Cả tỉnh hiện có 61 Bí thư Đoàn (BTĐ) cơ sở (cấp xã, phường) đã quá tuổi quy định. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt và phong trào Đoàn, cũng như công tác cán bộ, phát triển Đảng ở cơ sở.
3 bố con cùng sinh hoạt… Đoàn
Anh Hoàng Quang Điệp, 42 tuổi (sinh năm 1972), đã có gần 20 năm gắn bó với công tác Đoàn của xã Cúc Đường (Võ Nhai). Trong đó có gần 10 năm anh đảm nhiệm vai trò BTĐ. Qua nhận xét của lãnh đạo xã và các đoàn viên thì anh Điệp là một thủ lĩnh Đoàn có năng lực, nhiệt tình, có khả năng tập hợp thanh niên. Mọi hoạt động của Đoàn, nhiệm vụ cấp trên giao anh đều hoàn thành tốt. Từ ngày anh làm Bí thư, mọi hoạt động của thanh niên xã được đổi mới. Đoàn xã nhiều năm đạt trong sạch, vững mạnh và được cấp trên tuyên dương, khen thưởng.
Điều 11 Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 289-QĐ/TW ngày 8-2-2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định tiêu chuẩn cán bộ Đoàn cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) như sau: - Có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trình độ lý luận chính trị sơ cấp. - Giữ chức vụ không quá 35 tuổi. Đối với vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, đối tượng chính sách, trình độ văn hoá nói chung từ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, đã được bồi dưỡng chương trình lý luận chính trị sơ cấp. Giữ chức vụ không quá 37 tuổi.
|
Với 20 năm đó, anh Điệp có một bề dày kinh nghiệm làm công việc của Đoàn ít ai sánh kịp. Nhưng về sức trẻ, sự nhiệt tình, sôi nổi, không ngại xông pha dù là ở đâu, làm gì, nhất là đối với người thủ lĩnh Đoàn thì anh Điệp đang… vơi dần. Chính anh Điệp cũng thừa nhận là có một khoảng cách khá xa với đoàn viên, nhất là với các cháu thiếu nhi. Anh tâm sự: Mỗi lần đi dự sinh hoạt Đoàn ở các xóm tôi chả biết phải xưng hô với đoàn viên sao cho “lọt tai”, xưng “chú” thì không hợp với sinh hoạt Đoàn, xưng “anh” thì ngượng mồm bởi bố mẹ nhiều đoàn viên còn ít tuổi hơn mình. Nếu có giao lưu văn nghệ mình cũng không thể nhảy múa sôi nổi như lớp trẻ được. Hơn nữa, 2 con của mình học đại học sắp ra trường, mỗi dịp hè các cháu về, 3 bố con lại cùng sinh hoạt… Đoàn. Bấy nhiêu lý do thôi, dù có nhiệt tình đến đâu cũng không thể hòa đồng hết mình vì phong trào được.
Vậy, nguyên nhân vì sao đã quá tuổi Đoàn nhiều năm mà anh vẫn phải đảm nhiệm công việc này? Trả lời câu hỏi của tôi, anh Điệp cho biết: Trước khi tổ chức Đại hội Đoàn xã vào năm 2012, tôi đề nghị với Đảng ủy bố trí công việc khác cho tôi, nhưng lúc đó, tôi chưa hoàn thiện bằng đại học, các vị trí phù hợp khác lại không có. Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã xin ý kiến Tỉnh đoàn và làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy xã về trường hợp của tôi, và Đảng ủy xã cam kết cho tôi làm Bí thư Đoàn xã thêm nửa nhiệm kỳ tiếp theo rồi sẽ luân chuyển, nhưng đến nay sắp hết nhiệm kỳ rồi xã vẫn chưa sắp xếp được mà có lẽ phải chờ đến kỳ Đại hội Đảng vào năm 2016 hoặc đợt bầu đại biểu HĐND khóa tới.
Vậy là, việc chuyển đổi vị trí công tác của anh Điệp còn phải chờ đợi. Hơn nữa, điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố (sự tín nhiệm của cử tri khi bầu đại biểu HĐND, vị trí công tác phù hợp phải trống...). Nghĩa là, anh Điệp vẫn phải làm Bí thư Đoàn xã bất đắc dĩ ít nhất là hơn 1 năm nữa.
“Sêm sêm” tuổi với anh Điệp còn nhiều BTĐ xã khác được Tỉnh đoàn liệt vào danh sách quá tuổi. Như ở Tân Khánh (Phú Bình) có Đỗ Văn Hạ sinh năm 1971; Ma Văn Tâm (Bộc Nhiêu, Định Hóa) sinh năm 1972; Nguyễn Thị Xuyên (Vạn Phái, Phổ Yên), Dương Đình Quang (Trung Lương, Định Hóa), Đào Văn Huy (Bách Quang, Thị xã Sông Công) đều sinh năm 1974. Ngoài ra có 12 BTĐ khác sinh từ năm 1975 đến 1977. Ở cả 100% huyện, thành, thị của tỉnh đều có BTĐ quá tuổi. Các huyện: Đại Từ, Phổ Yên, Định Hóa có 9 xã (chiếm gần 50%); Thành phố Thái Nguyên và Thị xã Sông Công tuy là đô thị nhưng vẫn còn 6 phường/xã dùng BTĐ quá tuổi. Đáng ngạc nhiên là huyện vùng cao như Võ Nhai lại chỉ có 5 xã đang sử dụng BTĐ “già” tuổi.
Trong số 61 BTĐ cao tuổi này, hơn 40% có trình độ đại học, cao đẳng hoặc đang đi học để có trình độ này; hơn 30% trung cấp, số còn lại không có trình độ gì (theo khảo sát của Tỉnh đoàn Thái Nguyên). Ngoài chức danh BTĐ, họ tham gia nhiều chức danh, nhiều ban chỉ đạo, thu nhập gồm lương và phụ cấp từ 2 triệu đến 4 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết họ “ngồi ghế” Phó Bí thư hoặc BTĐ vài nhiệm kỳ, thậm chí có người “giữ ghế” mấy chục năm.
“Nắm quyền” quá lâu sẽ ảnh hưởng đến phong trào
Năm 2011, anh Bùi Văn Lượng được đảm nhận vai trò thủ lĩnh Đoàn xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) khi đã ở tuổi 34, cận kề tuổi trưởng thành Đoàn. Lý do là người tiền nhiệm, anh Lê Thành An không được luân chuyển công tác đúng thời hạn. Anh An sinh năm 1966, làm BTĐ xã Hóa Thượng từ năm 1997 cho đến năm 2011. Nghĩa là mãi 45 tuổi, anh An mới được chuyển vị trí công tác. Ngày ấy, chính anh An cũng cảm thấy đó là một sự bất cập. Nhưng ngặt một nỗi, suốt gần chục năm (từ lúc anh hết tuổi Đoàn) xã không có vị trí nào phù hợp để sắp xếp cho anh luân chuyển. Vậy nên, anh đành làm thủ lĩnh Đoàn cho tới năm 2011, sau khi anh trúng cử đại biểu HĐND và giữ chức Phó Chủ tịch HĐND xã từ đó. Cũng từ đây, anh Lượng mới có cơ hội để phát triển sau 7 năm làm Phó Bí thư Đoàn. Thế nhưng, tiếp nhận cương vị được 1 năm thì cũng là lúc tuổi trẻ sôi nổi (tuổi Đoàn) của anh cũng đã đi qua. Nếu như Đảng ủy xã không có định hướng, quan tâm thì rất có thể anh Lượng có thể lại rơi vào tình cảnh giống anh An.
Đem lo lắng này trao đổi với đồng chí Đặng Quang Ngọc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hóa Thượng, thì được anh thông tin: Anh Lượng đã Đảng ủy đưa vào danh sách quy hoạch nhân sự xã nhiệm kỳ 2015-2020. Tuy nhiên, việc anh được chuyển sang công tác ở vị trí nào thì còn phụ thuộc vào sự tín nhiệm của cử tri. Nếu không, đến hết nhiệm kỳ đại hội Đoàn (2017), Đảng ủy phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để chuyển anh sang vị trí khác.
Việc BTĐ “giữ ghế” lâu không chỉ ảnh hưởng đến phong trào Đoàn, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và sự tiến bộ của các đoàn viên khác, nhất là cấp những người đảm nhiệm chức Phó BTĐ. Ngoài trường hợp của anh Lượng (xã Hóa Thượng) còn có thể kể đến một số trường hợp khác như: Nguyễn Văn Giang, BTĐ xã Nhã Lộng (Phú Bình). Anh Giang trước khi lên làm BTĐ (năm 2013) cũng có tới 10 năm làm Phó BTĐ. Anh Hoàng Minh Nghĩa cũng đã có nhiều năm làm “phó” cho anh Điệp và ngày nào anh Điệp còn chưa “trưởng thành Đoàn” thì anh Nghĩa vẫn phải “ngồi yên vị trí”. Tình trạng này gần như phổ biến ở những địa phương có BTĐ cấp xã quá tuổi vì “giữ ghế” quá lâu.
Khách quan mà nói, dù thế nào, chỉ riêng chuyện chệnh lệch tuổi tác giữa Bí thư Đoàn với đoàn viên, thiếu niên sẽ tạo khoảng cách thế hệ, làm hạn chế việc tham gia các hoạt động. Điều này ảnh hưởng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại cơ sở.
Đại hội Đảng bộ các cấp đang đến gần, việc bố trí, sắp xếp cán bộ là một trong những việc quan trọng của mỗi cấp ủy. Bên cạnh việc “nhìn xa trông rộng” của người làm tổ chức cán bộ, bản thân mỗi BTĐ cũng phải tự học tập vươn lên để có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, có thể bố trí vào vị trí khác.