Dân chủ ở cơ sở

09:22, 08/04/2015

Quá trình thực hiện cải cách hành chính gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã và đang được tiến hành đồng bộ, rộng rãi trong cả nước.

Nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và địa phương đã được ban hành, đặc biệt là triển khai Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11 về pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

 

Quy chế dân chủ cơ sở nhằm đảm bảo cho người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trực tiếp ở cơ sở, nơi cư trú và cơ quan, đơn vị công tác. Tư tưởng chỉ đạo của Đảng về mở rộng dân chủ, dân chủ trực tiếp được cụ thể hoá và đưa vào khá nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của các tổ chức chính trị - xã hội.

 

Kể từ khi triển khai Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, đại đa số các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm túc cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa"; thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính, các khoản phí, lệ phí, đóng góp của dân, công khai các phương án sản xuất, việc giải quyết các thủ tục hành chính như cấp giấy phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, địa chính, hộ tịch, hộ khẩu, công chứng; chế độ cho các đối tượng chính sách đã được công khai hóa. Nhiều thủ tục đã được giải quyết nhanh, gọn, giảm bớt phiền hà cho nhân dân, được nhân dân đồng tình.

 

Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hàng năm đã trở thành diễn đàn thực hiện dân chủ trực tiếp của cán bộ, công nhân viên chức và người lao động. Đại đa số các doanh nghiệp sau cổ phần hoá đều đã tiến hành hội nghị công nhân viên chức. Tại các Hội nghị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã nhận thức được quyền làm chủ của mình, không chỉ góp ý xây dựng cơ quan, đơn vị mà còn chủ động chất vấn thủ trưởng về những vấn đề đang đặt ra ở cơ quan, đơn vị và yêu cầu làm rõ để tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động của cả tập thể. Nhiều cơ quan, đơn vị đã rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới một số quy chế, quy định nhằm cụ thể hoá việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở như: Quy chế công khai tài chính, quản lý và sử dụng tài sản cơ quan; Quy chế tuyển dụng, đề bạt, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật, nhận xét, đánh giá cán bộ; Quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo... Các doanh nghiệp thực hiện công khai, dân chủ về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động; nội quy, quy chế của doanh nghiệp, công khai tài chính, tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi xã hội, quy chế về việc hiếu, việc hỷ, về thăm hỏi người lao động ốm đau, tai nạn; xây dựng quy chế phối hợp giữa công đoàn với lãnh đạo doanh nghiệp, ký thỏa ước lao động tập thể, phát huy vai trò của ban thanh tra nhân dân, hội đồng hòa giải lao động...

 

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều vấn đề liên quan đến đề xuất, kiến nghị của người dân chưa được giải quyết kịp thời; tình trạng khiếu kiện, hiện tượng mất dân chủ ở cơ sở vẫn còn xẩy ra ở một số nơi. Nhiều văn bản về dân chủ cơ sở đã được ban hành hết sức cụ thể. Ngay cả việc giám sát các dự án đầu tư của cộng đồng trên địa bàn xã, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định riêng, quy định rõ quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng, song một số địa phương thực hiện vẫn chưa nghiêm túc. Việc thực hiện dân chủ ở một số cơ sở vẫn mang tính hình thức, thiếu hướng dẫn cụ thể, thiếu đồng bộ. Nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà; bệnh giấy tờ chưa giảm, làm phiền hà cho dân phải đi lại nhiều lần; vẫn còn hiện tượng công chức cơ sở nhũng nhiễu dân. Việc tổ chức kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ chưa thường xuyên…

 

Nói đến dân chủ bây giờ không còn là những điều lý luận chung chung, mà là những quy định cụ thể, thậm chí rất cụ thể. Dân chủ ở cơ sở thực chất là cần phải làm rõ những vấn đề “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 04/2015/NĐ-CP quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức được tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan quyết định; những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra được nêu rất cụ thể cùng với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Yêu cầu thực hiện dân chủ phải gắn liền với bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ quan, đơn vị; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các tổ chức đoàn thể quần chúng; dân chủ trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật; kiên quyết xử lý hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và quyền làm chủ của nhân dân, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Nghị định bổ sung cán bộ, công chức cấp xã là đối tượng áp dụng đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ những năm qua.

Nghị định số 04/2015/NĐ-CP được ra đời sau 16 năm thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan theo Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ đã bộc lộ một số vấn đề không còn phù hợp, cần điều chỉnh, bổ sung. Triển khai thực hiện Nghị định sẽ giúp cho thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nghiêm túc hơn. Và một điều hết sức quan trọng là người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị cần tạo ra bầu không khí đoàn kết, cởi mở, chân thành để mỗi thành viên của tổ chức mình phát huy tốt quyền làm chủ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc; năng động, sáng tạo trong học tập, rèn luyện, thi đua lao động sản xuất, cống hiến sức lực và trí tuệ đóng góp cho sự nghiệp chung. Đây cũng chính là một trong những họat động thiết thực góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “ Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”.