Nhật ký Trường Sa của già làng Tây Nguyên

11:42, 15/02/2015

Trên hải trình mười ngày đến với biển, đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, họ cùng nhau kể chuyện về buôn làng, về những đổi thay trên những cung đường đất đỏ ba-dan trù phú Tây Nguyên, những dự tính khi trở về với bà con buôn làng...

Trong những trang nhật ký của già làng Tây Nguyên trên hải trình mơ ước ấy, đầy ắp kỷ niệm thân thương, gần gũi và sự cảm phục.

 

Ðã mấy tháng rồi, từ ngày những người con của núi rừng Lâm Ðồng trở về từ quần đảo Trường Sa cùng đoàn già làng Tây Nguyên, nhưng khi nhắc đến vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ký ức như hiện về trên khuôn mặt già làng Krajan Blôm, ở Bon Ðơng 2, huyện Lạc Dương (Lâm Ðồng). Bồi hồi, xúc động, ông bảo: "Ðó là chuyến đi ý nghĩa nhất của đời mình. Những hình ảnh về biển đảo, về những chú lính hải quân, người dân trên đảo thân yêu, những người ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc... Ðẹp lắm. Ðồng bào mình sẽ nhớ mãi".

 

Ðêm cuối đông. Sương giăng bảng lảng phía chân núi Lang Biang huyền thoại. Tiếng chiêng cồng quấn quyện ngọn lửa thiêng, sưởi ấm từng khuôn mặt già, trẻ ở Bon Ðơng 2. Cil Rilin bẽn lẽn lật cuốn nhật ký Trường Sa của già Blôm đọc cho bà con nghe: "Khoảng 8 giờ, trung tuần tháng 5-2014, hơn 80 già làng Tây Nguyên được đến với Trường Sa. Cảm xúc trào dâng khi con tàu HQ-571 kéo còi, từ từ tách bến, tạm biệt đất liền. Những cánh tay vẫy chào và những giọt nước mắt lăn dài trên má...".

 

Trên hải trình hơn hai ngày đêm đến với Trường Sa, những người con dân tộc Cơ Ho, Churu, Mạ, Ê Ðê, M'Nông... đã được sống cùng nhau. Những câu chuyện về buôn làng, về những ngày hội mùa Tây Nguyên, về những đổi thay trên những nếp nhà khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới... át tiếng sóng vỗ phía thân tàu.

 

"Bảy giờ sáng, đoàn dự lễ chào cờ, duyệt binh; sau đó đi thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tại Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, thắp hương tại bàn thờ Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ở chùa Trường Sa, thăm các gia đình người dân và trò chuyện với chiến sĩ trên đảo...". Già Blôm vỗ vai tôi: "Xem ti-vi, đọc báo nhiều rồi, nhưng ra đây mới tận mắt chứng kiến sự kỳ diệu của những người con đất Việt, đang ngày đêm kiên cường bám biển. Ðược sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và sự ủng hộ của nhân dân cả nước, đời sống của người dân và bộ đội trên đảo đã đổi thay đáng kể. Họ đã có điện, nước ngọt, rau xanh để dùng hằng ngày... Các già làng vui lắm".

 

Nam Tây Nguyên mùa nắng lạnh ngọt lành. Sắc xuân đang phà xuống những nếp nhà ở buôn K'Ming, thị trấn Di Linh (Lâm Ðồng). Khá lâu rồi, già làng K'Sen mới có dịp lật lại cuốn nhật ký Trường Sa, bởi trong những lần kể chuyện về biển, đảo với bà con buôn làng, ông kể bằng những hình ảnh đã "găm" vào ký ức. "Xúc động và tự hào lắm. Nhất là khi đặt bước chân đầu tiên lên đảo" - Già làng K'Sen thổ lộ.

 

K'Ming tự hào với tên gọi "buôn cử nhân". Cả buôn có gần 400 hộ đồng bào Cơ Ho quần tụ sinh sống, nhưng có hơn 80 cử nhân, thạc sĩ; đất đai màu mỡ, những đồi cà-phê trải dài, ôm lấy những cung đường nông thôn mới. Già làng K'Sen đang xuôi dòng ký ức Trường Sa, tôi tranh thủ lật nhanh cuốn nhật ký. Ngoài sân, những chồi non biêng biếc đang "bật" mầm đón xuân. "Ðêm ở Trường Sa Lớn thật đặc biệt. Các chú lính đảo trạc tuổi K'Tịp, Mila, K'Tài... làng mình, họ thật giỏi. Ngoài vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió bảo vệ biển trời Tổ quốc, họ cùng với nhân dân xây dựng nên mầu xanh trù phú trên đảo. Xa xa, đã nghe tiếng trẻ em học vần...".

 

Chiều buông. Những nếp nhà ở làng cách mạng Kô Ya, Lâm Hà (Lâm Ðồng) nhòa khói lam chiều. Già làng K'Ðiếu đang cùng con cháu sửa soạn đón xuân mới. Cuốn nhật ký Trường Sa được già cất giữ cẩn thận như báu vật. Những dòng đầu tiên chồng chềnh như con sóng, được già viết vội trên tàu. "Ðêm..., không sao ngủ được, chỉ mong trời sáng để đến Trường Sa. Trong đoàn có khoảng 80 già làng, người có uy tín tiêu biểu của năm tỉnh Tây Nguyên, ai cũng háo hức, bởi phần lớn họ được đến với Trường Sa lần đầu".

 

"Ðây là chuyến đi ý nghĩa nhất của đời mình" - Già K'Ðiếu nói. Gác lại chuyện núi rừng, nương rẫy, với hải trình 10 ngày thăm Trường Sa, ông và những già làng trong đoàn thấu hiểu hơn về biên giới, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. "Chiều 18-5, thăm đảo Trường Sa Ðông. Biển đảo Tổ quốc đẹp biết dường nào. Quân và dân trên đảo thật giỏi, từ những bao đất mang ra từ đất liền, giờ đây đảo đá san hô ngày nào đã hóa thành đảo xanh. Ðất đai không màu mỡ như Tây Nguyên, nhưng đơn vị nào trên đảo cũng có vườn rau xanh ngát... và những khuôn mặt đầy tự tin, cái bụng già làng mình vui lắm".

 

Già K'Ðiếu khoe những tấm ảnh để đời trên biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Còn trong nhật ký, hình ảnh ấy được ông diễn tả kỹ càng để kể với buôn làng, với con cháu. "Trên cột mốc chủ quyền biển, đảo của ta tại các đảo, lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trong gió. Chú lính trẻ bồng súng nghiêm trang, vững chãi giữa trùng khơi để bảo vệ chủ quyền đất nước".

 

Tiếng học vần của con em cất lên giữa trùng khơi sóng vỗ, đã làm thổn thức biết bao trái tim của những người con phía núi. Ðó là những mầm xanh giữa Trường Sa thân yêu. Rồi thế hệ tiếp nối thế hệ, sẵn sàng bám biển, bám đảo để bảo vệ chủ quyền.

 

Trên hải trình ý nghĩa ấy, khi đặt chân trên các đảo thiêng liêng của Tổ quốc, các già làng Tây Nguyên đều tỉ mẩn quan sát và ghi lại những điều tự nhiên của cuộc sống hằng ngày trên đảo. Mỗi điểm đến là một câu chuyện thiêng liêng, cảm động về biển, đảo quê hương; về quân và dân đang ngày đêm chắc tay súng, bảo vệ bình yên vùng trời, vùng biển của Tổ quốc... Ðể khi trở về buôn làng, Trường Sa mãi thổn thức giữa đại ngàn.