Ngày 11/3, Hội nghị thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ 9, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã diễn ra tại tỉnh Ninh Bình. Hội nghị có chủ đề "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND trong công tác dân nguyện".
Hội nghị là dịp để các đại biểu thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu những cách làm hay để HĐND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, vận dụng vào thực tế địa phương, đồng thời góp ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện đối với nhiều văn bản luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới đây liên quan đến tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của HĐND nói riêng và chính quyền địa phương nói chung như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh: Nâng cao chất lượng, hiệu quả của HĐND trong công tác dân nguyện là chủ đề quan trọng và thiết thực đối với HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ nói riêng và đối với cả nước nói chung, bởi công tác dân nguyện luôn được coi là trọng tâm, gắn với cơ quan dân cử.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị, đối với hoạt động của HĐND các cấp, trong đó có công tác dân nguyện phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, gần nhân dân hơn, sát dân hơn để nắm được nguyện vọng của nhân dân và cử tri. Công tác dân nguyện cần được chú trọng ngay từ cấp cơ sở, qua đó giải quyết dứt điểm, xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc của nhân dân ngay ở địa phương để tránh khiếu kiện vượt cấp, tập trung đông người về trung ương, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.
Công tác dân nguyện cần tiếp tục bám sát quy định của Hiến pháp năm 2013 nhất là các quy định về quyền con người, quyền công dân. Tập trung triển khai đầy đủ, đồng bộ các quy định về công tác dân nguyện của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật tổ chức HĐND và UBND (sắp tới là Luật tổ chức chính quyền địa phương), Luật tiếp công dân, Quy chế hoạt động của HĐND…, tránh việc quy định thì có nhưng tổ chức thực hiện lại không đến nơi đến chốn, hiệu quả không cao.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo, trả lời kiến nghị, phản ánh của công dân. Thường trực HĐND, các ban của HĐND cần tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp với UBND cùng cấp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc để giám sát, đôn đốc giải quyết dứt điểm kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri, đồng thời làm cầu nối để phản ánh nguyện vọng của nhân dân, cử tri đến với chính quyền. Việc tiếp nhận và xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri phải linh hoạt với nhiều hình thức phong phú, tránh khuôn mẫu, áp đặt. Việc chuyển đơn phải nhanh chóng, kịp thời, không đợi đến hạn thì mới chuyển vì ở phạm vi địa phương giữa các cơ quan thường có mối quan hệ chặt chẽ, dễ liên hệ.
Đại biểu HĐND các cấp cần tăng cường trực tiếp gặp gỡ cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề mà đại biểu quan tâm; thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân; chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của nhân dân. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND có thể phối hợp cùng tiếp xúc cử tri, có phân công chặt chẽ trong việc báo cáo và tiếp thu, giải trình, tổng hợp ý kiến của cử tri.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn yêu cầu, ngoài nghiệp vụ chuyên môn, cán bộ làm công tác tiếp công dân phải là những người có bản lĩnh, trung thực, có tinh thần trách nhiệm cao; đồng thời biết kiên nhẫn, lắng nghe ý kiến của nhân dân, giải thích cho nhân dân rõ về pháp luật, hướng dẫn chuyển đơn đúng địa chỉ và đôn đốc, theo dõi việc giải quyết sao cho thấu tình, đạt lý để tránh kéo dài, vượt cấp.
Đối với một số kiến nghị, đề xuất của các địa phương nhằm nâng cao vai trò của HĐND trong công tác dân nguyện, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn ghi nhận, tiếp thu và giao Văn phòng Quốc hội, Ban công tác đại biểu, Ban Dân nguyện tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới./.