Từ nhiều đời nay, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, sóng to, gió lớn, đặc biệt là các thế lực ngoại xâm, nhưng ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường vươn khơi bám biển. Họ chính là những “cột mốc sống”, khẳng định chủ quyền của đất nước trên biển, khẳng định quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.
Chẳng biết từ lúc nào, cái vị mặn của biển đã ăn sâu vào máu, thịt của “nữ tướng biển cả”, bà Huỳnh Thị Như Hoa, trú tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê (Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNA 90152 TS.
Mặc dù, tàu ĐNA 90152 TS (tàu cũ công suất 450 CV) đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 26/5/2014, nhưng điều đó không làm bà Hoa nhụt chí. Ngược lại càng khiến bà quyết tâm hơn để đóng tàu mới, với công suất gần 1.000 CV, để vươn khơi bám biển, đánh bắt thủy, hải sản, phát triển kinh tế gia đình và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bà Hoa cho biết: “Tàu mới mang số hiệu ĐNA 90657 TS, được đóng mới bằng số tiền quyên góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Ngày 21/1/2015, sau hơn 4 tháng tiến hành đóng mới với giá trị 7,5 tỷ đồng, gia đình quyết định hạ thủy, tiến ra biển để chứng minh quyết tâm đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng”.
Tàu ĐNA 90657 TS đã được hạ thủy tại bến Âu thuyền Thọ Quang (phường Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng), có 4 khoang chứa được hơn 40 tấn cá, có thể bảo quản trong 1 tháng. Thân tàu được làm bằng gỗ sến, có thể chịu được va đập mức độ lớn. 10 ngư dân đã từng bám trụ trên con tàu cũ đã bị đâm chìm sẽ đi chuyến đánh bắt đầu tiên, do ông Trần Văn Vốn (chồng bà Hoa) làm thuyền trưởng.
Theo anh Hồ Ngọc Pháp, đã hơn 6 tháng trôi qua, con tàu ĐNA 90152 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào chiều ngày 26/5/2014 tại vùng biển Hoàng Sa đã gây thiệt hại rất lớn về tài sản, bản thân anh và các ngư dân trên tàu đã thoát chết trong gang tấc, nhưng khi tàu mới được hạ thủy, anh sẽ lại tiếp tục đi biển.
“Tôi cùng các thủy thủ đoàn đợi chờ giây phút hạ thủy con tàu này đã lâu. Chúng tôi quyết tâm ra khơi để bám biển, khai thác hải sản, đồng thời cũng là bảo vệ chủ quyền”, ngư dân Hồ Ngọc Pháp nói.
Thuyền trưởng Trần Văn Vốn cho biết: “Mặc dù có nhiều nguy hiểm rình rập, nhưng Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống của cha ông để lại, anh em trên tàu cá chúng tôi một lòng quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”.
Thông thường, mỗi chuyến đi biển của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam... tới Hoàng Sa khoảng 25 ngày tới 1 tháng, tới Trường Sa 1,5 - 2 tháng. Trung bình mỗi năm, các tàu ra khơi 5 - 6 lần.
Ngư dân Nguyễn Văn Toàn, trú tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) khẳng định: “Các tàu cá Đà Nẵng không hề run sợ trước hành động tấn công, đánh cắp ngư cụ của các tàu lạ. Hành động càng ngang ngược khiến ông càng quyết tâm bởi “Biển là nhà, ngư trường là quê hương” của ông, cha từ bao đời nay. Vì vậy, mình phải quyết giữ nguồn sống cho thế hệ sau này, làm giàu cho quê hương đất nước, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Theo ông Nguyễn Quang Hậu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Xuân Hà (Đà Nẵng), tình hình biển đảo còn nhiều phức tạp, nhưng các hội viên nghiệp đoàn vẫn tiếp tục ra khơi đánh bắt, bảo vệ ngư trường.
Cùng như ngư dân Đà Nẵng, những ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam trên những con tàu nhỏ bé vẫn tiến ra Hoàng Sa, không hề run sợ, kiên quyết vươn khơi bám biển để khẳng định chủ quyền.
Ngư dân Võ Văn Liệu, thôn Chuân Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, chủ tàu QNg 90479TS (430 CV) cho biết, giữa tháng 4/2014, khi đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, tàu của anh đã bị tàu quân sự của Trung Quốc tấn công, đánh thủy thủ, đập phá thuyền, lấy máy móc, thiết bị dò, định vị, dầu máy, nước ngọt... tổng thiệt hại 354 triệu đồng.
“Nhưng chúng tôi không hề nao núng, vẫn kiên quyết ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền. Vì đó là một phần của Tổ quốc mình, của cha ông để lại và cũng là để mưu sinh. Sau khi ăn Tết xong, khoảng ngày 10 tháng Giêng, 11 thủy thủ trên tàu QNg 90479TS (430 CV) sẽ nhổ neo, tiếp tục ra khơi, bám biển, khai thác thủy sản cũng là để khẳng định chủ quyền của đất nước trên biển”, anh Liệu khẳng định.
Cũng trong tâm thế ấy, ngư dân Võ Đức Lê (Quảng Ngãi), thủy thủ trên tàu QNg 90479TS cũng quyết tâm tiếp tục vươn khơi vào mùa biển mới. “Chúng tôi sẽ tiếp tục ra đó để bảo vệ chủ quyền. Hoàng Sa với chúng tôi như máu thịt. Mấy trăm năm nay, các thế hệ ngư dân chúng tôi là cột mốc sống chủ quyền ở Hoàng Sa”, anh Lê nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), những con tàu của ngư dân Việt Nam với lá cờ Tổ quốc trên tàu chính là "cột mốc" sống, khẳng định chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
“Các thế hệ con cháu của ngư dân Quảng Ngãi cho dù sau này khó khăn đến mấy, vẫn quyết tâm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, vì đây chính là gốc cội, là máu thịt của Tổ quốc, của tổ tiên ông bà”, ông Nguyễn Quốc Chinh khẳng định.
Để hỗ trợ ngư dân bám biển, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: “Bộ Nông nghiệp đang tích cực cùng với các tỉnh, bộ, ngành giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân tháo gỡ khó khăn về vốn, kỹ thuật theo NĐ 67 của Chính phủ, để hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt, vươn khơi bám biển, đào tạo ngư dân. Trong quý I/2015 sẽ có tàu sắt để ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, năm 2015, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng kiểm ngư là tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển, trong đó chú trọng tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở những vùng biển xa bờ. Song song với đó là tích cực hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác ở những vùng biển xa bờ, cứu hộ, cứu nạn ngư dân gặp rủi ro do thiên tai gây ra.
Theo ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, tình hình trên biển vẫn còn phức tạp, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 của lực lượng kiểm ngư sẽ là đào tạo, tuyển dụng, đóng mới tàu kiểm ngư, xây dựng lực lượng kiểm ngư, hỗ trợ ngư dân. Tuần tra kiểm soát trên các vùng biển, lập đường dây nóng với các nước lân cận, nắm bắt tình hình trên biển, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thành lập các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển.