"Bác Hồ đến thăm lớp học và nói với tôi: Chú là người miền nam, phải học thật tốt, chiến đấu thật giỏi, sau này hòa bình thống nhất đất nước, chú lái máy bay đưa Bác về thăm đồng bào miền nam.
Lời Bác là động lực để tôi phấn đấu học tập, chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao", Anh hùng Không quân Nguyễn Văn Bảy xúc động nhớ lại lời dặn của Bác khi ông còn là học viên lớp huấn luyện máy bay chiến đấu.
Trước mặt tôi là một ông lão 80 tuổi, dáng người quắc thước, râu tóc bạc phơ, giọng nói sang sảng, nghiêm nghị mà vui tính. Ông là Nguyễn Văn Bảy, sinh năm 1936, tại xã Hòa Thành, huyện Lai Vung (Sa Ðéc), nay là Ðồng Tháp. Sau một năm tham gia hoạt động cách mạng tại quê nhà, chàng thanh niên xứ sở quýt hồng tập kết ra miền bắc, năm 1954. Sau đó, ông được chọn tham gia lớp huấn luyện phi công tại Liên Xô (trước đây), chuẩn bị lực lượng cho Không quân tiêm kích của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ðôi mắt ông chợt sáng lên, vẫn cái giọng sang sảng Nam Bộ, bao nhiêu ký ức ùa về.
Năm 1965, hoàn thành khóa đào tạo, Nguyễn Văn Bảy dẫn đầu đội bay về nước, đáp xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Từ khi đó, ông cùng đồng đội tham chiến trên các mặt trận không đối không, gìn giữ bầu trời thiêng liêng của Tổ quốc. Trước khi xuất kích trận đầu tiên, Bác Hồ một lần nữa đến thăm đơn vị, động viên: Ta đánh địch dưới tàu, dưới sông, trên bộ đều thắng lớn. Các chú ra quân phải đánh thắng ngay trận đầu để có thêm khí thế.
Lực lượng không quân của ta thời bấy giờ còn mới mẻ, non yếu, chỉ có 32 máy bay với 35 phi công. Trong khi đế quốc Mỹ có đến ba tàu sân bay mẫu hạm, mỗi tàu chở 60 máy bay chiến đấu. Phi công Việt Nam thì chỉ có kinh nghiệm khoảng 300 giờ bay, trong khi phi công Mỹ là 7.000 giờ bay kinh nghiệm. Trong khi máy bay của ta (Mig 17) tốc độ cao nhất là 1.100 km/giờ, còn máy bay Mỹ là loại siêu âm, tốc độ đến 1.500 km/giờ. "So sánh về trang bị là như vậy đó, nhưng mình hơn địch nhiều thứ chứ, nhất là tinh thần chiến đấu và sự khôn ngoan, khéo léo", bằng cái giọng đặc sệt Nam Bộ, ông Bảy nói. Rồi người lính già bộc bạch: "Ðời phi công tiêm kích rất biến động. Ðang ngồi đó, nhưng có báo động, là sẵn sàng vào vị trí chiến đấu. Có khi chỉ mấy phút sau, có người đã hy sinh. Tháng 4 năm 1966, tui cưới vợ. Ðược một tuần là vô ca trực, kiểm tra máy bay xong, về nhà chưa kịp thay quân phục đã nhận lệnh, thế là ngay lập tức cùng đồng đội tham chiến. Chỉ trong 45 giây, tui bắn rơi một máy bay, đồng đội bắn rơi một chiếc nữa là rút về liền. Tháng tư năm đó, tui tiêu diệt ba máy bay Mỹ, được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Không quân vào năm 1967".
Những ngày cuối năm 2014, trên quê hương Ðồng Tháp rộn ràng cờ đỏ sao vàng chào đón những anh, chị, cô, chú là Bộ đội Cụ Hồ ở miền nam sau 60 năm tập kết ra bắc về họp mặt. Ngay chính nơi này, Cao Lãnh, năm ấy - 1954, những người con của miền nam Anh hùng đã xuống tàu đi suốt hành trình trăm ngày ra với Thủ đô Hà Nội, trong đó có chàng thanh niên Nguyễn Văn Bảy, mới tròn 17 tuổi. Ðã 60 năm, những đồng chí, đồng đội năm xưa gặp lại nhau với mái tóc đã bạc phơ, gương mặt đầy nếp nhăn của thời gian mà niềm kiêu hãnh, tự hào, hạnh phúc vẫn dâng trào. Tôi nhớ mãi những chia sẻ thật xúc động của Ðại tá, Anh hùng Không quân Nguyễn Văn Bảy: "Tui tham gia tổng cộng 13 trận không chiến, tiêu diệt bảy máy bay Mỹ. Mỗi trận chỉ kéo dài chừng năm phút. Mình phải biết tận dụng ánh sáng mặt trời, lợi dụng những đám mây để ẩn nấp, tìm cơ hội tiêu diệt mục tiêu. Có trận máy bay bị trúng đạn, tui phải bay cấp tốc từ Lạng Sơn về hạ cánh ở Nội Bài. Ðó là nói về những trận không chiến với không lực Hoa Kỳ. Còn trong cuộc đời tui, thì kỷ niệm không bao giờ phai và xúc động nhất là được chọn là một trong những người túc trực bên linh cữu của Bác Hồ, những ngày đầu Người về cõi vĩnh hằng". Người lính già nói tiếp: "Cuộc đời tui có duyên với con số 7, là con thứ 7 trong gia đình, tên Bảy; tham gia cách mạng, tập kết ra bắc năm 17 tuổi; học bổ túc văn hóa "siêu tốc" bảy lớp liên tục trong thời gian rất ngắn để đạt trình độ tham gia lớp huấn luyện đào tạo phi công; tiêu diệt bảy máy bay Mỹ; được phong Anh hùng Không quân năm 1967. Năm đó, bà nhà tui sanh con trai đầu lòng, tui đặt tên Hùng để kỷ niệm".
Bây giờ, tuy đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Bảy vẫn tận tâm với quê hương. Ông đi vận động đồng chí, đồng đội, bạn bè cũ đóng góp tiền của, hiện vật để làm con đường dài hơn 2 km và kéo điện lưới quốc gia về quê, trị giá hàng trăm triệu đồng. Nay con đường đã đi lại dễ dàng hơn tuy mới chỉ rải đá. Ông Bảy tâm sự: "Tui già rồi, biết sống được bao lâu nữa, cho nên còn sức thì ráng làm thêm nhiều việc có ích và lấy đó làm niềm vui cho tuổi già".