“Thực túc binh cường” ở đảo Đá Lớn

16:58, 11/01/2015

Đảo Đá Lớn là một trong những đảo chìm (có nền san hô ngập trong nước biển khi thuỷ triều lên) thuộc huyện đảo Trường Sa.

Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn chủ động khắc phục khó khăn, tăng gia sản xuất nâng cao đời sống, vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Trong hải trình đi thăm chúc Tết Nguyên đán Ất Mùi các đảo, điểm đảo thuộc Huyện đảo Trường Sa, Đoàn công tác đã lần lượt dừng chân tại cả 3 điểm đảo Đá Lớn A, B, C từ chiều 8 đến 10-1. Thời gian lưu lại đảo không lâu nhưng cũng đủ để chúng tôi cảm nhận được tinh thần vượt khó, quyết tâm bảo vệ biển đảo của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam.

 

Mặc dù đã tìm hiểu trước, tôi vẫn bất ngờ về diện tích khiêm tốn, chỉ tính bằng… bước chân của điểm đảo Đá Lớn C. Nhưng điều tôi bất ngờ hơn lại là câu nói của Thượng uý Trần Văn Lãm, Chỉ huy trưởng điểm đảo: “Đơn vị chúng tôi cơ bản tự bảo đảm rau xanh và một phần thịt tươi sống. Trung bình mỗi năm, đơn vị sản xuất được 570kg rau xanh, gần 300kg thịt chó và đánh bắt được 270kg cá tươi nên bữa ăn nào của chiến sĩ trên đảo cũng có rau xanh”. Nhìn bốn bề xung quanh là nước biển, gió biển thổi ào ạt mặn chát, thiếu nước ngọt, tôi liền hỏi ngay anh Lãm cách nào để chủ động rau xanh trong điều kiện khắc nhiệt như vậy? “Đó là tâm huyết và cố gắng của tất cả chiến sĩ trên đảo” – Thượng uý Trần Văn Lãm chia sẻ .

 

Đưa chúng tôi đi thăm 2 vườn rau của điểm đảo. Anh Lãm cho biết thêm: “Sau khi có đất, phân bón và giống rau được đưa ra từ đất liền, chúng tôi trồng rau trong các chậu, bình, hộp xốp được che chắn cẩn thận. Điểm đảo sử dụng nước mưa, nguồn nước khan hiếm nên anh em phải tận dụng nước sau khi đã sinh hoạt để tưới rau. Hằng ngày, các chiến sĩ trên đảo thay phiên nhau nhổ cỏ, bắt sâu. Trồng rau ở đảo phải lựa để dùng nhà chắn gió biển theo mùa, mỗi khi trời nổi giông bão là anh em lại đội gió bão ra che chắn cho rau khỏi bị nước biển tạt vào vì chỉ một chút nước biển là rau sẽ bị táp lá, vài ngày sau thì chết”.

 

Tủ sách điểm đảo Đá Lớn A.

 

Cũng như Đá Lớn C, tới 2 điểm đảo Đá Lớn A, B, tôi đều thấy màu xanh mát mắt của rau ở hành lang, sân hay một góc nhỏ trống trải. Bên cạnh vườn rau, đàn chó đông vài chục con ở mỗi điểm đảo cũng khiến không gian đảo trở nên sôi động. Trung uý Hoàng Phú Mạnh, anh nuôi của điểm đảo Đá Lớn B cho biết: “Ngoài nuôi chó, chiến sĩ trên điểm đảo thường xuyên tổ chức đánh bắt cá trên rạn san hô để cải thiện bữa ăn. Có bữa gặp may, đơn vị đánh lưới được đàn cá nặng đến vài chục kilogam, đủ ăn trong mấy ngày”.

 

Không chỉ tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn, cán bộ chiến sĩ trên đảo luôn tích cực rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao thể lực. Trung sĩ Lê Văn Trường, công tác tại điểm đảo Đá Lớn A chia sẻ: “Cuối ngày, anh em trong đơn vị thường tận dụng không gian chơi bóng đá, bóng chuyền, kéo co, vật tay, bơi lội để tăng cường sức khoẻ”. Còn cán bộ, chiến sĩ tại điểm đảo Đá Lớn B lại may mắn hơn khi mới được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể thao. Thượng uý Nguyễn Minh Phương, Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Lớn B tâm sự: “Đầu năm 2014, đơn vị đã đưa vào sử dụng nhà văn hoá với một số trang thiết bị hiện đại để tập thể hình và chơi bóng bàn. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng duy trì tốt việc tập thể dục hằng ngày”. Ngoài ra, được sự quan tâm đầu tư, đời sống văn hoá, tinh thần của cán bộ chiến sĩ đã đầy đủ hơn. Cả 3 điểm đảo đã có hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời, các thiết bị nghe nhìn đầy đủ. Trung tá Nguyễn Hữu Hoà, Chính trị viên điểm đảo Đá Lớn B cho biết: Đơn vị có nhiều tủ sách với trên 1.000 đầu sách nên cơ bản bảo đảm nhu cầu đọc sách, nâng cao kiến thức của anh em.

 

Thượng tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng Quân sự Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: Những năm qua, tỉnh Khánh Hoà và nhiều tổ chức đã hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa đất, giống, phân vi sinh, chậu bằng vật liệu composite, con giống gia súc, gia cầm cùng nhiều thiết bị văn hoá, thể thao thiết yếu. Đồng thời, nhiều tổ chức, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc cũng gửi quà, thư hoặc tới tận nơi thăm hỏi, động viên. Sự quan tâm này giúp cán bộ, chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ nhà, yên tâm công tác.

 

“Đảo là nhà, biển cả là quê hương” là phương châm sống, làm việc của cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa nói chung và đảo Đá Lớn nói riêng. Với tình yêu biển đảo như máu thịt, bộ đội đảo Đá Lớn luôn chủ động khắc phục khó khăn, tích cực tăng gia, rèn luyện sức khoẻ, bảo đảm sức khoẻ, an tâm công tác, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.