Vai trò của Nghị viện trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển sau 2015

16:28, 17/03/2015

Ngày 17-3, tại Hà Nội, Tiểu ban Nội dung, Ban Tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132), Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Liên hợp quốc tổ chức hội thảo “Từ các mục tiêu thiên niên kỷ 2000-2015 đến các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015: Vai trò của Nghị viện”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Trong thời gian qua, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm nỗ lực trong việc thực hiện tám mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) nên đã đạt được những kết quả quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận, nhất là đối với các mục tiêu giảm nghèo, bình đẳng giới và giáo dục.

 

“Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu về xóa đói giảm nghèo cùng cực và thiếu đói từ năm 2002; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2010 và tiến tới những mục tiêu cao hơn về phổ cập giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông. Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Hơn nữa, thành công trong việc kiểm soát bệnh sốt rét, một số dịch bệnh nguy hiểm, bước đầu ngăn chặn được sự lây lan HIV và đang ở trước ngưỡng hoàn thành mục tiêu giảm tử vong trẻ em...”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu đại diện một số tổ chức quốc tế, lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội cần làm rõ vai trò của Quốc hội trong việc đề xuất cơ chế, chính sách, hình thành và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giải pháp để Quốc hội thực hiện chức năng giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

 

“Điều đó góp phần giúp Việt Nam hoàn thành tốt nhất Mục tiêu thiên niên kỷ cũng như xây dựng, đàm phán và tiến tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững nếu được thông qua; khuyến nghị một số định hướng, nội dung lớn mà Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 cần hướng tới khi xem xét thảo luận về chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.

 

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đánh giá cao Việt Nam đã dẫn đầu trong việc thực hiện nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, cho rằng, chủ đề phát triển bền vững là trọng tâm trong chương trình nghị sự sau năm 2015. Những chủ đề này đặc biệt phù hợp với Việt Nam cũng như các nước có thu nhập trung bình khác.

 

Theo bà Pratibha Mehta, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi Đại hội đồng ở cấp toàn cầu và các Nghị viện ở cấp quốc gia cần có cách tiếp cận quản trị công mạnh mẽ hơn nữa. Do đó các nghị viện cần tham gia tích cực vào quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt đối với những chính sách ở cấp chiến lược và thực hiện vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác không chỉ giữa các bộ, ngành và địa phương mà cả đối với các tổ chức xã hội dân sự và các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân.

 

Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, để thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, cần có nguồn lực, trong đó nguồn lực tài chính, quyết định về ngân sách có tác động rất lớn. “Quốc hội phải xem xét việc lồng ghép các chương trình, mục tiêu, các dự án, các quy hoạch có khả thi không và được thực hiện ra sao. Bên cạnh đó, xem xét có những khoản nào lãng phí, có bị chi phối bởi lợi ích nhóm, có tham nhũng, tiêu cực hay không...”, ông Trân cho biết.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Trân, trong một thế giới hội nhập, nền kinh tế thế giới ngày càng toàn cầu hóa, sự tương thuộc giữa các nền kinh tế, và từ đó trên các lĩnh vực khác, thì vai trò quản lý của Nhà nước, trong đó có vai trò của Quốc hội, ngày càng quan trọng và bức thiết. “Sự phát triển bền vững phải dựa trên ba trụ cột: Tăng trưởng kinh tế; môi trường được bảo vệ; công bằng và tiến bộ xã hội”.