Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TNĐT xin trân trọng giới thiệu bài viết: "Bài học về ý Đảng hợp với lòng dân - cội nguồn làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại trong chống Mỹ, cứu nước" của PGS.TS Trần Thị Thu Hương, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Thế kỉ XX là thế kỉ của những biến đổi to lớn, thế kỉ đấu tranh oanh liệt giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thế kỉ của những chiến công có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Một trong những chiến công ấy là thắng lợi của 21 năm tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
21 năm ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quân và dân cả nước vượt qua những thử thách khắc nghiệt của lịch sử để làm nên thiên anh hùng ca bất hủ của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là thắng lợi của trí tuệ của cả một dân tộc, trong đó trước hết là năng lực nhận thức và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn của Đảng - Bộ tham mưu ưu tú của toàn thể dân tộc đã biết khơi dậy tinh thần bất khuất kiên cường, ý chí quyết tâm đấu tranh giành quyền làm chủ vận mệnh đất nước của toàn thể dân tộc để từng bước giành độc lập dân tộc. Đó chính là sự minh chứng hùng hồn về ý Đảng và lòng dân – đường lối của Đảng khi phản ánh đúng khát vọng chính đáng của đại đa số nhân dân, sẽ trở thành cội nguồn sức mạnh vô tận và khi đó, mục tiêu, lý tưởng của Đảng sẽ trở thành hành động cách mạng của quần chúng.
Ngay sau khi giành chính quyền cách mạng, dân tộc Việt Nam đã phải trực tiếp đương đầu với thực dân Pháp xâm lược. Trong hoàn cảnh ấy, kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc, vận dụng nguyên lí của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò quần chúng nhân dân trong lịch sử, ngay từ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (đêm 19/12/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người nhiệm vụ thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước"[1]. Và "20 triệu đồng bào Việt Nam quyết đánh tan mấy vạn quân thực dân phản động". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, một lần nữa Người khẳng định: cuộc kháng chiến của ta là toàn dân, thực sự là một cuộc chiến tranh nhân dân, 31 triệu đồng bào ở cả hai miền Nam Bắc, bất kì già trẻ gái trai phải là 31 triệu chiến sĩ anh dũng diệt Mỹ.
Với chiến lược toàn dân kháng chiến, trong cả hai cuộc chiến tranh giải phóng, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức nhân dân cả nước thành một mặt trận với khẩu hiệu "mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm, đường phố là một pháo đài". Khắp các miền Trung, Nam, Bắc không phải chỉ có lực lượng vũ trang đánh giặc, mà toàn dân đánh giặc. Không những các vùng tự do, vùng giải phóng chống giặc mà vùng tạm chiếm cũng đánh giặc, xây dựng cơ sở và căn cứ địa kháng chiến. Toàn dân đánh giặc khắp cả ba vùng rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị. Với chiến lược toàn dân kháng chiến, cả nước đánh giặc của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành một cuộc chiến tranh không phân rõ đâu là tiền tuyến, đâu là hậu phương. Ngay từ năm 1954, J.F Kennơđi đã phải thừa nhận: "Sự giúp đỡ quân sự của Mỹ ở Đông Dương dù đến đâu cũng không thể chinh phục được một kẻ thù vừa ở khắp nơi, vừa không thấy ở đâu cả, một kẻ thù là con đẻ của nhân dân, được nhân dân đồng tình che giấu và giúp đỡ"[2].
Đó chính là thành quả của đường lối kháng chiến đúng đắn, độc lập tự chủ với mục tiêu cách mạng rõ ràng vì giải phóng Tổ quốc, giải phóng xã hội của Đảng. Thành quả đó cũng thể hiện mục đích chính trị của chiến tranh cách mạng, phù hợp với quyền lợi cơ bản và nguyện vọng thiết tha nhất của quần chúng nhân dân; thể hiện ở quan điểm bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng, kết hợp khởi nghĩa với chiến tranh, quân sự với chính trị, tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ, tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược; thể hiện ở chiến lược đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế sâu rộng để gắn ý chí chống ngoại xâm của hàng chục triệu người vào làm một, tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và nền dân chủ thực sự cho mọi tầng lớp nhân dân, vì con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và nền hòa bình lâu dài cho đất nước, phát huy cao độ sức mạnh nội lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thành sức mạnh tổng hợp to lớn.
Sức mạnh ấy bao gồm nhiều mặt: sức mạnh đấu tranh chính trị của quần chúng, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, sức mạnh của cả tiền tuyến và hậu phương, sức mạnh của ý chí quyết chiến quyết thắng, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam kết hợp với khoa học, kĩ thuật hiện đại, sức mạnh của quốc tế ủng hộ Việt Nam. Sức mạnh đó đã được phát huy mạnh mẽ trong kháng chiến chống Pháp và được nhân lên trong kháng chiến chống Mỹ. Mặt trận thống nhất toàn dân tộc ngày càng mở rộng. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy và phát huy cao độ. Với quyết tâm cháy bỏng: "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập tự do" trước Cách mạng Tháng Tám 1945 để giành chính quyền cách mạng. Với lời thề "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" trong kháng chiến chống Pháp và Lời kêu gọi "Không có gì quí hơn độc lập, tự do" trong kháng chiến chống Mỹ. Những lời hiệu triệu ấy đã thôi thúc lòng khát khao vì độc lập tự do của toàn dân tộc ta, thôi thúc mỗi người dân Việt Nam đồng tâm, kiên quyết đứng dậy chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Đó chính là sức mạnh làm cho Đảng đã có thể chủ động trong mọi tình huống, tạo nên những bước ngoặt chiến lược làm thay đổi cục diện có lợi cho ta trong cả hai cuộc kháng chiến, đánh thắng từng chiến dịch, từng kế hoạch chiến lược của địch, đánh thắng địch giải phóng miền Bắc, đánh thắng địch trên cả nước.
Lịch sử 21 năm kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân mới đã chỉ ra rằng, một khi đường lối chiến lược cách mạng đúng đắn đi vào thực tiễn của cuộc chiến đấu của quân và dân ta, nó sẽ trở thành phương pháp cách mạng cụ thể, sáng tạo, ngày càng phong phú và phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ tạo nên chiến lược tổng hợp trong chiến tranh nhân dân để đánh thắng mọi kẻ thù.
Chiến tranh là sự khảo nghiệm thái độ chính trị của mọi tầng lớp nhân dân trong cộng đồng dân tộc. Do vậy, thắng lợi của 21 năm chống đế quốc Mỹ đã chỉ rõ rằng, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải biết tuyên truyền, giáo dục và tổ chức quần chúng, để quần chúng thấm nhuần và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn để phát huy được nội lực của quần chúng nhân dân với tinh thần tự giác cao, với ý chí quyết tâm lớn thực hiện của đường lối của Đảng. Thực tiễn lịch sử hùng hồn đó đã để lại những kinh nghiệm lịch sử về lòng dân chính là "bảo quốc":
Một là, phải biết tuyên truyền giác ngộ và khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần cách mạng của nhân dân là vấn đề mấu chốt để phát động phong trào đấu tranh.
Trước hết chú trọng công tác giáo dục tư tưởng cho nhân dân, vạch trần âm mưu thâm độc của kẻ thù, nêu cao tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, khơi sâu lòng căm thù địch. Đồng thời chỉ rõ tính chất khó khăn, phức tạp của cuộc đấu tranh cũng như những thuận lợi, những mặt mạnh của ta và đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng để củng cố quyết tâm và niềm tin vào khả năng tự giải phóng của nhân dân thoát khỏi ách thống trị của ngoại xâm. Để tuyên truyền và giác ngộ, khơi dậy lòng yêu nước, Đảng phải biết tận dụng mọi hình thức, mọi khả năng để tuyên truyền, giáo dục, phát động quần chúng đấu tranh. Đánh giá về công tác “tuyên truyền giáo dục tâm hồn của các cán bộ Mặt trận, các chính trị viên trong quân giải phóng”, Gi Gôn-một học giả phương Tây, năm 1965 đã viết: “...trong những điều kiện đó, người nông dân được tuyên truyền giác ngộ về học thuyết, được rèn luyện và ném vào cuộc chiến đấu với tư cách là người chiến sĩ cách mạng”, đó chính là “Việt Cộng đã tranh thủ được mặt tâm hồn” còn với các binh sĩ Sài Gòn do “thiếu niềm tin vào một sự nghiệp cao cả nên không thể chống lại được Việt Cộng”[3]. Vì vậy, công tác tư tưởng và giáo dục chính trị giữ vai trò quyết định đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Yêu cầu, nội dung công tác tư tưởng và giáo dục chính trị trước hết là nâng cao trình độ nhận thức của Đảng viên theo kịp tình hình và nhiệm vụ chính trị của Đảng; làm cho Đảng viên thấy rõ triển vọng tình hình, tương quan lực lượng giữa ta và địch, mặt khác phải nhận rõ khó khăn, phức tạp của cuộc đấu tranh để tạo niềm tin vững chắc vào thắng lợi của cách mạng, nhưng đồng thời chống tư tưởng chủ quan, nóng vội, khinh địch. Để đường lối của Đảng nhanh chóng trở thành hành động cách mạng của quần chúng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, công tác tư tưởng và giáo dục chính trị là nhiệm vụ thường xuyên, bằng nhiều hình thức, nhiều phương pháp, tùy từng địa bàn hoạt động cụ thể.
Hai là Đảng phải biết đề ra được những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đông đảo quần chúng nhân dân. Đây chính là kinh nghiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng từ trong quá trình lãnh đạo 30 năm tiến hành kháng chiến, đặc biệt khi dân tộc ta phải đương đầu kẻ thù thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, với nhiều thế mạnh cùng với cả một bộ máy tuyên truyền khổng lồ từ chính quyền trung ương đến địa phương, nhằm thu phục “trái tim và khối óc” của nhân dân ta. Vì vậy, Đảng đã biết đưa ra những khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ, đòi quyền tự do đi lại..., những chủ trương về bảo vệ tính mạng và tài sản của dân, về chống phá kìm kẹp, giải phóng đưa họ về làm ăn nơi ruộng vườn của mình. Trong đó, đặc biệt là chính sách ruộng đất của Mặt trận đã phù hợp tâm tư nguyện vọng của dân, được nhân dân hết sức ủng hộ. Ruộng đất là ước vọng ngàn đời của người nông dân, là lợi ích thiết thân của đông đảo quần chúng nhân dân miền Nam. Trong rất nhiều nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị cũng như của Trung ương Cục, của các Khu ủy từ sau năm 1960 đều nhấn mạnh vấn đề giải quyết ruộng đất cho nông dân ở trong vùng giải phóng và đưa ra khẩu hiệu đấu tranh đòi giảm sưu, thuế cho nông dân ở các vùng bị kìm kẹp. Những thành quả về chính sách ruộng đất của Đảng ở miền Nam đã có tác động rất lớn đến đồng bào trong vùng địch tạm chiếm. Những thành quả đó đã chứng tỏ rằng dù trong hoàn cảnh nào Đảng cũng luôn quan tâm đến quyền lợi của đa số nông dân, giải quyết đúng nguyện vọng, lợi ích của nông dân. Nhờ đó, Đảng đã động viên và tổ chức được đến mức cao nhất những năng lực cách mạng to lớn, sáng tạo vô tận của quần chúng trong cuộc đấu tranh phá ách kìm kẹp, giành lại quyền làm chủ. Chính tờ báo Diễn đàn Anh ngày 6/3/1964 đã bình luận: “Việt Cộng đã thắng lợi vì họ mang lại cho nông dân những cái mà họ mong muốn, nhất là ruộng đất... Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã có chương trình rõ ràng để giải quyết vấn đề ruộng đất ở miền Nam, đã và đang thực hiện chương trình đó bằng cách đem hàng triệu ha ruộng đất chia cho nông dân ở các vùng giải phóng”. Vì vậy, khi phát động cuộc đấu tranh, quần chúng trong thôn ấp đã nổi dậy mạnh mẽ tạo thế cho lực lượng vũ trang ở bên ngoài phối hợp phá kìm kẹp giành quyền làm chủ của mình.
Kinh nghiệm lịch sử đó khẳng định lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì đúng với nguyện vọng của nhân dân thì được nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh và như vậy mới thật là một phong trào quần chúng”[4].
Ba là, phải tin dân, dựa vào dân, bàn bạc với dân về kế hoạch thực hiện chủ trương, biện pháp đấu tranh.
Điều nổi bật nhất trong quá trình tiến hành hai cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc ta là ở bất kỳ địa phương nào, trong mọi hoàn cảnh nhân dân ta đều thể hiện tinh thần yêu nước, căm thù giặc và một lòng, một dạ hướng về cách mạng, hướng về Đảng. Vì vậy, tin dân, dựa vào dân chính là tăng thêm sức mạnh cho Đảng, dân còn thì Đảng còn tồn tại và phát triển. Chính trong thực tiễn những sáng kiến nảy sinh từ phong trào của nhân dân đồng thời cũng bổ sung hoàn chỉnh những chủ trương, biện pháp phù hợp với từng hoàn cảnh, khả năng của từng địa phương. Muốn thể hiện lợi ích của nhân dân trong đường lối của mình, Đảng phải liên hệ mật thiết để hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đúc kết: "Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết"[5].
Bốn là, phải luôn chú trọng xây dựng và bồi dưỡng cơ sở nòng cốt cách mạng trong nhân dân, bồi dưỡng tư tưởng, khả năng công tác và tạo uy tín cách mạng cho cơ sở, đặc biệt là ở những vùng chưa có hoặc tổ chức cơ sở Đảng còn yếu. Thực tế lịch sử chỉ ra rằng những nơi nào có cơ sở nòng cốt nhiều và vững chắc thì phong trào đấu tranh phát triển và thu được nhiều thành quả. Do vậy, dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm nào, Đảng viên phải bám trụ trong địa bàn hoạt động, hòa mình trong quần chúng để giáo dục, phát động, tổ chức quần chúng và cùng quần chúng chiến đấu với địch. Ở các vùng trọng yếu, địch kìm kẹp gắt gao nhằm đánh bật cơ sở của Đảng ra khỏi nhân dân, cán bộ Đảng viên đã kiên trì chịu đựng gian khổ, bất chấp cả hy sinh tính mạng bám sát nhân dân bằng mọi cách. Với khẩu hiệu “phải mang nắp hầm bí mật vào ấp chiến lược”, để từ đó “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch” trở thành phương châm hành động, là bí quyết bám trụ của Đảng trong thời kỳ đầy khó khăn thử thách của cách mạng miền Nam. Các Đảng viên ở cơ sở đã gắn bó máu thịt với dân, vì vậy được nhân dân tin yêu và che chở trước sự khủng bố ráo riết của kẻ thù. Câu nói: “Dù hoàn cảnh nào cũng nhớ đến Đảng” của nhân dân miền Nam khi địch đang tiến hành càn quét, khủng bố gay gắt lực lượng cách mạng, đã trở thành phổ biến và ăn sâu trong lòng quần chúng cách mạng miền Nam. Đây chính là nguyên nhân sâu xa và quyết định sự tồn tại và phát triển của tổ chức cơ sở Đảng trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
Năm là, phải lựa chọn hình thức tổ chức và cách thức vận động quần chúng một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với yêu cầu của phong trào và từng thời điểm lịch sử nhất định. Đồng thời, phải xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi và sinh mạng cho nhân dân trong các cuộc đấu tranh, động viên nhân dân đấu tranh dưới mọi hình thức ở từng vùng khác nhau, phát huy sáng kiến hết sức phong phú của phong trào quần chúng. Trong cuộc đấu tranh cách mạng, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Mặt trận Dân tộc giải phóng với một hệ thống tổ chức phong phú đa dạng, thích hợp với từng đối tượng đã tập hợp được đông đảo nhân dân để tuyên truyền, vận động tập trung mũi nhọn vào cuộc đấu tranh. Đặc biệt tại các cơ sở, Đảng đã chỉ đạo cho xây dựng những tổ chức như tổ thanh vận, tổ binh vận, tổ an ninh trật tự, tổ tuyên - văn - giáo, tổ dân vận... Chính nhờ các hình thức tổ chức đấu tranh rất phong phú đó, Đảng ta đã thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả những binh sĩ và gia đình binh sĩ có tinh thần yêu nước góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giành dân, giành đất với địch. Bởi vì các tổ chức đó đã “phải giáo dục, làm cho quần chúng tự giác tự động biết sức lực của họ, biết quyền lợi của họ, làm cho họ mạnh dạn đấu tranh”[6].
Muốn làm được điều đó, Đảng viên ở cơ sở không chỉ phải quán triệt tinh thần quyết tâm, khẩn trương, chịu đựng gian khổ, sẵn sàng xả thân vì cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà phải có trình độ lý luận và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn. Đảng viên ở cơ sở phải có trình độ lý luận nhất định để nắm bắt đúng tinh thần của chủ trương, đường lối của Đảng, trên cơ sở đó tổ chức quần chúng tiến hành đấu tranh, biến những chủ trương, đường lối của Đảng thành phong trào cách mạng của quần chúng.
Thành công của Đảng trong hai cuộc kháng chiến đã chứng tỏ rằng Đảng đã thực hiện đúng đường lối dân vận, dựa vào dân, tin dân, tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Đảng tồn tại, trưởng thành và phát triển trong phong trào cách mạng của quần chúng, đó chẳng những là nguyên tắc cần phải quán triệt trong xây dựng Đảng mà còn là quy luật tồn tại và phát triển của bản thân Đảng. Do vậy trước những thời điểm thử thách khắc nghiệt nhất, kẻ thù tìm mọi cách tách dân khỏi Đảng, cô lập để tiêu diệt Đảng, nhưng Đảng vẫn tồn tại và trưởng thành, chính vì: “Quần chúng còn là Đảng ta vẫn tồn tại, Đảng còn tồn tại là phong trào cách mạng vẫn phát triển. Thực tiễn cho ta thấy nếu biết dựa vào quần chúng và tin tưởng vào quần chúng là tất đúng. Đó là chân lý và cũng là bài học quý báu của chúng ta trong phong trào qua”.[7]
Điểm mấu chốt nhất trong những kinh nghiệm trên là Đảng phải tin vào sức mạnh của quần chúng, phải bám sát quần chúng. Để phát động được quần chúng, Đảng phải được quần chúng tin yêu về mọi mặt, do đó cán bộ Đảng viên phải có giáo dục, có lập trường cách mạng kiên định, sẵn sàng hy sinh vì quyền lợi tối cao của dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của đông đảo nhân dân, của Đảng. Chính giáo sư sử học người Mỹ Ga-bri-en Côn-cô khi nghiên cứu cuộc chiến tranh Việt Nam từ 1965, đã nhận xét: "Những cán bộ đều luôn luôn có mặt, chia sẻ cuộc sống của nhân dân, làm cho Đảng luôn luôn gắn liền với lo âu ước vọng của quần chúng. Những người Mỹ nghiên cứu vai trò của cán bộ của thôn xóm, đều thấy họ được lòng dân và được kính trọng với tư cách vừa là người lãnh đạo vừa là con người với con người”.[8]
Thực tiễn của quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng trong 21 năm kháng chiến đã khẳng định một điều rất rõ ràng là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào khi Đảng thể hiện là người đại biểu trung thành và đầy đủ những lợi ích sống còn, những nguyện vọng sâu xa và chính đáng của nhân dân và của cả dân tộc, thì Đảng sẽ tổ chức và động viên được đến mức cao nhất những năng lực cách mạng tổng hợp to lớn và sức sáng tạo vô tận của toàn thể nhân dân. Thực tế lịch sử ấy, minh chứng hùng hồn cho lời nhận định của Hồ Chí Minh: "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng đã tổ chức và phát huy được lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân"[9].
Bài học lịch sử đó càng có giá trị trong công cuộc đổi mới hiện nay, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hơn lúc nào hết Đảng phải tiếp tục quán triệt "lòng dân là bảo quốc" cả trong hoạch định đường lối và cả trong chỉ đạo thực hiện đường lối trong xây dựng và bảo vệ đất nước trong điều kiện lịch sử mới.
---------
1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, H 1995, t.4, tr.480.
[2] Maicơn Máclia: Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, NXB. Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.12.
[3] Phương Tây viết về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, TTXVN, 1978, tr 115.
4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3 (1945 -1946), NXB CTQG, H. 1995, tr 139.
[5] Hồ Chí Minh: Sdd, 1995, t.5, tr.297.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7 (1953 - 1955), NXB CTQG, H. 1996, tr 27.
[7] Trung ương Cục miền Nam, Báo cáo tình hình tổ chức và tư tưởng của Đảng Nam bộ từ hoà bình lập lại đến nay, 1961, Lưu trữ VPTƯĐ.
[8] Ga-bri-en Côn-cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại. Quân đội nhân dân .H. 1989. tr 153.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, H, NXB CTQG, H, 1996, tr 197.