Nghị quyết sát thực, gắn với lợi ích của đảng viên, người lao động

14:31, 15/04/2015

Là đơn vị làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tự chủ về hoạt động sản xuất, kinh doanh, những năm qua, Chi bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi, trụ sở tại xã Bình Sơn (trực thuộc Thị ủy Sông Công) đã chủ động xây dựng nghị quyết sát thực tế, chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khuyến khích đảng viên nghiên cứu khoa học

 

Tại Vườn quỹ gen của Trung tâm, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thúy Hằng, Phó Trưởng Trạm Tư vấn dịch vụ và Sản xuất kinh doanh đang tìm hiểu về các giống cỏ phục vụ chăn nuôi. Chị Hằng là đảng viên chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học tại Trung tâm. Đề tài giúp chị bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ năm 2014 là: “Ảnh hưởng của phân bón đến chất lượng 2 giống cỏ Hamill, Mulato và sử dụng chúng trong chăn nuôi”. Qua 2 năm nghiên cứu (2012-2013), chị đã phát hiện ra nếu bón quá nhiều phân bón trong điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ làm giảm chất lượng và năng suất của cỏ. Sau nhiều lần mày mò, thử nghiệm, chị đã tìm ra tỷ lệ dùng phân bón hợp lý để tư vấn cho nông dân; đồng thời khuyến khích bà con trồng giống cỏ Hamill có năng suất cao hơn các giống cỏ khác. Chị Hằng cho biết: Từ việc nghiên cứu, tôi có nhiều kiến thức thực tế áp dụng vào công việc chuyên môn cũng như chỉ đạo các thành viên trong Trạm tư vấn hiệu quả cho người dân.

 

Cũng như chị Nguyễn Thúy Hằng, chị Nguyễn Thị Lan, Trưởng Trạm Nghiên cứu và Sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng là một đảng viên trẻ tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. 2 đề tài do chị chủ trì từ 2012 đến nay đều được Viện Chăn nuôi đánh giá cao và đã ứng dụng vào sản xuất đại trà. Đó là đề tài: “Khảo nghiệm, đánh giá năng suất chất lượng của các giống cỏ nhập nội”; “Ảnh hưởng của các mật độ trồng và mức phân bón đến năng suất, sản lượng, chất lượng giống cỏ Brachiaria Mulato I và II”. Từ hiệu quả của 2 đề tài khi ứng dụng vào thực tế giúp nâng cao năng suất, hàm lượng dinh dưỡng của các loại cỏ cho vật nuôi, Trung tâm đã tiến hành việc chuyển giao khoa học kỹ thuật thành công cho nông dân trên địa bàn T.X Sông Công và các tỉnh trung du miền núi.

 

Đồng chí Nguyễn Đức Chuyên, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi cho biết: Chi bộ đã ra nghị quyết từ đầu nhiệm kỳ, yêu cầu mỗi đảng viên có trình độ từ đại học trở lên phải tham gia ít nhất 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trung tâm trở lên và được các đảng viên thực hiện nghiêm túc.

 

Chi bộ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi hiện có 21 đảng viên (trong đó có 16 đảng viên có trình độ từ đại học trở lên), được bố trí ở 3 tổ Đảng phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn: Tổ Hành chính - Kế toán; Tổ Khoa học và Chuyển giao công nghệ - Trạm Tư vấn dịch vụ và sản xuất kinh doanh; Tổ Chăn nuôi - Trạm Sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi. Theo đồng chí Nguyễn Đức Chuyên, để phong trào nghiên cứu khoa học phát triển, Trung tâm luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các đảng viên. Cụ thể, mỗi một đề tài khoa học, Trung tâm đều trích một phần kinh phí từ 10-20% trở lên tổng giá trị một đề tài, dự án hỗ trợ để thực hiện. Riêng cán bộ, đảng viên tham gia học cao học, ngoài được hưởng 100% lương còn được hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo khi có đề tài nghiên cứu; với đảng viên là nghiên cứu sinh thì mức hỗ trợ là 70%.

 

Chi bộ cũng phân công đảng viên có kinh nghiệm của Trung tâm như Bí thư Chi bộ, Phó Bí thư Chi bộ, các Trưởng phòng hướng dẫn cán bộ trẻ viết báo cáo, bài báo đăng trên các tạp chí khoa học và đề xuất thực hiện đề tài nghiên cứu (đảng viên trẻ Nguyễn Thị Lan, Trưởng Trạm Nghiên cứu và Sản xuất thức ăn chăn nuôi là một điển hình đã được Chi bộ giúp đỡ và trưởng thành trong hoạt động nghiên cứu khoa học). Chi bộ còn chỉ đạo tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên phát động thi đua và có hình thức khen thưởng động viên kịp thời tới các đoàn viên tham gia giải thưởng sáng tạo trẻ của Tỉnh đoàn, sáng tạo kỹ thuật của tỉnh đoạt giải. 5 năm qua, cán bộ, đảng viên của Trung tâm đã thực hiện 15 đề tài, dự án từ cấp cơ sở đến tỉnh, Bộ, Nhà nước. Các đề tài, dự án đều được triển khai đúng kế hoạch, nghiệm thu đầy đủ, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Trung tâm trong sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Ví dụ như từ đề tài “Nâng cao hàm lượng omega trong trứng gà”; “Nâng cao chất lượng gà thịt sạch…”…

 

Nhiều giải pháp nâng cao đời sống người lao động

 

Ngoài đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, Chi bộ đã chỉ đạo đơn vị tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao đời sống cho cán bộ, người lao động. Trước đây, nhiệm vụ của Trung tâm chủ yếu là nghiên cứu khoa học nên thực hiện theo Nghị định 115/NĐ-CP năm 2005 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Trung tâm có duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh song gặp nhiều khó khăn. Thực tế hàng năm, kinh doanh thường bị lỗ do chi trả nhiều cho việc thực nghiệm các đề tài nghiên cứu, trong khi cơ chế hỗ trợ kinh phí triển khai các đề tài, dự án của Trung tâm được Bộ cấp mới có từ 2013. Điều này dẫn tới đời sống của cán bộ, người lao động thấp (có thời điểm Trung tâm chưa đảm bảo nguồn thu, mỗi tháng chỉ đủ chi trả 80-90% lương cho cán bộ, người lao động). Từ thực tế đó, năm 2014, Chi bộ đã xây dựng nghị quyết chuyên đề nhằm phát triển sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại đơn vị để nâng cao đời sống người lao động. Cụ thể hóa nghị quyết này, Ban Giám đốc Trung tâm đã quyết định đầu tư máy cày, kéo phục vụ công tác làm đất thay vì hoạt động thủ công như trước. Đồng thời, thực hiện quy hoạch và xây dựng Trạm giao dịch và giới thiệu sản phẩm, xây cổng ra vào Trung tâm, quy hoạch bãi chăn thả gia súc với diện tích hơn 4,5ha nhằm giảm công chăn đàn.

 

Tận dụng lợi thế diện tích gần 70ha của Trung tâm, Chi bộ đã giao nhiệm vụ cho từng đồng chí trong cấp ủy (Ban Giám đốc Trung tâm) theo dõi sát sao việc các tổ Đảng chỉ đạo thực hiện công tác sản xuất thức ăn xanh, trong đó đảng viên phải là người gương mẫu. Ngoài thời gian nghiên cứu khoa học, cán bộ, đảng viên của Trung tâm đều tích cực tăng gia, sản xuất, phát triển kinh tế. Nhờ đó, 2 năm qua, mỗi năm, các cán bộ của Trung tâm trồng được 1,5ha sắn và 2,3 ha ngô, chủ động được nguồn thức ăn tinh tại chỗ phục vụ chăn nuôi thay vì nhập hoàn toàn như trước. Từ sự chỉ đạo của Chi bộ, Trung tâm cũng duy trì và phát triển việc trồng các giống cỏ với diện tích 6ha/năm để cung cấp cho các địa phương và xây dựng tập đoàn giống cỏ có nhiều chủng loại phù hợp với các tỉnh trung du miền núi. Vườn quỹ gen với 46 giống được duy trì và nhân rộng một số giống triển vọng. Trung tâm cũng trực tiếp sản xuất và cung cấp cho các tỉnh trên 5.000 liều tinh trâu Murrah từ năm 2014; thực hiện tốt dịch vụ thụ tinh nhân tạo trâu bò trên địa bàn, cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật, thuốc thú y cho các hộ trang trại, nông dân các tỉnh...

 

Với các biện pháp chỉ đạo tích cực của Chi bộ, sự nỗ lực của các cán bộ, đảng viên, Trung tâm đã nâng cao năng suất, chất lượng các con giống vật nuôi, cây thức ăn chăn nuôi và hạ giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời đảm bảo khâu liên kiết giữa nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm. Nhờ đó, đời sống của cán bộ, người lao động được đảm bảo ổn định, thu nhập bình quân ở mức 3,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 12% so với đầu nhiệm kỳ…