH cũng xem xét các vấn đề quan trọng như thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước và Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015, đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị khá kỹ càng, có đề cương hướng dẫn cho những người trong diện lấy phiếu tín nhiệm chuẩn bị, gồm cả báo cáo tài sản cá nhân. Các tài liệu này được gửi tới đại biểu Quốc hội tham khảo. Văn phòng Quốc hội cũng gửi các báo cáo về thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tới các đại biểu Quốc hội. Đó là một kênh thông tin quan trọng, giúp các đại biểu đánh giá, nhìn nhận chính xác hơn.
Về việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, ông Đinh Xuân Thảo nhận xét: “Không khí lấy phiếu đã giảm bớt căng thẳng so với lần trước, việc đánh giá của đại biểu được tiến hành nghiêm túc, có trách nhiệm và khách quan. Những người làm tốt đã có phiếu tín nhiệm cao, ví dụ Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước... phản ánh đúng thực tế. Cử tri đồng tình với kết quả này”.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành khách quan, công tâm, phản ánh đúng những vấn đề của đất nước, của nền kinh tế - xã hội và những lĩnh vực mà các tư lệnh ngành phụ trách.
“Các lĩnh vực bị đánh giá thấp ở kỳ trước như: ngân hàng, giao thông... thì lần này, các đồng chí trưởng ngành, Bộ trưởng đã tích cực hoạt động, đổi mới, khắc phục nên kết quả lấy phiếu đã phản ánh đúng. Một số ngành, lĩnh vực, việc tổ chức thực hiện chưa tốt, đại biểu thấy chưa đạt yêu cầu thì kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng chưa cao”, ông Phúc nói.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu và cử tri. Trong suốt quá trình thảo luận, đã xuất hiện nhiều ý kiến đa chiều, tập trung vào việc lấy phiếu tín nhiệm mấy lần trong một nhiệm kỳ, phiếu tín nhiệm gồm hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm; hay ba mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, qua thảo luận và trao đổi, kết quả biểu quyết Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội đã được đa số đại biểu tán thành, với tỷ lệ đồng tình hơn 81%. Nghị quyết sửa đổi, bổ sung nêu rõ việc lấy phiếu tín nhiệm một lần một nhiệm kỳ, với ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Nghị quyết là cơ sở quan trọng để đánh giá cán bộ.
“Nếu Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm nhiều lần sẽ tạo áp lực, ảnh hưởng tới công việc của các Bộ trưởng, khiến họ phải tập trung để chuẩn bị cho lấy phiếu. Vì vậy chỉ nên lấy phiếu mỗi nhiệm kỳ một lần vào cuối năm thứ ba, cũng là chính thức để đánh giá các trưởng ngành đã làm được gì trong 3 năm qua. Như vậy, sẽ có đánh giá chính xác hơn về việc họ có xứng đáng làm tiếp nhiệm kỳ nữa không”, ông Thảo nói.