Bộ đội cứu thương ở Điện Biên Phủ

08:26, 17/04/2015

Chuyện chiến đấu ở Điện Biên Phủ, họ tự hào vì đã cứu sống được nhiều người, trong đó có bộ đội, nhân dân địa phương và cả hàng binh địch bị trúng đạn. Suốt chiến dịch, khẩu súng khoác trên vai họ ví như một vật trang trí.

Họ có mặt ở khắp các chiến hào của mặt trận, nơi “hòn tên, mũi đạn” từ phía chiến hào bên kia bắn lại, nhưng khi gặp những kẻ thù của nhân dân bị trúng đạn, rên la đau đớn, họ sẵn sàng cứu giúp, dù trong cuộc sinh - tử, ít phút trước họ còn là kẻ thù.

Theo ông Nguyễn Đức Chính, Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ huyện Đồng Hỷ: Hiện Ban đã tập hợp được 87 cựu chiến binh Điện Biên Phủ, ở nhiều lĩnh vực chiến đấu khác nhau, như: Pháo binh, bộ binh, công binh, vận tải, lái xe, cấp dưỡng... và những người lính làm nhiệm vụ quân y. Nhưng dù ở lĩnh vực nào thì mỗi người lính đều đã chiến đấu, đã cống hiến tuổi xuân của mình để góp phần cùng cả nước làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Những trẻ trai ngày ấy, nay người còn, người mất. Người còn cũng đều ở tuổi mấy nay hiếm, chân chậm, mắt mờ... bởi có ai cưỡng lại được tuổi tác đâu. Nhưng trong nghĩ suy của mỗi cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa, thì đó là những ngày hào hùng nhất, tươi đẹp nhất họ. Ông Dương Đức Thanh, tổ 11, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) kể: Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được biên chế vào Đội tải thương, Đại Đoàn 316. Công việc của người lính tải thương luôn chạy như con thoi dưới giao thông hào, khi lên phía trước lấy thương binh và... xác đồng đội, cáng chạy về tuyến sau, rồi lại len lỏi dưới “hòn tên, mũi đạn”, nhanh hay chậm đều liên quan tới mạng sống của bộ đội ta. Ấn tượng bi hùng nhất là trận đánh đồi C1, đạn địch bắn như vãi chấu, bộ đội ta bị thương vong nhiều, cánh lính tải thương chúng tôi, người nào cũng bê bết bùn đất chiến hào và máu đồng đội.

Lúc Trạm phẫu tiền phương đông đúc, cũng là khi bộ đội ta đang đánh lớn. Bà Bùi Thị Lữ, ở tổ 21, thị trấn Chùa Hang trước đây thường kể cho con, cháu nghe về chuyện Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bà Lữ nhập ngũ ngày 5-2-1951, rồi làm y tá của Trạm điều trị 5 ở Điện Biên Phủ. Hằng ngày cùng anh chị em trong Trạm tiếp nhận thương binh, bệnh binh, có người bà biết tên, có người bà chưa quen mặt. Mỗi trận đánh lớn, anh chị em trong Trạm lại động viên nhau căng sức làm việc thâu đêm, suốt sáng. Có thương binh bị đạn bắn thẳng, có người bị mảnh pháo phạt ngang, song ở mặt trận dường như có một sức mạnh phi thường nào đó tiếp cho người lính, cứ tỉnh táo một chút là đòi trở lại đơn vị để cầm súng chiến đấu. Có trường hợp bị thương nặng, tôi đã ngồi bên, nắm lấy bàn tay và nói chuyện để người lính ấy không bị lịm đi.

Tôi chắc chắn từng mẩu chuyện nhỏ của bà Lữ, và những nữ y tá nơi chiến  trận đã như một sợi dây vô hình níu kéo lại cuộc sống cho bao cán bộ, chiến sĩ không may trúng phải đạn thù. Những câu chuyện hồn nhiên, trẻ trung làm thương binh không bị lịm đi, mà hối thúc cho mỗi người quyết tâm sống để được tiếp tục cầm súng đánh giặc. Với ông Vũ Thái Trọng, tổ 25, thị trấn Chùa Hang, người y tá làm việc ở Phòng mổ Đội Điều trị 5. Đội đóng ở Bổm Xôm, Mường Phăng, nơi hậu cứ của mặt trận. Làm y tá, nhưng ông cảm nhận được sự đau đớn của người thương binh từ một tiếng rên khẽ khàng, và ông cũng cảm nhận được sự thoải mái, dễ chịu của một thương binh nào đó sau khi được kíp mổ lấy ra khỏi cơ thể đầu viên đạn hoặc một mảnh đạn pháo. Rồi sau này, khi trở về cuộc đời thường, ông luôn mang theo trong lòng một day dứt: Vì hoàn cảnh bấy giờ còn nhiều thiếu thốn, Trạm phẫu mặt trận chưa có đủ thuốc tê, thuốc mê, thuốc giảm đau cho thương binh; thuốc điều trị và dụng cụ y tế phục vụ cấp cứu chưa đủ, nhiều thương do chủ quan, không kịp chuyển tuyến sau, vết thương bị nhiễm trùng, hoại tử, phải chịu đau đớn suốt cuộc đời về sau này.

 

Chuyện cấp cứu thương binh, điều trị cho thương binh, y tá Hoàng Ưng, Đội điều trị thuộc Đại đoàn 316 đã không quản đêm hôm khuya sớm, luôn gần gũi với anh em thương binh, với cử chỉ thân thiết như ruột thịt, ông được nhiều đồng đội quý mến. Ông là người con của vùng đất xã Hóa Thượng, 16 tuổi tình nguyện nhập ngũ. Do có vóc dáng thư sinh, sống chan hòa, nên sau huấn luyện ông được đơn vị lựa chọn cho đi học y tá, rồi cùng đơn vị hành quân lên miền Tây bắc Tổ quốc, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày kết thúc chiến dịch, ông mới 22 tuổi.

 

Những Quỳnh Nhai (Sơn La), Ca Lăng (Lai Châu), Mường Nhé (Điện Biên Phủ) vùng đất còn lưu lại bao dấu chân người lính. Rồi những dòng sông Nậm Mức, Nậm Pô chảy khắc khoải trong lòng bao người chiến sĩ năm xưa. Và nữa, những đèo Ách (Yên Bái), đèo Khau Cọ (Lào Cai), đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin gập ghềnh đầy hiểm nguy đâu có ngăn nổi bước chân người chiến sĩ. Bên di tích đèo Pha Đin, bên tượng đài liệt sĩ Thanh niên xung phong ở ngã ba Cò Nòi Sơn La và chân tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi bắt gặp một người chiến sĩ quân y luôn lặng lẽ, thỉnh thoảng mới thấy ông thì thầm như nói với những đồng đội xưa một điều hò hẹn gì đó, thiêng liêng lắm. Ông là Vi Văn Cúc, xã Hóa Thượng. Ngày chiến đấu ở Điện Biên Phủ, ông được biên chế vào Ban Hậu cần Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Ông là quân y sĩ Trạm cấp cứu hỏa tuyến, phục vụ mũi chủ công của Trung đoàn. Ông là một trong những cán bộ quân y vinh dự tham gia từ đầu cho đến kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cũng như những cán bộ quân y trong bài viết này, thời quân ngũ từng cứu sống được nhiều thương binh, khi trở về sau chiến tranh, trên ngực áo đều mang những tấm huân, huy chương rực rỡ chiến công.