Về bản Lân Vai, xã Dân Tiến (Võ Nhai) chứng kiến cảnh đón xuân của đồng bào người Mông tại nhà văn hóa do cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh xây tặng theo chương trình “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, chúng tôi cẩm nhận được niềm vui của đồng bào nơi đây trong những ngày đầu xuân này…
Không giống như các đơn vị vẫn thường giúp nhân dân làm đường giao thông, nạo vét kênh mương thủy lợi, củng cố, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ… Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên chọn việc xây dựng nhà văn hóa cho đồng bào các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng cao đặc biệt khó khăn trên địa bàn để thực hiện và coi đó là việc làm thiết thực, trong tham gia chương trình “Quân đội chúng sức xây dựng nông thôn mới”… đó là lời Đại tá Phạm Tiến Dũng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh nói với chúng tôi trong câu chuyện đầu năm đầy cảm hứng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhà văn hóa tặng bản người Mông Lân Vai là công trình thứ 3 cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh làm giúp đồng bào những địa phương đặc biệt khó khăn. Bản người Mông Lân Vai là bản thuộc diện 135, với 56 hộ dân, 295 nhân khẩu; 100% hộ dân là đồng bào dân tộc Mông, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào trồng ngô, mía và làm ruộng nương, nên hết sức khó khăn; 70% hộ dân trong xóm thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Khi chưa có nhà văn hóa, việc tổ chức hội họp, sinh hoạt của bà con nhân dân phải nhờ địa điểm phân trường Lân Vai. Có nhà văn hóa mới, các hoạt động của bà con người Mông bản Lân Vai luôn được duy trì đều đặn. Mọi công việc dù lớn, hay nhỏ đều được đồng bào kéo về nhà văn hóa như một điểm sáng để bà con sum họp.
Trưởng bản Lân Vai Hoàng Khìn nói với chúng tôi mà như trăn trở với chính mình: trước đây, cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng người dân suốt năm này qua năm khác; việc chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy trở thành phổ biến đối với nhiều hộ dân nơi đây; kẻ xấu thường xuyên tuyên truyền kích động chia rẽ gây mất lòng tin giữa nhân dân với Đảng, chính quyền khiến tình hình an ninh, chính trị, xã hội càng trở nên phức tạp. Từ khi được bộ đội xây cho nhà văn hóa mới, mọi hoạt động của bà con dân bản được duy trì đều đặn, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là việc đưa nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội của đồng bào vùng đặc biệt khó khăn như Lân Vai trở thành điểm sáng không chỉ trên phạm vi toàn xã, mà còn được nhân rộng trong toàn huyện.
Nhà văn hóa có tổng số tiền đầu tư xây dựng 280 triệu đồng, nguồn vốn do Bộ CHQS tỉnh vận động cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực trong lực lượng vũ trang tỉnh đóng góp. Việc xây nhà văn hóa mới cho bản Lân Vai góp phần tuyên truyền cho bà con về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để bà con hiểu và nghe theo… Do được tuyên truyền ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế thâm canh tăng năng suất, nên bộ mặt đời sống kinh tế xã hội của bản ngày càng được khởi sắc; người dân nơi đây càng vững tin để vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã đã chỉ đạo bản Lân Vai tích cực vận động người dân đổi mới phương thức sản xuất, đưa các giống mới vào gieo trồng, mở rộng diện tích trồng cây màu như ngô, đỗ, lạc... Nhiều giống mới năng suất cao, chất lượng tốt đã được bà con mạnh dạn đưa vào trồng thay cho các giống lúa, ngô địa phương năng suất thấp... Đến nay, kinh tế của bà con trong bản đã khá lên, nhiều hộ dân đã mua sắm được máy xay xát, máy cày.
Ông Lý Sàng Tu, công an viên của bản cho chúng tôi biết: Có nhà văn hóa, mọi chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đều được các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền kịp thời, nên đã chuyển nhận thức của đồng bào từ phát triển kinh tế tự cung, tự cấp, sang phát triển kinh tế hàng hóa. Còn bà Đào Thị Sống, 80 tuổi người Mông ở bản Lân Vai thì không giấu được niềm vui: Người Mông có nhà văn hóa, đời sống kinh tế - xã hội ngày một đổi thay là nhờ ơn bộ đội và các cấp ủy đảng, chính quyền nhiều lắm…