Chiều 25-4, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, Ban Chỉ đạo T.Ư (BCÐ) về phòng, chống tham nhũng (PCTN) họp phiên thứ 7. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN chủ trì phiên họp. Tham dự, có các đồng chí thành viên BCÐ.
Phiên họp tập trung đánh giá: tình hình, kết quả công tác PCTN quý I, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh các vụ việc thuộc diện BCÐ theo dõi, chỉ đạo; kết quả rà soát, nắm tình hình hoạt động tín dụng tại bốn ngân hàng thương mại nhà nước.
Các đại biểu dự phiên họp thống nhất đánh giá, từ sau phiên họp thứ sáu đến nay, các cơ quan đã chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tiều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh các vụ việc thuộc diện BCÐ theo dõi, chỉ đạo. Các cơ quan điều tra khởi tố thêm 10 bị can; xử lý một vụ án đã đình chỉ điều tra; kết luận điều tra bổ sung một vụ với 19 bị can; đang điều tra bổ sung hai vụ với 20 bị can; tiếp tục điều tra bảy vụ với 63 bị can,... Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang thụ lý một vụ với 14 bị can; kiểm sát điều tra bổ sung hai vụ với 20 bị can,... Tòa án Nhân dân tối cao hoàn thành xét xử phúc thẩm hai vụ với 34 bị cáo, với các mức án nghiêm minh có sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Ðể đẩy nhanh tiến độ xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp, Thường trực BCÐ đã bổ sung bảy vụ án vào diện Ban Nội chính T.Ư theo dõi, đôn đốc; 53 vụ án, vụ việc và diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, xử lý; đồng thời quyết định đưa một số vụ việc, vụ án ra khỏi diện chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, do các vụ việc, vụ án này đã được giải quyết theo quy định của pháp luật. BCÐ đưa một vụ án vào diện BCÐ theo dõi, chỉ đạo; có văn bản yêu cầu các đảng ủy, ban cán sự đảng chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý một số vụ việc, vụ án.
Từ kết quả rà soát, nắm tình hình hoạt động tín dụng tại bốn ngân hàng thương mại nhà nước, BCÐ yêu cầu Ðảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là trong xử lý nợ xấu. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp các ngân hàng trong xử lý nợ xấu theo Ðề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; đẩy nhanh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy định pháp luật trong lĩnh vực tín dụng và xử lý rủi ro, hạn chế tối đa sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, nhằm phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống ngân hàng,...
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, thời gian qua, BCÐ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, đồng bộ công tác PCTN; phát hiện một số lĩnh vực cần tập trung chỉ đạo như, hoạt động tín dụng của ngân hàng, quản lý đất đai; một số khâu chậm, khó khăn cần tháo gỡ, như điều tra, giám định tư pháp, xét xử,... BCÐ đã chỉ đạo, thúc đẩy công tác PCTN mạnh hơn, có hiệu quả cụ thể. Công tác PCTN ở các cơ quan trung ương có chuyển biến tốt hơn, nhưng ở các địa phương chuyển biến chưa mạnh.
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, hoạt động của BCÐ T.Ư về PCTN đã có chương trình, kế hoạch công tác bài bản, cụ thể; đã xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, có đầy đủ cơ chế phối hợp, phương pháp làm việc. Vấn đề là phải triển khai thực hiện; thực hiện quyết liệt hơn; tập trung vào những đối tượng, những vụ việc trọng điểm đang cần giải quyết. BCÐ cần thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, công việc đã đề ra. Cần có quyết tâm lớn, ý thức trách nhiệm cao, nhất là các cơ quan chức năng, những cán bộ trực tiếp làm công tác PCTN. Tăng cường trao đổi thông tin, tháo gỡ vướng mắc, thường xuyên làm việc với các địa phương, tập trung vào những vụ án nghiêm trọng, phức tạp; tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh các khâu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là thu hồi tài sản, một khâu còn yếu hiện nay. Vướng mắc chỗ nào thì tập trung tháo gỡ chỗ đó với tinh thần quyết liệt hơn.
Về các giải pháp thực hiện, theo Tổng Bí thư, cần bổ sung thêm giải pháp phòng, chống và khắc phục tham nhũng vặt, một tình trạng ngày càng phổ biến. Các cơ quan phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, đồng bộ hơn. Tăng cường kiểm tra các cơ quan chức năng, các cấp ủy, tổ chức đảng ở các địa phương về tham nhũng và công tác PCTN.
Ðồng chí lưu ý phải có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện kết luận của kiểm tra lần trước; kịp thời khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân làm chưa tốt. Tổng Bí thư đề nghị Thường trực BCÐ và các thành viên BCÐ T.Ư về PCTN làm việc tích cực, thường xuyên hơn. Ban Nội chính T.Ư - cơ quan thường trực của BCÐ thường xuyên theo dõi việc thực hiện các kết luận của BCÐ, chỗ nào vướng mắc báo cáo Thường trực BCÐ để tìm cách tháo gỡ. Tổng Bí thư cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí, để báo chí tích cực, chủ động tham gia vào công tác PCTN có hiệu quả, khắc phục tình trạng thông tin sai lệch, ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội.