Khắc phục di họa của chiến tranh

14:47, 21/04/2015

Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất đã 40 năm, nhưng những di họa của chiến tranh vẫn còn, đó là ảnh hưởng do tác hại của chất độc da cam/điôxin đến con người, môi trường và dưới mặt đất còn tồn dư hàng vạn tấn bom, mìn của Mỹ chưa được tháo dỡ, luôn rình rập cướp đi sinh mạng những người dân vô tội.

Ngày 11-7-1995, Tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Trong 20 năm qua, quan hệ Việt - Mỹ đã có nhiều thay đổi. Hai nước từng là cừu thù nhưng đã khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Tuy nhiên, những chiến thắng huy hoàng của dân tộc ta và những hậu quả, tổn thất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ mãi là một chứng tích đau thương sẽ không bao giờ bị xóa nhòa trong lịch sử Việt Nam.

 

Trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, chính quyền Mỹ đã huy động tối đa nguồn vật lực, tài lực, các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, tốn kém nhất cho cuộc can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Ngoài quân viễn chinh Mỹ còn có sự tham gia của hàng trăm nghìn lính của nhiều nước đồng minh tham chiến tại Việt Nam. Trước năm 1954, Mỹ đã hậu thuẫn tài chính, vũ khí cho Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Sau đó Mỹ tiếp tục hậu thuẫn cho chính quyền Sài Gòn, đến năm 1964 chính thức can thiệp quân sự vào Việt Nam.

 

Cuộc tấn công Việt Nam có quy mô rất lớn, Mỹ đã huy động 77% lực lượng bộ binh, 66% thủy quân lục chiến và không quân, 40% hải quân, 22 nghìn xí nghiệp trên toàn nước Mỹ hoạt động phục vụ cho quân đội, khoảng 6 triệu lượt binh sĩ đã được huy động tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cuộc chiến. Thời điểm cao nhất có hơn nửa triệu quân Mỹ tham chiến tại Việt Nam, họ đã chi phí cho cuộc chiến tổng cộng khoảng 1 nghìn tỷ USD. Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, cuộc chiến phi nghĩa của họ vẫn là nỗi ám ảnh lâu dài trong xã hội Mỹ. Có 58 nghìn lính Mỹ chết trận, trên 300 nghìn lính bị thương.

 

Trong suốt cuộc chiến, riêng không quân Mỹ đã thực hiện hàng trăm nghìn cuộc rải thảm với hàng chục triệu tấn bom xuống cả 3 miền Bắc, Trung, Nam của nước ta. Lần đầu tiên trên thế giới không quân Mỹ đã gây ra thảm họa chất độc da cam/điôxin với quy mô lớn nhất, máy bay Mỹ đã thực hiện gần 2 nghìn phi vụ thả xuống Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (chủ yếu là chất khai quang làm cho rừng cây rụng lá ở các khu vực có quân giải phóng và các lực lượng cách mạng miền Nam hoạt động). Chất độc hóa học đã làm khoảng trên 3 triệu ha đất bị nhiễm độc, trong đó có trên 2 triệu ha rừng bị thiệt hại. Thời gian cao điểm Mỹ rải chất độc hóa học là từ năm 1966-1969, những nơi trọng điểm Mỹ tấn công là khu vực miền Trung, Tây Nguyên và một số vùng Nam Bộ. Đến nay, lượng chất độc hóa học không bị phân hủy còn tồn dư rất lớn trong lòng đất, nhiều nơi vẫn đang bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm và các kho chứa chất độc hóa học như khu vực sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát (Bình Định).

 

Các cuộc rải thảm chất độc hóa học gây thiệt hại nặng nề cho nước ta và người Mỹ cũng đã phải chịu hậu quả “gậy ông đập lưng ông”. Lính Mỹ đã mang hậu quả chiến tranh Việt Nam đến tận nước Mỹ, ngoài 300 nghìn thương binh, trong đó nhiều người tàn phế, còn có trên 1 triệu lượt quân nhân của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học, hiện nay nhiều người lính và con cái bị di chứng. Trong thời gian Mỹ mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, trên đất nước họ đã nổ ra hàng trăm cuộc biểu tình của các tầng lớp nhân dân Mỹ phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa. Có hàng trăm cuộc biểu tình và hàng nghìn nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội phản đối và yêu cầu quân đội Mỹ chấm dứt việc thả chất độc hóa học xuống Việt Nam.

 

Trong mấy chục năm qua, nhiều tổ chức quốc tế đã mở hội nghị, hội thảo về việc xử lý tồn dư chất độc da cam/điôxin và rà phá bom mìn ở Việt Nam. Dư luận quốc tế vẫn tiếp tục yêu cầu Chính phủ Mỹ phải bồi thường chiến tranh, đặc biệt là cung cấp tài chính và kỹ thuật cho việc xử lý tồn dư chất độc hóa học, hỗ trợ nạn nhân, rà phá bom mìn…

 

Từ năm 1978, các cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tại Việt Nam đã kiện các công ty hóa chất Mỹ và kiện Chính phủ Mỹ về việc sản xuất, sử dụng chất độc hóa học thả xuống Việt Nam, đòi Chính phủ Mỹ trả tiền bồi thường cho khoảng 50 nghìn cựu quân nhân bị phơi nhiễm.

 

Ở nước ta có trên 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/điôxin, hậu quả rất nặng nề, gây ra những di chứng qua nhiều thế hệ. Cùng với việc kiến thiết, xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, nước ta đã chủ động các nguồn lực để từng bước khắc phục thiệt hại, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về khắc phục hậu quả chất độc hóa học và Ban Chỉ đạo quốc gia về khắc phục hậu quả bom, mìn. Tuy nhiên kết quả thu được còn rất hạn chế vì khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, đòi hỏi nguồn tài chính, phương tiện, thiết bị lớn…

 

Tại các diễn đàn về giải quyết hậu quả chiến tranh, Việt Nam và những người có lương tri vẫn yêu cầu Chính phủ Mỹ và kêu gọi các nước, tổ chức quốc tế có trách nhiệm tiếp tục trợ giúp nước ta khắc phục hậu quả chiến tranh.