Đại hội đồng IPU 132: Dấu ấn Việt Nam trong phát triển bền vững

08:27, 03/04/2015

Trong niềm vui mừng sẻ chia về kết quả Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) với việc thông qua “Tuyên bố Hà Nội”, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury đã nhắc lại ý tưởng ban đầu của Quốc hội Việt Nam khi đề xuất chủ đề: “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. Ông Saber Chowdhury cho rằng, món quà vinh danh Việt Nam chính là những hành động thực thi Tuyên bố Hà Nội, cũng như các nghị quyết mà Đại hội đồng IPU-132 đã thông qua.  

Với chủ đề trên, có thể thấy trong các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đều nhấn mạnh rằng, một trong những ưu tiên của chương trình nghị sự Đại hội đồng IPU lần này là “Biến lời nói hành hành động" để các mục tiêu đã đề ra phải được bảo đảm thực hiện trên thực tế, các cam kết đã đạt được phải đi vào cuộc sống; để luật pháp và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được tôn trọng; các thỏa thuận, quy tắc ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia được thực hiện nghiêm túc; các tranh chấp, bất đồng được giải quyết bằng biện pháp hòa bình; và các dân tộc đều có quyền bình đẳng. Lãnh đạo Việt Nam đã bày tỏ, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của IPU cũng như các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn nỗ lực hết sức mình cùng nhân dân các nước và cộng đồng quốc tế thúc đẩy xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng.

 

Tham dự các hoạt động trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng IPU-132, cũng như chương trình đón tiếp do nước chủ nhà Việt Nam tổ chức, Chủ tịch Quốc hội Ma-rốc nhận xét rằng, thông điệp của các nhà lãnh đạo Việt Nam là rất có ý nghĩa và quý giá. Thông điệp này đã thể hiện rõ sự quan tâm của những người đứng đầu đất nước Việt Nam, cũng như các nghị viện, nghị sĩ trên thế giới về những vấn đề thiết thân đối với người dân ở khắp các quốc gia, châu lục. Đại diện cho tiếng nói của người dân khu vực châu Phi, Chủ tịch Quốc hội Ma-rốc đã đánh giá cao tinh thần, ý chí của người dân Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như những quyết tâm, hoài bão trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Ông cho rằng, Việt Nam đã lấy con người là trụ cột của quá trình phát triển. Đây cũng là xu hướng chung của các nước trên thế giới hiện nay.

 

Bên cạnh những hoạt động chính thức trong chương trình nghị sự, nhiều nghị sĩ từ 16 quốc gia đã có chuyến đi thực địa đến làng UNICEF ở Hà Nội, thăm 4 trung tâm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tại đây, các đại biểu được chứng kiến những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, công tác chăm sóc y tế và dinh dưỡng tại các cộng đồng, dưới sự giúp đỡ của UNICEF. Nhận định về đóng góp của chủ nhà Việt Nam đối với thành công của Đại hội đồng IPU-132, ông Saber Chowdhury, Chủ tịch IPU khẳng định, chủ nhà Việt Nam có vai trò quan trọng trong tất cả các nội dung của Đại hội đồng, từ khâu tổ chức đến việc tích cực đóng góp ý kiến tại các diễn đàn thảo luận. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia một cách đầy đủ, tích cực tại các diễn đàn thảo luận từ chủ đề chính của Đại hội đồng đến các phiên thảo luận chuyên đề, các hoạt động, sự kiện bên lề. Những chia sẻ của Đoàn Việt Nam là bài học, là kinh nghiệm tốt đối với quá trình hoạt động của nghị viện các quốc gia thành viên IPU.

 

Và như kỳ vọng của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Camilla Mellander, trước thềm IPU-132: "Đón tiếp hàng nghìn đại biểu từ hơn 150 nước hoàn toàn là một thách thức. Qua những gì tôi đã trải nghiệm cho đến nay, tôi thấy Việt Nam đang tiến hành công việc một cách xuất sắc nhằm chuẩn bị cho hội nghị rất quan trọng này".

 

Còn Đại sứ Đan Mạch John Nielsen chia sẻ, IPU-132 là một cơ hội tuyệt vời cho Hà Nội có dịp được trưng bày vẻ đẹp lịch lãm và bí ẩn truyền thống với hàng nghìn đại biểu là các nghị sĩ từ khắp nơi trên thế giới tham dự IPU-132. Không chỉ có thế, "Đêm hội Đoàn kết nghị viện" diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là dịp để các vị đại biểu được gặp gỡ, giao lưu với những người dân đại diện cho 54 dân tộc của đất nước Việt Nam, từ miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ, trong một không gian gần gũi với thiên nhiên. Đây là những người dân được thụ hưởng, trực tiếp thực hiện các chính sách đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua chương trình, các đại biểu có dịp gần gũi bên nhau, cùng cảm nhận những nét đặc sắc văn hóa Việt Nam...

 

Các sự kiện văn hóa tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã góp phần để lại ấn tượng sâu sắc đối với các đại biểu, khách quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam mến khách, qua đó tăng cường sự hiểu biết, gắn kết giữa các quốc gia, củng cố quan hệ hữu nghị giữa các nghị viện thành viên IPU. Và dấu son của Đại hội đồng IPU-132 chính là "Tuyên bố Hà Nội" đã được thông qua với sự đồng thuận cao. Chính vào thời điểm mà nhân loại chuẩn bị bước sang một giai đoạn phát triển mới (sau 2015), thì các nghị sĩ đến từ 133 nước và 23 tổ chức nghị viện quốc tế và khu vực, tề tựu tại Thủ đô Hà Nội xinh đẹp và mến khách, để xem xét lại các mục tiêu phát triển bền vững đang nổi lên và việc làm thế nào phát huy vai trò của mình để đạt được các mục tiêu đó. Các nghị sĩ trên thế giới đã khẳng định tầm nhìn về sự phát triển bền vững lấy người dân làm trung tâm dựa trên việc thực hiện tất cả các quyền con người. Việc đạt được nhận thức chung về các mục tiêu phát triển bền vững được coi như một khuôn khổ mang tính chuyển đổi, giúp thúc đẩy quá trình đưa ra quyết sách ở tất cả các quốc gia, tạo xung lực mới cho quan hệ đối tác phát triển toàn cầu. Các nghị sĩ cam kết sẽ nỗ lực hết mình để tăng cường vai trò quốc gia làm chủ các mục tiêu này, phổ biến các mục tiêu đến cử tri của mình, đồng thời đảm bảo tiếng nói của mỗi người dân đều được phản ánh trong tiến trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, không phân biệt địa vị xã hội của họ. Mỗi quốc gia phải nỗ lực thực hiện trách nhiệm của mình để đảm bảo hoàn tất được các mục tiêu đề ra, vì tương lai hạnh phúc của nhân dân.

 

Từ cam kết đến hành động, Tuyên bố Hà Nội sẽ là một di sản lớn, thể hiện sự đóng góp nổi bật của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới, đúng như nhận xét của Chủ tịch IPU Saber Chowdhury.