Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột (11/3/1975) cả cung cách và không khí làm việc của phòng A1 – CP90 (mật danh của phòng Thời sự, Đài phát thanh Giải phóng A) sát cổng 56 Quán Sứ, Hà Nội khác hẳn. Lúc này, CP90 vẫn là một cơ quan bí mật, thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Cách cầu thang ngoài trời một ngôi nhà là 58 Quán Sứ, trụ sở của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng biên tập viên hai bên vẫn không được qua lại để giữ bí mật an toàn, theo như ông Nguyễn Khắc Cần, Phó Ban Biên tập CP90 là “tuyệt đối”. Nhưng cánh A1 chúng tôi thường “bí mật” phá rào, bằng cách đi lối sau qua nhà tắm, gặp nhau thoải mái.
Ngóng chờ tin tức từ Sài Gòn
Dạo ấy đội tự vệ của hai Đài thường đi tuần tra đêm với nhau nên anh Dương Quang Minh, thuộc Ban Miền Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam và tôi, quân A1-CP90 thường gặp nhau, trao đổi mọi chuyện. Anh Dương Quang Minh bảo: “Tình hình căng lắm rồi, bên ông có ai vào chiến trường không?” Tôi nói là anh Trương Đàn, Lê Hào, Khánh Toàn, Tư Đương, Võ Văn Lục vừa đi cuối tháng 3. Dương Quang Minh nói chắc như cua gạch là thế nào Trương Đàn cũng gặp Kim Trạch, Phương Nam, Nguyễn Văn Hối ở Sài Gòn.
Tôi vừa ở chiến trường Trị Thiên Huế ra, chưa dứt cơn sốt rét rừng nên không vào Nam được, ở lại trực chương trình. Người đi, kẻ ở, giao ban đột xuất liên tục, điện thoại reo liên hồi, giao liên qua lại Cửa Đông như con thoi kịp nhận tin tức, chỉ lệnh từ Bộ Tổng tham mưu chiến dịch. Những ngày tháng Tư quay nhanh, bộn bề, gấp gáp theo bản tin thời sự, bám sát từng mũi tiến công của quân Giải phóng. Anh Sắc, chuyên gia điểm báo Sài Gòn từng thông báo cho chúng tôi những tin nóng của Sài Gòn, nhưng mấy ngày nay xem ra không hên nữa. Ngược lại, ôm tập báo Sài Gòn đã cũ trong tay anh hỏi rối rít tin chiến sự đến đâu, thành phố nào được giải phóng.
Các phát thanh viên của Đài Phát thanh Giải phóng đang làm nhiệm vụ.
Trên bàn làm việc có tấm bản đồ chiến sự miền Nam khổ A3, mũi tên đỏ đã vượt qua Đà Nẵng tiến vào Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết và đang sững lại ở Xuân Lộc, tỉnh lỵ Long Khánh. Chính quyền ngụy coi thị xã Xuân Lộc là “cánh cửa thép” phía đông Sài Gòn nên quyết “tử thủ”. Địch tập trung hỏa lực cao độ từ nhiều phía nên hơn nghìn chiến sỹ quân giải phóng hy sinh từ những ngày đầu chiến dịch. Tin tức từ mặt trận rất nhiều và nóng bỏng, nhưng chọn lựa phát sóng thì hết sức cẩn trọng. Bản tin thời sự hàng ngày của Đài Giải phóng tuân thủ nghiêm ngặt tin tức từ Bộ Tổng tham mưu, cho nên ngày nào chúng tôi cũng chờ tin từ Cửa Đông, nơi tin chiến sự từ Bộ Tổng tham mưu chuyển cho các cơ quan báo chí.
Ngày 20/4/1975, tin Xuân Lộc giải phóng, cánh cửa thép phía Đông Sài Gòn mở toang. Bản tin ngắn như một lời reo hò không chỉ báo tin vui lớn mà nhiều hơn là giải tỏa nỗi lo khi bước chân thần tốc chậm lại. Chiều 28/4, tin nóng hổi: phi đội máy bay A37 tiến công sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay, tiêu diệt 200 quân địch như thổi bùng lên không khí làm việc hứng khởi, khẩn trương ở tòa nhà Quán Sứ, Hà Nội. Cánh đàn ông thường xuyên trực qua đêm ở cơ quan. Tôi và Trần Quang Khải nằm trở đầu đuôi, giữa là chiếc điện thoại đen bóng để khi có tin là nghe ngay. Nhưng, có lần Trưởng ban Biên tập Nguyễn Thành đến tận nơi đánh thức thì hai anh trực điện thoại mới bật dậy, vội cầm ống nghe. Ông Thành cười “Tôi nghe rồi. Chuẩn bị tinh thần nhé. Đánh to đấy”.
Sáng 30/4, tôi vừa tranh thủ ăn vội bát mỳ sợi “không người lái” ở ngõ Hội Vũ về thì đã thấy phòng A1 đông đủ. Anh Nguyễn Vạn, trưởng phòng phân công mỗi người mỗi việc, nhưng ai cũng muốn làm tất cả. Quang Khải sẵn sàng ngồi vào bàn máy chữ. Không ai hơn anh ở vị trí này, vì tôi và Kim Cúc chỉ giỏi “mổ cò” còn Quang Khải thì lia cả chục ngón như lướt trên piano. Anh Quang Cường, có khổ người “cao như Tây, gầy như ta” cứ bồn chồn đi lại giữa phòng Teletip và B2 (nơi nhận tin từ mặt trận). Anh đang nóng lòng chờ tin Sài Gòn. Gần trưa từ phòng kỹ thuật và Trưởng Ban Biên tập, mọi người như nín thở bên radio nghe lời đầu hàng của Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh – Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao chính quyền từ trung ương đến địa phương lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Mọi người hỷ hả. Anh Sắc “điểm báo Sài Gòn” vẫn không rời điếu thuốc lá sâu kèn trên đôi môi thâm sì, kêu to “Đã quá hà!”.
Chương trình phát thanh đặc biệt
Lệnh làm chương trình phát thanh Thời sự đặc biệt của Ban biên tập được ban ra, trưởng phòng Nguyễn Văn Vạn phân công tôi cùng Đào Quang Cường, Trần Quang Khải, Kim Cúc thực hiện, các biên tập viên khác hỗ trợ. Tin chiến thắng chính thức từ Tổng hành dinh chiến dịch chuyển đến. Sau giây phút reo hò đến khản giọng là guồng công việc chạy hối hả. Trong chúng tôi ai cũng viết ra giấy những câu thật hay, đầy ắp mỹ từ mạnh mẽ, hân hoan, khoáng đạt và hào sảng, nhưng cuối cùng tôi được chấp bút lại một câu thật đơn giản: “11 giờ 30 phút trưa nay, cờ Giải phóng đã tung bay trên dinh tổng thống chính quyền Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng”. Chiến thắng lớn quá, niềm hân hoan đến tột đỉnh nên không có từ ngữ nào miêu tả hết, chỉ cất lên tiếng nói sự thật là đủ.
Trước cổng 56 và 58 Quán Sứ treo hai giây pháo hồng, nổ giòn giã, kéo dài trong tiếng reo vui đến ngạt thở. Chúng tôi thu thanh tiếng pháo nổ để sử dụng cho chương trình phát thanh. Đến Bá âm, chúng tôi được lệnh phải có ngay tiếng reo hò, hoan hô chiến thắng của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Mệnh lệnh của lãnh đạo quá đúng, quá hay, nhưng lấy đâu ra tiếng động ngay bây giờ? Sáng kiến tức thì. Chúng tôi huy động tất cả những người có mặt ở Bá âm nói tiếng Nam bộ và miền Trung vào một phòng, rồi hô to “Nhiệt liệt hoan hô miền Nam hoàn toàn giải phóng”. Anh Minh, cán bộ đoàn hô đúng chất giọng Nam bộ, nhưng xúc động quá, nên “giải phóng” thành “giải phéng” mà chẳng ai nhận ra. Đến khi phát lên sóng mới biết. Chương trình Thời sự đặc biệt 17 giờ, có thông báo chiến thắng lịch sử, bình luận, phản ánh không khí Sài Gòn trong giờ đầu giải phóng và đặc biệt là tiếng reo mừng chiến thắng xen trong tiếng pháo nổ giòn giã mà chúng tôi vừa thu được ở Quán Sứ và Bà Triệu.
Sau chương trình Thời sự đặc biệt, tôi và Trần Quang Khải thực hiện chương trình đặc biệt hơn nữa kéo dài hàng tiếng đồng hồ mà băng thành phẩm ban đầu vỏn vẹn 30 phút. Có nghĩa là trong lúc truyền âm đang phát băng số 1 thì chúng tôi khẩn trương hoàn thành băng số 2, cứ thế kéo dài. Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm chương trình theo kiểu này nên hết sức lo lắng. Chúng tôi chỉ biết nhắc nhau là nhanh tay, cẩn thận, kịp giờ, không sai sót. Anh Tràng, thợ bá âm nổi tiếng là cẩn trọng và trách nhiệm với công việc cũng có lúc rối. Anh nhìn chúng tôi với con mắt nghiêm trọng và giọng chắc đanh: “Nếu có sai sót thì ai chịu trách nhiệm đây?” Tôi và Quang Khải nhìn nhau, cùng nói rất nghiêm túc: “Chúng tôi chịu trách nhiệm hết. Anh yên tâm đi”. Thật may, chương trình suôn sẻ, không có sai sót.
Về lại 56 Quán Sứ, chúng tôi mới dám moi chiếc bánh mỳ “không nhân” cứng queo từ trong túi ra thưởng thức. Chưa kịp nghỉ ngơi thì tôi được phân công ra hồ Gươm ghi nhanh không khí nhân dân Hà Nội mừng chiến thắng. Bờ hồ đông người đến mức không chỗ chen chân. Cảm giác như người từ mọi nơi, mọi phố phường đổ dồn về đây. Đông nhất và cũng trật tự nhất là dòng người vây quanh chiếc loa phóng thanh to, màu xanh đậm, như hai chiếc nón úp vào nhau nghe từng câu, từng chữ tin chiến thắng. Bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên cất lên sau tin chiến thắng, mọi người vỗ tay hát theo. Nghe qua loa là hát theo, đúng lời, đúng nhịp. Tất cả như một bản hòa tấu, như từng được tập dượt nhiều lần đến nhuần nhuyễn. Chỉ có người trong cuộc, chỉ có người sống, chứng kiến, dấn thân cho công cuộc lớn lao và thiêng liêng này, chỉ có người biết Bác Hồ đã gói gọn trong tim hai tiếng Miền Nam mới thấu hiểu và cất lời ca hào hùng mà bình dị như thế. Tôi miên man nghĩ và mải miết viết bài ghi nhanh khi đêm 30 tháng 4 đã chuyển sang ngày mới.
Đêm 30 tháng 4 không ngủ, không chỉ mình tôi mà cả nước thức cùng dân tộc với niềm vui toàn thắng. Nghĩ vậy nên tôi đặt tên bài ghi nhanh, phát ngay là “Ngày 30 tháng Tư không có đêm”./.
Hà Nội, 40 năm sau 30 tháng 4 năm 1975.