Gặp những người từng đối mặt với “pháo đài bay” B52

15:44, 14/04/2015

Thời điểm này, cả nước đang tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015).

Trong khoảnh khắc ý nghĩa đó, những cựu chiến binh của Trung đoàn 256 lại cùng nhớ lại trận địa pháo cao xạ trong lòng “thành phố thép”, nơi quân và dân Thái Nguyên đã bắn rơi 2 máy bay B-52 của Mỹ, góp phần làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phám và ký hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đồng thời, rút toàn bộ quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam một cách vô điều kiện. Điều này đã tạo nên tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng ta. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976 với kết quả là Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

 

Vào một ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng các cựu chiến binh của Trung đoàn 256: ông Nguyễn Công Tuấn, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 5, đơn vị đã trực tiếp bắn hạ 2 máy bay B52; ông Nguyễn Văn Đức, Tiểu đội trưởng báo vụ tiêu đồ, Đại đội 10; ông Vũ Đình Chiến, chiến sĩ sửa chữa quân khí kiêm pháo thủ số 2, Đại đội 5 để ôn lại câu chuyện về thời điểm đối mặt với “pháo đài bay” B52 của quân và dân Thái Nguyên vào tháng 12-1972.

 

Ông Tuấn kể: Thời điểm cuối năm 1972, đa số bộ đội miền Bắc đã vào chi viện cho miền Nam, lực lượng còn lại tương đối hạn chế. Đặc biệt là lực lượng pháo cao xạ hầu như không có. Trước tình hình đó, vào tháng 6-1972, Trung đoàn 256, quân khu Việt Bắc ra đời với nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu của vùng Việt Bắc mà trọng tâm là khu vực T.P Thái Nguyên với Nhà máy điện Cao Ngạn, ga Lưu Xá, khu Gang Thép Thái Nguyên…

 

Đến tháng 9-1972, Trung đoàn 256 được tăng cường thêm 18 khẩu pháo 100mm (có tầm bắn trên 10km, có thể bắn được đến tầm bay của máy bay B52). Một số chiến sĩ của Trung đoàn được cử đi học về loại vũ khí này. Trong số đó, có chiến sĩ Vũ Đình Chiến, người mới nhập ngũ vào ngày 25-8-1972. Ông Chiến chia sẻ: Lúc đó tôi vừa mới tốt nghiệp THPT và gia nhập Trung đoàn 256 vài ngày thi được đơn vị cử đi học. Chúng tôi được học các kiến thức về cơ chế hoạt động, cách sử dụng và sửa chữa pháo 100mm. Sau hơn 1 tháng học tập, tôi được cử về tham gia hướng dẫn đồng đội cách sử dụng pháo 100mm và tham gia chiến đấu. Tôi đã cùng các đồng đội khác trong Trung đoàn khám phá, tìm tòi, thấy được những điểm yếu của B-52, như: hướng bay không thay đổi, tốc độ bay chậm. Vì vậy, chúng tôi nhận định: nếu biết cách sẽ cắt được ngòi ba điểm nổ khác nhau ở những quả pháo 100mm, khả năng có thể bắn trúng máy bay B-52 là rất lớn.

 

Nói về buổi tối lịch sử ngày 24-12-1972, ông Đức nhớ lại: Tối ngày hôm đó, Tổng trạm của Quân chủng có phát tín hiệu báo các máy bay B-66, rồi F-4 đang hướng về T.P Thái Nguyên. Tôi là báo vụ kiêm tiêu đồ, chịu trách nhiệm đánh dấu đường bay trên bản đồ. Sau một lúc, tôi nhận được tín hiệu từ tổng trạm, máy bay B-52 xuất phát từ sân bay U-ta-pao (Thái Lan), độ cao 10km. Ngay khi tiêu đồ nhận được tín hiệu của B-52 hướng về Thái Nguyên, sở chỉ huy lệnh cho Trung đoàn vào vị trí, sẵn sàng chiến đấu. Lúc đó, tôi không còn để ý những gì diễn ra xung quanh nữa, chỉ tập trung nhận tín hiệu và thông báo lại cho chỉ huy Trung đoàn. Đến khi máy bay B-52 vào đến tầm bắn khoảng 25 - 30 km, đồng chí chỉ huy Trung đoàn phát lệnh bắn, nhiệm vụ của tôi coi như hoàn thành.

 

Kể về những giây phút đối mặt với “pháo đài bay” B52, ông Tuấn say sưa: Tháng 11-1972, khi cấp trên thông báo B-52 sẽ đánh vào thành phố Thái Nguyên và khu Gang thép, cả Trung đoàn chúng tôi và đặc biệt là 3 Đại đội pháo 100mm đã luyện tập và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Căn cứ vào tài liệu mật báo và kinh nghiệm trong chiến đấu, chúng tôi đã tìm ra cách đánh B-52 khiến địch phải bất ngờ, đó là đánh bằng phần tử tính sẵn, có sáng tạo. Khẩu pháo 100mm chúng tôi được trang bị có tầm xa 21km và tầm cao 14km. Trong khi đó, máy bay B-52 thường bay ở độ cao từ 8 đến 12km. Khi B-52 còn cách trận địa 20km thì cả 3 Đại đội chúng tôi bắt đầu nã pháo theo cách bắn nhanh, bắn cấp tập, bắn dựng màn đạn, cắt ngòi ba điểm nổ khác nhau ở độ cao 8km, 10km và 12km. Với 18 khẩu pháo 100mm của 3 Đại đội ở 3 vị trí khác nhau ở T.P Thái Nguyên là: xã Quang Vinh (nay là phường Quang Vinh), phường Cam Giá và Đại học Nông nghiệp (nay là Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên) thì chiếc B-52 nào vào tầm ngắm khó mà thoát được. Với cách đánh đó, từ tối ngày 24-12-1972 đến rạng sáng ngày 25-12-1972, 3 Đại đội đã liên tiếp bắn theo hướng máy bay B52 bay qua T.P Thái Nguyên. Và theo tin báo về từ Quân khu 1 vào ngày hôm sau xác định, Đại đội 5, Trung đoàn 256 là đơn vị đã hạ gục “pháo đài bay” B-52 của Mỹ vào đêm 24-12-1972.

 

Sau trận thắng B-52 vào đêm ngày 24-12, đêm ngày 26-12 là đêm căng thẳng nhất đối với các chiến sĩ Trung đoàn 256. Lúc đó, Đại đội 5 vừa bắn xong loạt thứ nhất, thì máy bay B52 đã ném bom ngay sát trận địa của Đại đội. Miêu tả về thời điểm đó, ông Chiến kể: Lúc đó lửa bốc lên ngùn ngụt, khói mù mịt khắp nơi, hầm trú ẩn bị sạt, một số anh em bị thương nhẹ nhưng cả Đại đội vẫn an toàn. Khi đó, anh Tuấn đã bị thương nhẹ nhưng vẫn đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy. Một số khí tài bị hỏng, trong đó có chiếc chảo của ra - đa dùng để bắt tín hiệu của máy bay, đường dây điện thoại cũng bị đứt khiến chúng tôi không liên lạc được với Trung đoàn. Ông Tuấn tiếp lời: Trận địa lúc đó không nhận được lệnh từ Trung đoàn nên Đại đội trưởng phải tự chỉ huy. Sau khi quan sát điểm nổ của Đại đội 3 cùng Đại đội 9, tôi nhận ra đường bay của B-52 vẫn như trong kế hoạch và quyết định bắn theo phương án 1 đã định ra trước đó. Toàn Đại đội lúc đó lại tiếp tục tập trung hỏa lực bắn về phía máy bay B-52. Kết quả là vào rạng sáng ngày 26-12-1972, Đại đội 5 đã hạ được chiếc máy bay B-52 thứ hai.

 

Ngay sau trận đánh này, Trung đoàn 256 cùng Đại đội 5 đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi tặng lẵng hoa. Riêng ông Nguyễn Công Tuấn được cấp trên phong quân hàm từ Chuẩn úy lên Thiếu úy ngay tại trận địa. Thời điểm, hòa trong không khí cả nước kỷ niệm tròn 40 năm Ngày thống nhất đất nước, các cựu chiến binh của Trung đoàn 256 cũng cùng chung cảm xúc tự hào, phấn chấn. Bởi, dù không trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, nhưng các chiến sĩ của Trung đoàn 256 ngày ấy đã “chia lửa” cùng quân và dân cả nước làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của cả dân tộc và góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.