Ngày 15-1, tại thủ đô Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2015 theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu ở các địa phương.
Điểm cầu Hà Nội do các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Tham gia Hội nghị còn có các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành TW Đảng, như: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bí thư BCHTW Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành TW và các cơ quan liên quan của thủ đô Hà Nội. Điểm cầu Thái Nguyên có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành, cán bộ phòng tư pháp, Chi cục THAD sự 9 huyện, thành, thị.
Qua báo cáo của lãnh đạo Bộ Tư pháp cho thấy, trong năm 2014, các mặt công tác chuyên môn của ngành Tư pháp từ Trung ương đến địa phương đều được triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Các chỉ tiêu đều được Ngành thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Năm 2014, ngành Tư pháp cả nước đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc triển khai thi hành Hiến pháp mới; tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân; thúc đẩy công tác hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ; giúp Chính phủ thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp của các dự thảo luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hệ thống các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng được xã hội hóa, phát triển mạnh về quy mô, chất lượng hoạt động, đáp ứng ngày càng hiệu quả nhu cầu của xã hội. Việc thí điểm chế định thừa phát lại theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội đạt được những kết quả khích lệ. Quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, xử lý vi phạm hành chính được triển khai đồng bộ với quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính. Công tác trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, thi hành án dân sự, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ tư pháp, pháp luật và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành được triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Tư pháp. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong năm 2015, ngành Tư pháp cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, như: Tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc triển khai thi hành Hiến pháp mới; rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản cho phù hợp với Hiến pháp.
Huy động trí tuệ của toàn Ngành góp phần nâng cao chất lượng hoàn thiện thể chế, tham gia sâu và hiệu quả vào việc hoàn thiện các dự án luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; gắn kết công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật với việc tổ chức thi hành pháp luật. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản pháp luật; chú trọng tính dự báo của các chính sách, đảm bảo tính khả thi phù hợp với thực tiễn cuộc sống trong việc ban hành văn bản để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch trong quản lý nhà nước và thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tích cực chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thi hành kịp thời, hiệu quả các luật được Quốc hội thông qua, đặc biệt là các luật liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân: Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật bảo hiểm xã hội, Luật hôn nhân và gia đình, Luật công chứng, Luật hộ tịch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó lưu ý tới các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động tư pháp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công nhanh gọn, thuận tiện cho người dân; nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia của ngành Tư pháp trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước quốc tế cũng như quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế; kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan tư pháp, pháp chế các ngành, các cấp; cần nhận thức sâu sắc trong toàn ngành về vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ, tăng cường chất lượng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ tư pháp và pháp luật, nhất là cán bộ tư pháp cho cơ sở; xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, từng bước hiện đại…