205 bài dự thi được đăng là con số có được của cuộc thi “Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống” tổ chức trên báo Thái Nguyên trong năm 2014.
Con số này thực sự có ý nghĩa hơn khi mỗi tác phẩm là một tiếng nói đầy trách nhiệm của người cầm bút.
Nghị quyết là cơm ăn, áo mặc
Nói đến nghị quyết của Đảng, nhiều người quan niệm đó là những câu chữ lý luận chung chung, khô khan, khó tiếp thu. Nhưng những người làm báo Thái Nguyên đã chứng minh: Nghị quyết được xây dựng từ thực tế và hiện hữu bằng cơm ăn, áo mặc của mỗi người dân.
Vậy là đã bước sang năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015), đồng nghĩa với việc 4 năm qua, người làm báo của Báo Thái Nguyên trăn trở suy nghĩ, phát hiện, tiếp cận con người, sự việc mang đến cho bạn đọc những tác phẩm báo chí đậm hơi thở cuộc sống. Xâu chuỗi lại những vấn đề được phản ánh trên báo năm 2014 vừa qua, mới thấy những người cầm bút đã bám sát địa bàn, theo sát từng công trình lớn của tỉnh, đưa thông tin kịp thời, chính xác đến bạn đọc như thế nào.
Đó là loạt bài, ảnh về tiến độ xây dựng Nhà máy Điện tử Samsung (SEVT) từ khi còn ngổn ngang đất đá đến khi đưa vào sản xuất, cho ra những sản phẩm đầu tiên phục vụ khách hàng trong nước và xuất khẩu. Không chỉ nhìn thấy những đổi thay tích cực của cuộc sống nơi đây khi Dự án có vốn đầu tư 3 tỷ USD này đi vào hoạt động, mà những khó khăn, những vấn đề xã hội nảy sinh cũng được các phóng viên dự báo, phản ánh và đề xuất hướng giải quyết.
Năm 2014 là năm tỉnh ta hoàn thành nhiều công việc lớn. Như khánh thành Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (đường cao tốc); cải thiện chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh); cải tạo vùng bán ngập cho người dân quanh hồ Núi Cốc; có giải pháp hữu hiệu trong quản lý đất đai, quản lý tài nguyên rừng, khoáng sản. Xây dựng nông thôn mới cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. 19 tiêu chí xã nông thôn mới có được do nhiều cách làm năng động cùng những con người sẵn sàng hy sinh vì việc chung. Các bài: “Những tấm lòng vì quê hương”, nói về những người con của quê lúa Phú Bình dù xa quê nhưng luôn quan tâm giúp đỡ nơi chôn nhau cắt rốn bằng việc đóng góp xây dựng nhà văn hóa, làm đường; “Thêm động lực phát triển làng nghề nông thôn” cho thấy hiệu quả của các chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển làng nghề; “Mở rộng diện tích lúa lai ở Phổ Yên” bằng phương pháp nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên đã đạt tỷ lệ 26% diện tích gieo cấy trên toàn huyện. Còn rất nhiều bài viết, nhóm ảnh khác phản ánh mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa ý Đảng và lòng Dân. Sự gắn bó đó đã làm nên một diện mạo mới cả ở nông thôn và thành thị, làm nên 12 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp đạt 78 triệu đồng, tăng 23 triệu so với 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/năm, tăng 8 triệu/người so với năm trước.
Phát hiện và đề xuất đầy trách nhiệm
Với chức năng báo chí là đấu tranh với hiện tượng tiêu cực của xã hội, người làm báo Thái Nguyên đã dày công thâm nhập, tìm hiểu những vấn đề phức tạp để phản ánh, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền phương pháp giải quyết. Đó là loạt bài về nạn khai thác cát sỏi trái phép. Do buông lỏng quản lý đã dẫn đến tình trạng lộn xộn trong hoạt động khai thác cát sỏi trên các dòng sông của tỉnh, dẫn đến thất thoát tài nguyên, phức tạp về an ninh trật tự địa bàn. Loạt bài về hoạt động tín dụng đen chưa được xử lý mạnh tay gây nhức nhối với hệ lụy là các cuộc đâm thuê, chém mướn, tan cửa nát nhà bao nhiêu người. Để tiếp cận với những “góc khuất” này, người viết đã chấp nhận những “tai nạn nghề nghiệp” có thể đến với mình bất cứ lúc nào, ngõ hầu mang đến cho bạn đọc cái nhìn chân thực, lời cảnh báo thống thiết, đồng thời để ngành chức năng có đánh giá tình hình thực tế chuẩn xác hơn.
Còn nhiều hiện thực không vui khác được các nhà báo phản ánh. Đó là hiện tượng doanh nghiệp bỏ địa điểm kinh doanh, nhiều bưu điện văn hóa xã “có cũng như không”; những bất cập khi phát triển khu, cụm công nghiệp; khó khăn trong thực hiện một số tiêu chí nông thôn mới...
Nhà báo Thu Hằng, người có đến 24 bài dự thi trong năm qua thổ lộ: Tôi thích đi vào những ngõ ngách cuộc sống để tìm hiểu và phản ánh. Ở đó, tiếng nói của báo chí mới thật sự sinh động. Tất nhiên, Nghị quyết của Đảng là bao trùm ở tất cả các lĩnh vực, cũng như sự lãnh đạo của Đảng là toàn diện, nhưng Đảng cũng rất cần thấy những góc cạnh chưa hoàn hảo để điều chỉnh chủ trương hoặc có giải pháp lãnh đạo sát thực hơn.
Cũng là người có nhiều bài viết sắc sảo về lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản, nhà báo Ngọc Sơn nhớ lần bị một số người dùng vũ lực cản trở tác nghiệp, may mà có những người dân dũng cảm đương đầu bảo vệ nhà báo.
Để có tác phẩm báo chí đạt chất lượng tham gia cuộc thi, các tác giả đã đầu tư nhiều công sức từ khâu đi cơ sở đến khi thể hiện đề tài. Phóng viên trẻ Nguyên Ngọc có không ít kỷ niệm của những lần đi viết bài như thế. Ngọc kể: tháng 2-2014, trời mưa liên miên, nhưng công việc không thể trì hoãn nên tôi vẫn vào xã Liên Minh (Võ Nhai) viết bài dự thi về phát triển kinh tế rừng ở đây. Tuyến đường Đèo Nhâu - Liên Minh đang thi công, từ Tràng Xá vào Liên Minh khoảng 3km toàn đất mới đổ, dù về số 1 nhưng bánh xe máy chỉ quay tít một chỗ. Vật lộn với đường khoảng 1 tiếng đồng hồ tôi mới “nhúc nhích” được 1km thì đã sang buổi chiều. Bụng đói meo, người bẩn như con trâu đất, tôi quyết định vứt xe máy ở ven đường, đi bộ 2km vào UBND xã, đôi giày dù đã cẩn thận đeo trên cổ nhưng vẫn bê bết bùn tôi vứt ngoài sân UBND xã. Thấy tôi chân đất, quần ống thấp ống cao bước vào phòng làm việc, ông Nguyễn Xuân Nông, Chủ tịch UBND xã không nhịn được cười. Ông bảo: 2 tháng qua trời mưa, dân trong này gần như bị cô lập, muốn ra ngoài chỉ có cách đi bộ hoặc là đi bằng máy cày, giáo viên cũng phải đi bộ 3km mới vào trường được.
Sau khi làm việc tại xã và dẫn tôi đi cơ sở, ông Nông đã huy động mấy thanh niên ra giúp tôi khiêng xe vào nhà dân gần đó cậy hết đất mắc ở bánh xe ra, rồi một cán bộ lâm nghiệp tên là Hoàng Văn Hảo giúp tôi đẩy xe ra ngoài.
Con đường tác nghiệp của Ngọc cũng là “chuyện thường ngày” của người làm báo. Để có tác phẩm sống động, chân thực, người viết không có cách nào khác là tự mình mắt thấy, tai nghe, tay sờ. Đó cũng là gian nan của nghề không phải ai cũng hiểu.
Vui mừng cùng trăn trở
Con số 205 bài báo (tăng hơn 30 bài so với năm 2013) đã nói lên thành công của “mùa thi” năm nay của Báo Thái Nguyên. Mục tiêu lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, cụ thể bằng 5 chương trình, 16 dự án, 45 công trình trọng điểm đã được thể hiện sinh động qua con mắt người làm báo. Những “điểm nghẽn” tỉnh chỉ đạo đột phá tháo gỡ năm 2014 như quy hoạch, giao thông, chỉ số năng lực cạnh tranh được thể hiện cụ thể, dễ hiểu bằng các bài báo. Qua theo dõi cuộc thi này, bạn đọc thấy được các bước đi của tỉnh, lý giải được vì sao năm qua giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 37 lần so với năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng đến 20% (cao nhất từ trước đến nay).
Năm 2015 là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (2010-2015), cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (2015-2020). Hơn lúc nào hết, cuộc thi với chủ đề trên càng được Ban Tổ chức và những người dự thi quan tâm. Ngoài những thành tựu năm 2014 đã được đúc kết, những hạn chế của tỉnh cũng được các nhà báo nhận diện rõ, đó là: Thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn, nhiều doanh nghiệp phụ trợ nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài; hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp còn thiếu và yếu; ô nhiễm môi trường do chăn nuôi và sản xuất công nghiệp còn nặng nề; tỷ lệ hộ nghèo (9,17%) cao hơn mức trung bình cả nước…
Với sứ mệnh của mình, những người làm báo của Báo Thái Nguyên tiếp tục mang tâm, sức để nói tiếng nói của Đảng, của Dân; tiếp tục phát hiện vấn đề, đề đạt ý tưởng để Nghị quyết của Đảng đến với nhân dân, làm cho cuộc sống này ngày càng tốt hơn.