Hội nghị phổ biến, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho báo cáo viên pháp luật

23:56, 17/01/2015

Ngày 17/01, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị phổ biến, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho báo cáo viên pháp luật. Hội nghị có sự tham dự của đông đảo các báo cáo viên pháp luật cấp Trung ương, tỉnh, tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đến dự và chủ trì Hội nghị.

Khẳng định tầm quan trọng của Bộ luật Dân sự trong chuyên đề khai mạc “Sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự lần này nhằm thực hiện hai mục tiêu cơ bản: Xây dựng Bộ luật Dân sự thực sự trở thành luật chung, luật nền của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; Ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.

 

Để thực hiện được hai mục tiêu cơ bản nêu trên, dự thảo Bộ luật được xây dựng trên cơ sở quán triệt những quan điểm chỉ đạo cụ thể: Thứ nhất,  thể chế hóa đầy đủ các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt Hiến pháp năm 2013, khắc phục các bất cập, hạn chế trong quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành để Bộ luật Dân sự thực sự phát huy được ba vai trò cơ bản là: (1) Tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các các cá nhân, pháp nhân, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự; (2) Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (3) Là công cụ pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy sự hình thành và phát triển các thiết chế dân chủ trong xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, xây dựng Bộ luật Dân sự thành bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự; có tính khái quát, dự báo và khả thi để một mặt, bảo đảm tính ổn định của Bộ luật, mặt khác, đáp ứng được kịp thời sự phát triển thường xuyên, liên tục của các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự; cố gắng cao nhất để kéo dài tuổi thọ của Bộ luật Dân sự trong nhiều thập niên, tạo cơ sở cho việc ổn định môi trường pháp lý của đời sống nhân dân và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thứ ba, bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định còn phù hợp với thực tiễn của pháp luật dân sự, cũng như các giá trị văn hóa, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của Việt Nam; có sự tham khảo kinh nghiệm xây dựng Bộ luật Dân sự của một số nước.

 

Thứ trưởng nhấn mạnh, các báo cáo viên pháp luật, các đại biểu tham dự Hội nghị ngày hôm nay có vai trò, nhiệm vụ hết sức nặng nề, quan trọng trong việc trực tiếp thực hiện các nội dung liên quan đến hoạt động tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để có thể huy động được trí lực của toàn dân, góp phần xây dựng một Bộ luật Dân sự nền tảng vững chắc. Đánh giá cao sự tham dự đầy đủ của các báo cáo viên pháp luật Trung ương và cấp tỉnh, tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, Thứ trưởng tin tưởng rằng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ gặt hái được nhiều kết quả to lớn.

 

Các báo cáo viên pháp luật cũng được nghe phổ biến các chuyên đề tập trung vào Những nội dung cơ bản của Phần thứ nhất "Quy định chung"; Những nội dung cơ bản của Phần thứ hai "Quyền sở hữu và các vật quyền khác"; Những nội dung cơ bản của Phần thứ ba "Nghĩa vụ và hợp đồng"; Những nội dung cơ bản của Phần thứ tư "Thừa kế"; Những nội dung cơ bản của Phần thứ năm "Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài" qua đó trao đổi, thảo luận và hiểu rõ hơn các điểm mới, các quy định được đưa ra trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

 

 

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có tổng số 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương cụ thể:

 

- Phần thứ nhất “Quy định chung” (từ Điều 1 đến Điều 180): Quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, áp dụng pháp luật dân sự; xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự; địa vị pháp lý của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự; tài sản; giao dịch dân sự; đại diện; thời hạn và thời hiệu.

 

- Phần thứ hai “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” (từ Điều 181 đến Điều 303): Quy định về căn cứ xác lập và thời điểm xác lập quyền sở hữu, các vật quyền khác và hiệu lực đối kháng với người thứ ba; bảo vệ, hạn chế quyền sở hữu và các vật quyền khác; chiếm hữu, quyền sở hữu và các vật quyền khác (quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền ưu tiên).

 

- Phần thứ ba “Nghĩa vụ và hợp đồng” (từ Điều 304 đến Điều 631):  Quy định về căn cứ phát sinh; thực hiện nghĩa vụ; các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; trách nhiệm dân sự; giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng; các hợp đồng thông dụng; thực hiện công việc không có ủy quyền; nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

 

-  Phần thứ tư “Thừa kế” (từ Điều 632 đến Điều 688): Bao gồm, quy định chung về thừa kế, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, thanh toán và phân chia di sản.

 

- Phần thứ năm “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” (từ Điều 689 đến Điều 710): Bao gồm, quy định chung, pháp luật áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân, về quan hệ tài sản, nhân thân có yếu tố nước ngoài.

 

- Phần thứ sáu “Điều khoản thi hành (từ Điều 711 đến Điều 712): Quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.