Chiến tranh đã khép lại, người hai bờ chiến tuyến buông súng, bắt tay nhau cùng thực hiện ước nguyện hòa bình. Nhưng còn nỗi đau của biết bao phụ nữ - theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ tiễn chồng, con lên đường, và người thân của họ đã mãi mãi không có ngày về. Những phụ nữ ấy phải mỏi mòn đợi chờ nhưng không hóa vọng phu, mà trong đùm bọc yêu thương của một dân tộc có truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bao trái tim yếu mềm trở lên ngọc sáng - đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Chiến tranh đã khép lại, bao đoàn quân phấp phới cờ, sao trở về trong tư thế của người chiến thắng. Trong giờ khắc hân hoan mừng đất nước thống nhất, mẹ Đặng Thị Thái, ở xóm Hái Hoa 2, Phấn Mễ, Phú Lương cũng như hàng vạn người mẹ của một đất nước từng chịu nhiều đau thương của đạn bom, nụ cười chợt héo đi, bởi trong hàng quân mẹ không gặp được khuôn mặt quen thân ruột thịt. Các con của mẹ đã đi về miền thiên thu, thịt da hòa vào đất nước. Tờ giấy báo tử mẹ nhận được, ngoài dòng tên, tuổi, địa chỉ là vỏn vẹn dòng chữ: “Hy sinh tại mặt trận phía Nam”.
Mẹ Thái bảo: Vì hòa bình của đất nước, tránh sao khỏi hy sinh, mất mát… Vâng! Chiến tranh, người đôi bờ chiến tuyến buộc phải lấy bom đạn ra để thể hiện sức mạnh. Nhưng ở Việt Nam, sức mạnh là ở tinh thần yêu nước tự mỗi con người. Hơn thế, sức mạnh làm nên chiến thắng của người Cộng sản được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa mẹ. Năm 2013, khi các con, cháu của mẹ Lâm Thị Tư, 94 tuổi, xóm Đồng Bẩm (Đồng Bẩm, T.P Thái Nguyên) tìm được hài cốt của con trai mẹ từ một vùng rừng núi Tây Ninh về. Khi Đảng ủy, chính quyền và nhân dân địa phương long trọng tổ chức Lễ truy điệu cho liệt sĩ, mẹ Tư chống gậy đến bên linh cữu - di hài của con trai được phủ cờ Tổ quốc, mẹ bảo: Cứ là bộ đội thì là con của mẹ rồi”.
Mẹ Tư không khóc. Bởi không biết đã bao nhiêu buổi chiều mẹ chống gậy ra đầu ngõ, đứng bên giếng làng Đồng Bẩm đợi con. Tôi đã đứng ở một góc khuất của Lễ truy điệu con trai mẹ, nén kìm giọt nước mắt xúc động trào dâng. Có lẽ với mẹ và bao người mẹ của một đất nước mang nặng bom đạn chiến tranh, phải chịu nhiều đau thương, mất mát khiến nỗi đau chai sạn lại, và sáng như ngọc giữa lòng biển bao la. Hàng triệu người con của đất nước Việt Nam đã đi vào sử xanh để làm nên “Một Điện Biên chấn động địa cầu” 1954, và làm nên một mùa Xuân thống nhất đất nước năm 1975. Đóng góp máu xương dựng xây nên tượng đài chiến thắng của Tổ quốc, nơi vùng đất thép Thái Nguyên đã có hàng vạn người con lên đường, và hàng nghìn người đã: “Yên nghỉ nấm mồ xanh” (thơ Konstantin Simonov Nga), hàng nghìn người gửi lại nơi chiến trường một phần thân thể. Có những người lính ngày trở về, phải suốt đời chung sống với nỗi đau của chiến tranh, đó là thứ chất độc hóa học do Mỹ trải xuống chiến trường miền Nam.
Trong những chuyến đi tri ân người có công với đất nước vào dịp lễ, Tết cổ truyền, tôi đã nhiều lần nghe câu nói: Mẹ không muốn làm Anh hùng, nhưng vì non sông, đất nước, mẹ hiến dâng tất cả những gì mẹ có cho Tổ quốc. Mỗi lần như thế, tôi cúi đầu, lắng nghe, cảm động và chỉ biết nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo của mẹ. Là người Việt Nam, có ai cầm được nước mắt khi nghe một người mẹ già kể chuyện đã lần lượt tiễn các con lên đường vào nơi hòn tên, mũi đạn, để phía sau lưng là làng quê yên bình. Hôm đầu tháng 11-2014, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lên xóm Khuấn Hấu (Trung Lương, Định Hóa) thăm mẹ Nguyễn Thị Tý, 92 tuổi. Nghe chuyện mẹ Tý có 2 con trai và 1 con rể là liệt sĩ, đồng chí Tỏ nghẹn lòng: “Mẹ ơi! Vinh quang này thuộc về các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tổ quốc Việt Nam, quê hương Thái Nguyên mãi mãi tự hào về các mẹ”… Mọi người có mặt lặng đi, nén giấu dòng xúc cảm. Sau ngày giải phóng miền Nam, mẹ Tý đã nhận được 3 tờ giấy báo tử trong cùng 1 ngày, cùng một khắc giây. Mẹ chết lặng nhưng đã kìm lòng, giấu giọt nước mắt vào đáy của con tim, để những người thân của mình không quỵ ngã.
Dưới trời mưa lất phất, đường về nhà mẹ Nguyễn Thị Tập, xóm Quyên (Bảo Lý, Phú Bình) đầy nước, đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh không ô mũ, dù che, cứ phăm phăm sải bước. Tôi hiểu, đồng chí Thuần và các đồng chí lãnh đạo của tỉnh đều có chung tâm trạng muốn về ngay bên các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bởi các mẹ đang ở tuổi “chuối chín cây”. Nhớ lại hôm đầu Xuân, đến thăm nhà mẹ Thái (Phấn Mễ, Phú Lương), ông Phạm Văn Định, con trai của cụ đã nói trong ầng ậc nước mắt: Mẹ yếu lắm rồi. Chị Hà Thị Hường, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Lương bùi ngùi: Mẹ Thái đã về cõi Phật, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến thắp hương, làm Lễ truy tặng danh hiệu vinh danh Mẹ Việt Nam Anh hùng cho mẹ.
Tôi trấn tĩnh đọc một lượt danh sách các mẹ Việt Nam Anh hùng, vì sức yếu đã không lên T.P Thái Nguyên nhận danh hiệu vinh danh Mẹ Việt Nam Anh hùng được Tỉnh ủy, HĐND, UBND long trọng tổ chức vào cuối tháng Mười, nên các đồng chí lãnh đạo của tỉnh đã cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị chức năng, về tận nhà trao cho những mẹ còn sống và chưa nhận được vinh danh. Năm nay, mẹ Tập 102 tuổi; mẹ Dương Thị Suốt, tổ dân phố Úc Sơn (Hương Sơn, Phú Bình) 102 tuổi; mẹ Ngô Thị Tựu, xóm Ngoài (Xuân Phương, Phú Bình) 96 tuổi. Và dù không ai nói ra cái sự chẳng lành, nhưng các đồng chí lãnh đạo của tỉnh đều tất tả, sải dài từng bước chân, mong được về sớm bên mẹ. Ngắm khuôn mặt hằn đầy vết thời gian và chất chứa bao niềm đau mất mát của cuộc đời mẹ Ngô Thị Tựu, thật ít ai biết cuộc đời của mẹ lại trải nhiều đau thương mất mát. Chồng của mẹ là liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp; con trai của mẹ là liệt sĩ thời kháng chiến chống Mỹ...
Cũng những ngày đầu tháng 11, chúng tôi theo đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn về làm Lễ trao tặng vinh danh Mẹ Việt Nam Anh hùng cho các mẹ ở huyện Phổ Yên. Được chứng kiến giây khắc long trọng, thiêng liêng, tôi đã nén dòng cảm xúc khi nghe lời thăm hỏi ân cần của một đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh dành cho các mẹ: Chu Thị Đỉnh, 95 tuổi, thôn Thù Lâm (Tiên Phong, Phổ Yên); Lê Thị Gừng, 98 tuổi, xóm Bãi Chẩu (Vạn Phái, Phổ Yên), cử chỉ gần gũi, thân thiết, mến yêu như đứa con xưa của mẹ trở về.
Vâng! Vì tiếng gọi hòa bình, dân tộc Việt Nam cũng như nhân loại khắp năm châu đã phải đổ rất nhiều xương, máu. Và những người mẹ trên khắp thế giới từng hiến dâng con trai cho hòa bình, đều phải giấu sự yếu mềm trong trái tim hồng chất chứa đau đớn. Để rồi, những đau đớn riêng hóa nên bất tử, cho cả một dân tộc đi vào sử xanh. Trong nghĩa trang Liệt sĩ T.P Thái Nguyên, tôi lặng lẽ thắp nhang lên từng mộ chí, lòng tự thầm: Các anh về miền bất tử ở tuổi đôi mươi, thiên thu ngon giấc, vì… “Mẹ đã có những đứa con/ Mẹ đã có cả nước non/ Mẹ Việt Nam Anh hùng”.